Gồng mình chống ùn tắc giữa những “đại công trường”

ANTĐ - Hàng loạt trục đường huyết mạch, cửa ngõ Thủ đô từ đường Nguyễn Trãi, Quang Trung (Hà Đông) đến Cầu Giấy, Xuân Thủy... đang trở thành “đại công trường”, phục vụ cho quá trình thi công các tuyến giao thông quan trọng. Những rào chắn được dựng lên, lòng đường bị co hẹp, dòng phương tiện dồn ứ lại. Người tham gia giao thông qua đây khổ một, thì các chiến sỹ CSGT vất vả gấp mười lần. 

Gồng mình chống ùn tắc giữa những “đại công trường” ảnh 1Đội CSGT số 6, 7 tăng cường lực lượng phân luồng giao thông chống ùn tắc

 Xoay vần giữa ngã tư “khổng lồ”

6h sáng, khi chúng tôi có mặt tại ngã tư Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi, đã thấy Thượng úy Đinh Tuấn Thành-Đội phó Đội CSGT số 7 cùng gần 10 CBCS của đơn vị hối hả làm nhiệm vụ. Là một trong những tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Tây của Thủ đô, kết nối với các tỉnh Tây Bắc, đường Nguyễn Trãi, Quang Trung (Hà Đông) xuống cầu Mai Lĩnh..., lưu lượng phương tiện qua đây luôn trong tình trạng quá tải. Ở cả hai chiều đường từ Hà Đông về Đống Đa và ngược lại, nguy cơ xảy ra ùn tắc lúc nào cũng có thể xảy ra, bất kể giờ cao điểm hay không. 

Khuôn mặt sạm nắng, Thượng úy Đinh Tuấn Thành thông tin nhanh, nếu “hóa giải” được giao thông ở ngã tư này thì sẽ điều tiết được giao thông trên cả tuyến. Qua khảo sát, dọc tuyến đường trên, ngã tư Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến được xem là nút thắt lớn nhất, khó khăn nhất đối với các CBCS Đội CSGT số 7. Nơi đây được xem là nút giao thông hỗn hợp với đường cao tốc trên cao, đường sắt trên cao, ngã tư dưới và đặc biệt là hầm chui đang thi công. “Chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra trên ngã tư này, hoạt động giao thông trên các tuyến đường liên quan đi qua ngã tư sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”-Trung tá Lê Văn Tiến-Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho hay. 

Đặc thù của nút giao thông trên được chỉ huy Đội CSGT số 7 khái quát: Khi hầm đi bộ dưới ngã tư chưa được thi công, phương tiện qua đây khá thông thoáng. Tuy nhiên,  2 tháng trở lại đây, các đơn vị thi công đã rào một diện tích khá lớn phục vụ cho việc thi công. Lòng đường bị co hẹp lại, tạo thành những đoạn gấp khúc ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, trong khi đó lưu lượng phương tiện qua đây không giảm, đã biến ngã tư này như một cái nút cổ chai theo hình chữ “V” khá đặc biệt. 

Chưa hết, trên dọc tuyến đường Nguyễn Trãi, Quang Trung kéo dài đến ngã ba Quốc lộ 21b, hệ thống đường sắt trên cao vẫn đang được gấp rút xây dựng, hoàn thiện. Lòng đường chính tại các điểm xây dựng nhà ga, trạm dừng hiện đang được ghép nối, đổ bê tông cũng bị thu hẹp, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. 

Linh hoạt phân luồng, tăng cường ứng trực

Trước những bất cập, khó khăn trên, nhằm đảm bảo ATGT, Đội CSGT số 7 đã kiến nghị với các cơ quan chức năng tổ chức “xén” hè tại ngã tư này. Theo đó, hè đường đã được thu hẹp vừa tạo thêm  “đất” cho phương tiện lưu thông nhưng vẫn đảm bảo đủ diện tích cho người đi bộ. 

Giờ làm việc của CBCS Đội CSGT số 7 bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc lúc 22h. Ở các nút giao thông trên địa bàn quận Hà Đông được đơn vị bố trí linh hoạt các chốt CSGT, có nhiệm vụ phân luồng điều tiết phương tiện từ xa, tránh đổ dồn vào trục đường chính Quang Trung, Nguyễn Trãi. Các dòng phương tiện được “xé lẻ” theo từng lộ trình, hướng đi cụ thể. “Chỉ tính riêng nút giao thông Nguyễn Xiển-Nguyễn Trãi, một ngày đã “ngốn” của đơn vị hơn 30 CBCS. Trung bình trong hai khung giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều, có ít nhất 12 CBCS được bố trí tại đây làm công tác phân luồng, điều khiển giao thông...” - Trung tá Lê Văn Tiến nói.

Không chỉ Đội CSGT số 7 mà Đội CSGT số 6 cũng gặp rất nhiều khó khăn vì quản lý một địa bàn khá rộng, trong đó nối từ địa phận huyện Hoài Đức đến Cầu Giấy với 7 nhà ga từ T1 đến T7 đang được xây dựng. Thượng úy Đặng Thành Trung-Đội phó Đội CSGT số 6 cho biết: “Căng nhất vẫn là đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến Cầu Giấy, bởi tại đây tập trung rất đông các trường đại học, cao đẳng với số lượng học sinh, sinh viên vô cùng lớn”-Thượng úy Trung cho hay. 

Trên dọc tuyến đường Cầu Giấy, Xuân Thủy trước được bố trí khá nhiều nhà chờ xe buýt, tuy nhiên, kể từ khi các nhà ga được thi công, những nhà chờ xe buýt này đã phải “dồn” lại. Bởi khi xây dựng, đơn vị thi công đã phải rào, quây đường khiến cho lòng đường ở hai chiều chỉ còn lại chưa đầy một nửa chiều ngang so với diện tích ban đầu, chỉ cần một chiếc xe buýt dừng lại đón khách, toàn bộ giao thông trên tuyến đường sẽ bị ngưng trệ. “Hiện các điểm xe buýt đã được dịch chuyển ra những vị trí không thi công, song điều này lại gây khó khăn rất lớn cho hành khách, học sinh, sinh viên khi họ phải đi bộ một quãng đường khá xa để lên xe. Tuy nhiên, nếu không di chuyển điểm dừng xe buýt, giao thông trên tuyến sẽ ngưng trệ”-đại diện Đội CSGT số 6 đánh giá.

Cùng với việc kiến nghị những giải pháp tháo gỡ vướng mắc về tổ chức giao thông, Ban chỉ huy Đội CSGT số 6 còn chủ động xây dựng các phương án chống ùn tắc liên tuyến, phối hợp với các lực lượng Công an cơ sở, đặc biệt trong giờ cao điểm. Trên dọc tuyến Cầu Giấy, Xuân Thủy, hàng ngày có tới 30 CBCS ứng trực, làm nhiệm vụ tại các ngã tư, điểm quay đầu phương tiện. Công tác sắp xếp điểm dừng đỗ xe buýt, tận dụng những khoảng đất trống tại khu vực các tòa nhà dành cho xe taxi hay như cấm taxi trong giờ cao điểm hoạt động tại các khu vực đang thi công... đã giúp phòng ngừa hiệu quả ùn tắc và TNGT. Dọc tuyến đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng cũng như đường Cầu Diễn kéo dài xuống Quốc lộ 32 cũng được đơn vị bố trí các tổ tuần lưu, kết hợp chặt chẽ với lực lượng Công an phường, sở tại phân luồng giao thông từ xa. “Vất vả mấy, anh em CSGT cũng vượt qua được. Chỉ mong mỗi người tham gia giao thông luôn ý thức, tuân thủ luật và nhường nhịn, để giảm nguy cơ ùn tắc”, chỉ huy Đội CSGT số 6 tâm sự.