“Góp vui” cũng phải có duyên

ANTĐ - Cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều đám cưới theo “phong cách mới”, với đủ các kịch bản “quái chiêu” thì những hình thức hát góp vui trong đám cưới cũng được “biến tấu” muôn hình vạn trạng. Nhảy múa xập xình, những đoạn nhạc não nề… cũng được “lôi” vào biểu diễn trong ngày trọng đại của đôi uyên ương. 

Hát chầu văn được trình diễn trong cả đám cưới

Mặc dù không thiếu những gia đình đã kỳ công mời cả những giọng ca nổi tiếng biểu diễn ngay trong đám cưới, nhưng để thêm phần vui vẻ, chủ nhà thường lịch sự mời khách hát tặng. Trong những tiết mục không báo trước ấy, phần nhiều là… thảm họa. 

Cách đây ít lâu, khi tham dự một đám cưới, tôi thực sự choáng khi hai bên nâng cốc chúc mừng, bỗng một vị khách cao hứng lên sân khấu tuyên bố hát… chầu văn. Vị khách này còn vận động được một số người nữa lên vừa hát rất hăng, vừa thể hiện những động tác theo kiểu… hầu đồng. Một số người đổ xô lên quay clip rồi tung lên mạng, bất chấp sự khó chịu ra mặt của những người xung quanh. Không biết họ ham vui hay thiếu hiểu biết, vì hát chầu văn vốn gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), mang dấu ấn tâm linh và được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu Thánh. Đem ra thể hiện trong đám cưới chẳng những không phù hợp mà còn là biểu hiện của sự xuống cấp về văn hóa, làm sai lệch những giá trị nguyên bản của chầu văn trong tín ngưỡng người Việt. Đáng ngạc nhiên, sau khi tìm hiểu thì được biết, hiện nay có cả một dịch vụ cho thuê những nghệ sỹ chuyên hát chầu văn phục vụ đám cưới (?!)

Một câu chuyện khác xảy ra trong một đám cưới được tổ chức tại một địa điểm sang trọng tại TP.HCM. Khi thấy không khí có phần trầm lắng, một đại diện của nhà trai xung phong góp vui bằng một vài bài hát. Trình bày xong bài đầu tiên, bầu không khí trở nên náo nhiệt, cả hội trường vỗ tay không ngớt ủng hộ “ca sỹ không chuyên”. Thấy bỗng dưng được hưởng ứng ngoài mong đợi, “ca sỹ” hào hứng góp vui thêm mấy bài hát nữa. 1 bài, 2 bài rồi 5 bài, vui chưa thấy đâu, khách khứa trở nên bội thực vì “bị nghe”. Anh chàng MC đành phải lịch sự mời vị khách xuống nhường sân khấu cho người khác. Phía dưới sân khấu, cặp đôi cô dâu chú rể không giấu nổi vẻ ái ngại trước đông đảo quan khách. Đây cũng là cảnh ngộ chung của không ít những đám cưới khi gặp phải sự nhiệt tình thái quá, mà phần đông chủ nhà chọn giải pháp im lặng. Tiệc chúc mừng hạnh phúc trăm năm bỗng trở thành “liveshow” riêng của các vị khách kém duyên. 

Nhân nói chuyện hát tặng, cách đây không lâu, cư dân mạng truyền cho nhau một đoạn clip về một cô gái trong đám cưới, trong đó thể hiện rất cảm động ca khúc “Trách ai vô tình”. Lời bài hát với những ca từ “bạn tình ơi dẫu gì cũng xa nhau rồi”, “trách ai quên tình bao ngày chạy theo duyên mới”... khiến không ít người “chột dạ”, nghĩ cô là người yêu cũ của chú rể, thể hiện bài hát để tỏ lòng nuối tiếc vì tình duyên không thành. Mặc dù sau đó một người quen biết cô gái cho hay thực chất cô này chỉ là em họ của chú rể và ca khúc trên cũng chỉ để đùa cho vui, nhưng tình huống này cũng đủ để chàng trai lẫn người thân hai bên lúng túng khi gặp phải những lời bàn tán, dị nghị của những người tham dự đám cưới. 

Rõ ràng hát tặng trong đám cưới là một hình thức góp vui thể hiện tình cảm và sự tri ân đối với đôi uyên ương trong ngày vui quan trọng nhất cuộc đời họ. Nhưng hát như thế nào cho phù hợp thì cần phải cân nhắc. Vậy nên, nghĩ cho cùng, “góp vui”, dù dưới hình thức nào cũng cần phải có văn hóa, nhất là trong dịp trọng đại như đám cưới.