“Gót chân Achilles” của tế bào ung thư

ANTĐ - Mới đây, các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu Ung thư Deutsches Krebsforschungszenchum và Đại học Y Heidelberg, Đức đã xác định được một loại enzyme HDAC11 có thể giúp tìm ra phương pháp điều trị ung thư trong tương lai. 

Giáo sư, Tiến sĩ Olaf Witt, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Đại học Heidelberg và các đồng nghiệp cho rằng phải tìm ra cơ chế của các chất ức chế HDAC. Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nhà khoa học này đã tập trung vào một “thành viên” của “đại gia đình HDAC” là HDAC11, mới được tìm ra cách đây không lâu. Qua đó, các nghiên cứu có thể thấy rất nhiều tế bào ung thư, bao gồm cả tế bào ung thư vú, gan và thận đã sản xuất lượng HDAC11 ở mức độ cao bất thường.

Các nhà khoa học cho biết thêm, điều này không thấy trong các tế bào khỏe mạnh, và hầu như HDAC11 cũng không có một chức năng cụ thể nào ở các tế bào khỏe mạnh này. “Vì vậy, HDAC11 là một chất ức chế đặc biệt chỉ nhắm vào các tế bào khối u, nơi mà các enzyme này đóng một vai trò quan trọng”. Tiến sĩ Hedwig Deubzer nói. Các nhà khoa học đã sử dụng một kỹ thuật phân tử, họ làm ngừng việc sản sinh HDAC11 trong vú, tuyến tiền liệt, ruột kết, các tế bào ung thư buồng trứng và cả các tế bào kiểm soát các mô khỏe mạnh. Kết quả là: Các tế bào ung thư không có HDAC11 (do bị ngăn lại) sẽ không có khả năng tồn tại và thường xuyên xảy ra việc chết rụng tế bào (apoptosis). Ngược lại, những tế bào khỏe mạnh, khi bị ngăn chặn HDAC11, vẫn không gây ra bất kỳ một thay đổi đáng chú ý nào. 

Các nhà khoa học này cho rằng, nhiều chất ức chế cụ thể đối với các enzyme có liên quan đến những bệnh ung thư khác nhau đã được phát hiện trong những năm gần đây, và một trong số đó đã được ứng dụng trong sản xuất thuốc. Việc phát hiện ra “gót chân Achilles”, HDAC11, của tế bào ung thư cũng là một tiền đề cho các nhà khoa học này tiếp tục nghiên cứu để sớm đưa ra sản xuất thuốc điều trị căn bệnh nguy hiểm ung thư.