Gột rửa lỗi lầm, phục thiện

ANTĐ - Cách Hà Nội khoảng hơn 70km, Trung tâm Giáo dục Lao động Xã Hội (GDLĐXH) số II nằm ẩn mình giữa bạt ngàn rừng núi hoang vu tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đây là nơi tập trung, giáo dục và phục hồi nhân phẩm cho những con người lầm lỡ tìm lại niềm tin nơi cuộc sống để trở lại hòa nhập với xã hội.

Gian nan cắt cơn cho học viên

Cấp phát thuốc cho các học viên trong trung tâm

Giống như các học viên cai nghiện nam, những “nàng Kiều lỡ bước” khi vào trại được xác định có nghiện ma túy cũng phải trải qua đợt cắt cơn kéo dài từ 15 ngày cho đến một tháng. Đã nhiều năm làm công tác cắt cơn, cai nghiện cho học viên khi bước chân vào trại, anh Nguyễn Ngọc Thành - Phó phòng Y tế của trung tâm cho biết: “Học viên nữ khi thực hiện đợt điều trị cắt cơn còn nguy hiểm và manh động gấp nhiều lần học viên nam. Hơn nữa, những cán bộ nam nhiều khi không thể trực tiếp can thiệp mỗi lúc học viên nữ lên cơn thèm thuốc”. Có trường hợp một nữ học viên đang nửa đêm lên cơn sau một hồi khóc gào hú hét bỗng lột bỏ hết quần áo trèo lên cửa sổ chửi bới liên hồi. Hết chửi lại rủa, đến tảng sáng các cán bộ nữ mới có thể đưa được cô gái trên người không một mảnh vải che thân về lại chỗ nằm. Chưa kể có những học viên còn điên dại lao vào cào cấu cắn xé các bác sỹ, cán bộ y tế.

Chị Đào Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Quản lý giáo dục lắc đầu khi nhớ đến những lần trực cắt cơn cho học viên mới vào trại: “Có khi 4 học viên mới vào trung tâm ngay đêm đầu đã rủ nhau bỏ trốn. Hai người nhỏ bé hơn trèo được ra khỏi khu vực tường rào thép gai. Còn một người cụt tay và một người cao 1m70 nặng 85kg không lọt qua được thì bỏ đi lang thang trong khu Quản lý học viên. Tất cả các cán bộ trực đêm đó phải huy động thêm các nhân viên ở gần trung tâm có mặt trong đêm chia thành hai tổ để truy bắt hai học viên bỏ trốn và đuổi theo hai học viên bị kẹt lại”. Bốn năm người mới có thể giữ nổi học viên nặng 85kg bởi anh chàng tấn công ác liệt những người truy đuổi với bất cứ thứ gì có trong tay. Nhưng có lẽ bi hài nhất là chuyện các cán bộ phải chạy bộ vào khu rừng bên cạnh trung tâm để lùng bắt hai học viên đã trốn được ra vòng ngoài. Trong đêm tối, ánh đèn pin chiếu vào khoảng không như bị hút vào bóng đêm đen kịt. Một màu đen phủ kín lên khu rừng mặc dù nằm ngay sát trung tâm nhưng chưa từng có người đặt chân đến. Có cán bộ chui vào bụi rậm để tìm học viên nhưng lại không thể trở ngược ra đành chờ đến khi trời sáng, mọi người phát quang mới thấy được lối ra. Đến tảng sáng mới tìm được hai học viên đang vật vã lang thang ở cách trung tâm có hơn 500m. Sau này khi được hỏi lại, cả hai thổ lộ rằng ra khỏi trung tâm thì tối quá, không biết đi đâu, cứ thấy có người là chạy, chạy mãi rồi cũng trở lại trung tâm lúc nào không biết.

Lần đó chỉ đến sáng là cả 4 học viên đều được đưa trở về trại. Nhưng có những học viên bỏ trốn ra ngoài đến 4 tháng. Những ngày đó, cán bộ trung tâm phải bủa đi khắp nơi lùng sục từng địa điểm nghi vấn. Thậm chí, ở mỗi nơi đều phải cử người ở lại cắm chốt 24/24h đề phòng học viên trở lại. Mỗi lần có học viên bỏ trốn, các cán bộ quản lý phải tự bỏ tiền túi ra để đi tìm. Thời gian tìm được học viên càng lâu thì sự vất vả của các anh chị lại càng nhân lên. Thảo là một trong số những học viên lập được “kỷ lục” về thời gian bỏ trốn. Vào trại được một thời gian, cô bé sinh năm 1990 làm gái karaoke không thể trút bỏ được những cám dỗ ở xã hội ăn chơi tự do bên ngoài. Những đêm “bay”, “lắc” cùng đám bạn đã ăn vào tiềm thức. Một lần được đưa xuống Hà Nội chữa bệnh, nhân lúc cán bộ không để ý Thảo đã bỏ trốn. Lang thang trở lại khu vực Bác Cổ bán dâm rồi lại trở về quê ở Nghệ An. Cứ mỗi lần Thảo vừa đi khỏi thì các cán bộ trung tâm mới tìm đến nơi. Nghe nói có thông tin Thảo vào Gia Lai làm rẫy với người cha đang ở trong đó, cán bộ trung tâm cũng phải lặn lội đến tận nơi để tìm. Mãi 4 tháng sau, các thầy cô của trung tâm mới bắt được Thảo đang ở khu vực… chợ Hôm, Hà Nội.

Những mối nguy hiểm khó lường

Tuy vậy, những vất vả, mệt nhọc đó không thể so sánh được với mối nguy hiểm tiềm tàng ngày đêm đe dọa các cán bộ ở đây. Đó là nguy cơ bị phơi nhiễm HIV từ các học viên “có H”. Chị Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Rất nhiều học viên khi vào trại sau khi sàng lọc được phát hiện đã nhiễm HIV, đối với các em lúc này vấn đề tư tưởng phải được quan tâm đặc biệt để các em có thể tự ý thức tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ những cán bộ và học viên cùng trong trung tâm”.

Chị Huyền chia sẻ, có lần một cán bộ của trung tâm khi đang tiêm cho một học viên “có H” lên cơn nghiện thì bất ngờ đối tượng giật mạnh, mũi kim tiêm văng lên đâm vào người nữ cán bộ này. Ngay lập tức, trung tâm đã đưa chị đi uống thuốc chống phơi nhiễm HIV. Từ đó cho đến suốt 3 tháng sau, chị không dám về nhà với chồng con, cứ thấp thỏm lo sợ cho đến khi chị nhận được giấy báo kết quả âm tính thì cả trung tâm mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất của các cán bộ trung tâm là lần một cô bé 17 tuổi được đưa vào trung tâm. Cô bé không nghiện cũng không bị nhiễm HIV nhưng lại bị hen nặng, khi hành nghề mại dâm đã vài lần chết hụt. Lần đó, em bị trụy tim nặng, đưa lên trạm xá của trung tâm thì đã tắt thở. Thầy, cô trong trung tâm phải thức trắng ba đêm lo cho cô bé trong nhà xác chờ bố mẹ em lên mới được khâm liệm. Tuy nhiên, ngay khi vừa tới trung tâm, người cha của em đã tuyên bố thẳng thừng, coi như không có đứa con này, do xấu hổ nên không đưa về quê mai táng. Các bác sỹ xót cảnh cô bé nên đành gom góp tiền lo hậu sự cho em, vài cán bộ nam còn thức trắng cả đêm để đào huyệt cho em.

Và thật khó để kể hết được những khó khăn vất vả, những nỗi khổ tâm khó nói của những cán bộ tại đây. Đón các học viên đến trung tâm là cánh cổng cao bao bọc bởi những bức tường rào dây thép gai. Nhưng tôi tin với những nỗ lực, cố gắng của các cán bộ nơi đây thì đón chờ ngày về của các học viên sẽ là một tương lai rộng mở, là những ánh sáng nơi cuối con đường lầm lỗi của họ.