Góp phần bảo đảm tính ổn định của giao dịch tài sản

ANTĐ - Theo luật sư Trịnh Anh Dũng, Điều 138 - BLDS năm 2005 (luật hiện hành) quy định: giao dịch vô hiệu trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

“Quy định trên đã đẩy người mua, nhận chuyển nhượng, nhận thế chấp hoặc thuê nhà đất, ô tô hoặc xe máy phải đối mặt với rủi ro pháp lý, nguy cơ mất tiền hoặc tài sản mà không thể lường trước được” - Trưởng VPLS Trịnh đánh giá. Theo phân tích của vị luật sư này thì khi xác lập giao dịch, người mua, nhận chuyển nhượng, nhận thế chấp hoặc thuê nhà đất, ô tô, xe máy chỉ biết tin tưởng vào nội dung và tính xác thực của sổ đỏ, giấy đăng ký xe do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, tin tưởng vào việc các cơ quan công chứng, chứng nhận tính hợp pháp của giao dịch để tham gia giao dịch, họ không thể biết và không buộc phải biết nguồn gốc của tài sản đó. 

Nhược điểm này đã được khắc phục tại Điều 148 của Dự thảo BLDS sửa đổi. Theo đó, trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu. Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

“Rõ ràng, với nội dung sửa đổi như trên, pháp luật đã bảo vệ quyền lợi tuyệt đối của người thứ ba ngay tình nếu giao dịch đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Và ngay cả khi họ chưa hoàn tất thủ tục đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch đó vẫn được coi là hợp pháp nếu người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa” - Trưởng VPLS Trịnh nhìn nhận. Từ các phân tích của mình, luật sư Trịnh Anh Dũng khẳng định: “Đây thực sự là một trong những nội dung mới, quan trọng góp phần đảm bảo tính ổn định của giao dịch, quyền, lợi ích của bên thiện chí, bên ngay tình”.