- Đừng quá e dè, sợ hãi khi cần tiêm vaccine, vì dịch Covid-19 vẫn lẩn khuất đâu đó!
- Ăn lưu động “mùa… Covid-19”
Thất nghiệp vì dịch Covid-19, không có tiền trang trải cuộc sống, 4 mẹ con quyết định đạp xe từ Đồng Nai về quê ở Nghệ An đã được rất nhiều người giúp đỡ trên đường đi |
Một thùng hàng như một chợ quê thu nhỏ kiểu mỗi thứ một tí. Một tí rau. Một tí thịt. Một tí trứng gà… và dĩ nhiên là thật nhiều lo toan của đấng sinh thành với đứa con ở nơi mà “thấy tivi nói dịch căng lắm”.
Quê tôi cũng mới được tháo giãn cách mấy ngày trước, sau khi một ca F0 được phát hiện ở trong xã. Dịch cũng làm xáo trộn nhiều sinh hoạt của người dân quê, nhưng cũng may ca F0 đã được cách ly từ sớm và không lây nhiễm ra cộng đồng.
Khi quê hương đã tạm bình yên trước đại dịch thì Hà Nội và nhiều địa phương khác trong cả nước lại đối mặt với một “làn sóng” dịch mới. Đường về quê tôi và nhiều người khác bỗng trở nên xa ngái. Mới đây nhất, từ 0h ngày 18-7, xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe tuyến cố định từ Hà Nội đến 37 tỉnh, thành phố và ngược lại tạm dừng hoạt động (trong đó có 14 tỉnh, thành phố đã tạm dừng từ ngày 8-7).
Một người quen ở quê tôi làm nghề lái xe khách nói trong điện thoại: “Nhà báo ơi, thế này nhà xe chết đói à?! Dịch mà cứ trận này trận khác sống sao nổi”. Tôi bảo, dịch có trừ một ai, tác động và ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhiều lĩnh vực. Khổ nhất vẫn là những người mà cuộc sống bám víu lấy thị thành, từ những hoạt động sôi động của phường phố. Nay con đường ngõ phố lặng im, họ trở thành những công dân… đứt bữa.
“Đại dịch Covid-19: Cũng qua những lúc phải gồng lên để sống, để chiến đấu người ta mới thấy được những điều kể cả yêu thương trân quý lẫn phẫn nộ. Chúng ta thấy trong bức tranh đó, có 4 mẹ con đạp xe đạp từ Đồng Nai về Nghệ An được những người ở điểm chốt góp tiền ủng hộ; chúng ta lại thấy ở đó một anh Minh “râu” bán rau - người nhiều hình xăm không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá; chúng ta thấy cả những hoa khôi khoe khoang có “ông ngoại” lo lót chuyện đi tiêm vaccine mà chẳng cần đăng ký... - Tất cả tạo nên một bức tranh cuộc sống đầy sắc màu. Mà đôi khi, mỗi cá nhân, mỗi hành động đều góp phần làm cho nó tươi sáng hay ảm đảm hơn trong “mùa… Covid-19”.
Nhà báo Hồ Viết Thịnh
Xe khách dừng hoạt động, nhiều xe cũng phải nằm bãi, nhưng nhà xe cũng nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu của khách hàng nên nhanh chóng chuyển sang một loại hình dịch vụ mới - từ chở người, chuyển sang chở hàng.
Buổi sáng khi có thông báo nhận thùng hàng từ quê gửi ra, tôi đến Bến xe Nước Ngầm, bao nhiêu lần đến đây để lên những chuyến xe về quê, đây lần đầu tiên tôi thấy bến xe hiu quạnh đến thế. Vẫn có những chiếc xe khách nằm bãi, nhưng khu vực hoạt động sôi động nhất lại là những chiếc xe tải chở hàng từ quê ra phố.
Những chiếc xe tải trưng hẳn một băng-rôn trước đầu xe với những dòng nội dung như: “Nhận chở hàng từ… ra Hà Nội”. Thời điểm tôi đến bến lúc đó đã gần 7 giờ sáng, thế nhưng những thùng hàng vẫn được bày la liệt ra sân bãi. Lái xe bảo, sớm nhất cũng phải 9h mới giao xong hàng. Nhiều nhất vẫn là các thùng hàng được người thân gửi ra cho con cái ở Hà Nội như là bố mẹ tôi gửi cho tôi vậy, có thể dễ nhận ra điều đó trên ghi chú ở mỗi thùng.
Anh Phạm Hồng Minh (38 tuổi, trú tại Biên Hòa, Đồng Nai, mọi người vẫn thường gọi anh với cái tên Minh “râu” bán rau miễn phí dành cho người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo trong “mùa… Covid-19” |
Bố tôi bảo, bố chẳng đi chợ gì đâu, trong nhà, trong vườn có gì thì gửi ra cho con đấy. Cũng dễ nhận ra khi tôi mở thùng. Ở đó có 2 trái ớt chín, tôi biết hái ở cây ớt góc trái vườn nhà, có 3 quả chanh chẳng đâu xa bứt ra từ cái cây chanh lâu năm ngay bên cạnh, 13 quả trứng gà, rồi cơ man nào là rau, mỗi loại một bó. Rau đúng chuẩn rau vườn, bởi không cần dùng chổi quét rau mà vẫn thấy nham nhở vết sâu ăn lá. “Hôm nào bố lại gom gửi ra, chứ dịch thế này lấy đâu đồ mà ăn” - bố tôi nói. Rồi ông tiện kể luôn nhà A, nhà B có con ở Hà Nội, họ mua như sạch cả chợ, mấy thùng hàng nối đuôi nhau chở đến chỗ gửi.
Nhà báo Hồ Viết Thịnh |
Tôi phải dập ngay ý định của ông bằng lời khẳng định: Hà Nội không thiếu lương thực, thực phẩm đâu. Lương thực, thực phẩm không chỉ nhiều trên tivi như bố nghĩ mà nhiều cả trên thực tế. Siêu thị tôi hay đi vẫn ê hề đủ thứ với nhiều sự lựa chọn. Dù phải thừa nhận, có khi thưởng thức một miếng thịt lợn quê mới thấy dậy mùi thịt lợn, hay ăn một con tôm sông do bố tôi tự đi đánh về mới thấy đậm đà vị quê.
Chúng tôi vẫn bảo với nhau, đại dịch đang trình diễn một bộ phim dài tập mà chưa thông báo tập nào là tập kết thúc. Chẳng ai có thể nghĩ được rằng, Việt Nam lại có khi phải đón nhận thêm một “làn sóng” dịch căng thẳng và nặng nề như thế!
Tình người trong đại dịch được lan tỏa khi lương thực, thực phẩm từ quê vào phố tiếp tế người dân vùng phong tỏa |
Đại dịch Covid-19: Cũng qua những lúc phải gồng lên để sống, để chiến đấu người ta mới thấy được những điều kể cả yêu thương trân quý lẫn phẫn nộ. Chúng ta thấy trong bức tranh đó, có 4 mẹ con đạp xe đạp từ Đồng Nai về Nghệ An được những người ở điểm chốt góp tiền ủng hộ; chúng ta thấy ở đó những cán bộ vẫn không coi bánh mỳ là thực phẩm; chúng ta lại thấy ở đó một anh Minh “râu” bán rau - người nhiều hình xăm không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá; chúng ta cũng thấy ở đó có những doanh nghiệp tranh thủ cơ hội để kiếm lời mùa dịch; chúng ta thấy cả những hoa khôi khoe khoang có “ông ngoại” lo lót chuyện đi tiêm vaccine mà chẳng cần đăng ký; rồi cả một quý bà cũng khoe có ông anh “khả năng lãnh đạo siêu phàm” nhưng cũng có cả “tấm lòng nhân ái” lo lót cho tiêm suất ưu tiên... Tất cả tạo nên một bức tranh cuộc sống đầy sắc màu. Mà đôi khi, mỗi cá nhân, mỗi hành động đều góp phần làm cho nó tươi sáng hay ảm đạm hơn trong “mùa… Covid-19”.