- Tạm giam 102 đối tượng chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng trong đường dây lừa đảo qua mạng
- Triệt phá đường dây lừa đảo qua mạng giả danh nhân viên ngân hàng ACB
- Triệt xóa ổ nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội
Tại tòa, bị cáo Phạm Thị Hồng Liên khai, qua người quen, bị cáo biết anh Điện. Sau đó, hai người gặp nhau tại Hà Nội. Khi đó, anh Điện nói đã ly hôn vợ 10 năm. “Lúc đó, bị cáo chỉ nghĩ quen qua mạng xã hội thôi nên nói dối bản thân làm bên quân đội, nhưng anh Điện muốn tiến xa hơn”, bị cáo Liên nói.
Quá trình khai báo, bị cáo Liên bị HĐXX truy vấn vì lời khai tại tòa khác với lời khai tại cơ quan điều tra. Lúc này, Phạm Thị Hồng Liên thừa nhận cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát là đúng...
![]() |
Phạm Thị Hồng Liên tại phiên tòa |
Theo đó, cuối tháng12-2021, Liên sử dụng tài khoản Facebook “Đời Luôn Bạc” kết bạn, nhắn tin với anh Quản Văn Điện. Khi quen nhau, bị cáo Liên giới thiệu tên là Nguyễn Khánh Hoà, là mẹ đơn thân, quân hàm Trung tá, hiện đang công tác ở Bộ Quốc phòng...
Phạm Thị Hồng Liên đã gửi cho anh Điện hình ảnh bộ đội tập luyện, bữa ăn của bộ đội do bị cáo chụp lại khi giao rau củ cho một doanh trại quân đội; gửi ảnh bản thân mặc quân phục cho anh Điện. Ngoài ra, bị cáo Liên còn nói mình là Trưởng ban cố vấn cho Đội tuyển Pencak silat tham dự Seagame 31.
Sau đó, hai người thường xuyên liên lạc, gặp nhau tại Hà Nội. Khi đã tạo được sự tin tưởng với anh Điện, Liên nói dối “trước đây đã chuyển công tác cho một giáo viên từ Lâm Đồng ra Đại học Công nghiệp Hà Nội”. Nghe vậy, anh Điện hỏi Liên có chuyển công tác cho mình từ Bắc Giang xuống Hà Nội được không. Liên nói sẽ hỏi thủ tục và bảo chuyển anh Điện về Cầu Giấy, Hà Nội.
Sau đó, bị cáo lên mạng xã hội tìm mẫu đơn xin chuyển công tác của ngành giáo dục, gửi cho anh Điện tham khảo; đồng thời bảo anh Điện chuẩn bị hồ sơ để bị cáo đi gặp lãnh đạo Bộ giáo dục và Đào tạo là bạn thân của sếp...
Bị cáo Liên thông báo cho anh Điện chi phí để chuyển công tác hết 90 triệu đồng. Tin lời bạn gái nói là thật, anh Điện đồng ý nhờ Phạm Thị Hồng Liên giúp chuyển công tác.
Về phía Liên, sau khi nhận tiền, bị cáo không thực hiện như cam kết, không xin chuyển công tác cho anh Điện mà sử dụng toàn bộ số tiền trên để chi tiêu cá nhân. Đến đầu tháng 3-2022, Liên tiếp tục nói dối anh Điện là có vườn cafe ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, một mảnh đất ở Đà Nẵng và đang nợ số tiền 30 triệu đồng mua phân bón.
Liên nói mình sẽ vay tiền của hàng xóm. Nghe bạn gái nói vậy, anh Điện bảo sẽ chuyển khoản cho Liên vay 30 triệu đồng. Lúc này, bị cáo nói dối tài khoản của Liên đang liên quan đến vụ án trong quá trình điều tra... nên không nhận được tiền. Anh Điện bảo Liên nhờ tài khoản của người khác để nhận.
Tháng 4-2022, Liên bảo anh Điện sau này chuyển công tác xuống Hà Nội nên tìm mua nhà để cùng chung sống thì anh Điện đồng ý. Sau đó, Liên lên mạng tìm kiếm thông tin, thấy một bài viết rao bán căn nhà 5 tầng với giá 2,2 tỷ đồng. Liên gửi thông tin, hình ảnh bài viết cho anh Điện.
Anh Điện hỏi Liên có bao nhiêu tiền, Liên nói dối có thể lo được khoảng 1,6 tỷ đồng, anh Điện sẽ lo số còn lại. Ngày 29-4-2022, anh Điện rút 500 triệu đồng đưa cho Liên để góp tiền mua nhà chung. Sau khi nhận số tiền trên của anh Điện, Liên cất giấu nhằm sử dụng cá nhân.
Đến ngày 18-5-2022, Liên bị cơ quan công an bắt truy nã về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Quyết định truy nã trong một vụ án khác nên anh Điện không liên lạc được với người tình quen qua mạng xã hội. Ngày 1-7-2022, Liên được tại ngoại nên liên lạc với anh Điện.
Sau đó, Liên thừa nhận với anh Điện tên thật của mình và thừa nhận bản thân không phải là sỹ quan quân đội như giới thiệu trước đây. Anh Điện yêu cầu Liên trả lại toàn bộ số tiền đã đưa. Liên nói tài khoản của Liên bị phong tỏa không trả được. Do đó, anh Điện đã gửi đơn trình báo đến cơ quan điều tra đề nghị giải quyết.
Sau nửa ngày xét xử và nghị án, Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Hồng Liên 13 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.