Lộn xộn trông giữ xe: Người dân bức xúc, ngân sách thất thu tiền tỷ (3):

Gọn đầu mối, minh bạch hóa để chấm dứt "loạn" trông giữ xe

ANTD.VN - Cần xóa bỏ tình trạng cấp phép tràn lan, nhà nhà cùng tham gia trông giữ xe và đặc biệt, cần xây dựng mô hình mới, hiện đại, minh bạch trong quản lý, đầu tư hoạt động trông giữ xe.

Cần có thêm nhiều điểm gửi xe hiện đại mới có thể đẩy lùi tình trạng lộn xộn như hiện nay

Từ năm 2008, Hà Nội bắt đầu thực hiện mô hình khoán quản trong hoạt động trông giữ phương tiện. Theo đó, vỉa hè, lòng đường sẽ được UBND quận khoán cho các doanh nghiệp, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện dịch vụ trông giữ xe. Tuy nhiên đến nay, mô hình này đã thất bại hoàn toàn, khi hoạt động trông giữ xe vẫn lộn xộn, vi phạm tràn lan. Nguyên nhân hàng đầu là bởi các đơn vị cấp phép mới chỉ thực hiện khoán mà chưa quản.

Loại bỏ bớt doanh nghiệp chỉ lo thu lời

Kinh doanh trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội lâu nay vẫn được dư luận cho rằng dễ “hốt bạc triệu” mỗi ngày, một “mỏ vàng” mà doanh nghiệp nào cũng muốn “đào” và tìm mọi cách để có phần. Chỉ cần xin được giấy phép trông giữ xe, kẻ vạch sơn, căng dây và thu lời, còn việc đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị… ra sao không phải bận tâm. 

Theo một số chuyên gia giao thông đô thị, đã đến lúc Hà Nội nên thay đổi mô hình khoán quản trong hoạt động trông giữ xe. Bởi nếu quản lý chặt chẽ, siết chặt vào quy củ thì không những người dân được hưởng lợi mà ngân sách thành phố mỗi năm thu về doanh thu rất lớn chứ không phải ở mức khiêm tốn mấy chục tỷ đồng như hiện nay.

Để tạo đột phá trong hoạt động trông giữ xe trên địa bàn thành phố tiến tới xóa bỏ tình trạng “trăm hoa đua nở”, không quản lý được như hiện nay, chuyên gia giao thông đô thị Đặng Minh Tân cho rằng, thành phố nên nghiên cứu rút gọn đầu mối. Từ hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép trông giữ xe, thành phố nên đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn một số doanh nghiệp có đủ năng lực triển khai hoạt động trông giữ phương tiện trên quy mô lớn.

Việc này không những đưa hoạt động trông giữ xe vào quy củ mà còn giúp hình thành những doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư các điểm đỗ xe hiện đại, quy mô lớn. “Với tình trạng manh mún như hiện nay, một quận có đến hàng chục doanh nghiệp được cấp phép trông giữ xe thì lộn xộn là điều khó tránh khỏi. Đó còn chưa kể nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm thu lời mà bỏ qua lợi ích cộng đồng”, chuyên gia Đặng Minh Tân nhìn nhận.

Thu gọn đầu mối là tất yếu

Về xu hướng tinh gọn đầu mối trong hoạt động trông giữ phương tiện trên địa bàn Hà Nội, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho rằng, nếu làm được như vậy thì lực lượng tuần tra, kiểm soát cũng… nhàn hơn rất nhiều.

“Rất nhiều trường hợp kiểm tra điểm trông giữ xe chỉ có mỗi nhân viên, họ không cung cấp được bất kỳ giấy tờ gì, biên bản kiểm tra họ cũng không ký. Người quản lý thường tránh mặt nên có khi thanh tra phải ra về tay không. Còn nếu quy về một số đầu mối nhất định, kiểm tra phát hiện vi phạm thì cứ đơn vị đó mà xử lý, đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Trần Đăng Hải bày tỏ.

Tuy vậy, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, cần phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai và minh bạch, để lựa chọn được những doanh nghiệp có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu.

Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho rằng, những doanh nghiệp được phép trông giữ xe làm ăn quy củ đều ủng hộ và mong muốn việc tinh gọn đầu mối, tránh tình trạng quá nhiều đơn vị cùng tham gia trông giữ xe, dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm lợi nhuận mà lờ đi các nghĩa vụ khác. 

“Có doanh nghiệp không muốn đầu tư trang thiết bị hiện đại vào hoạt động trông giữ xe, vì càng thủ công, càng mù mờ bao nhiêu thì càng dễ trốn thuế, thu lời cao bấy nhiêu. Ai dại gì mà bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư công nghệ rồi lợi nhuận sụt giảm”, ông Phạm Văn Đức chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa

Để minh bạch hóa hoạt động cung cấp dịch vụ trông giữ xe, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, xu hướng tất yếu là phải ứng dụng công nghệ. Đại diện Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thông tin, đơn vị này vừa đề xuất đưa công nghệ hiện đại vào quản lý điều hành các bến, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Hà Nội và Đề án đã được thành phố cho phép thí điểm tại 2 điểm.

Theo đó, đơn vị sẽ xây dựng bản đồ số các điểm trông giữ phương tiện trên toàn địa bàn thành phố; lắp đặt cảm biến, trang thiết bị ghi hình, biển báo tại các điểm trông giữ xe; thiết lập phần mềm quản lý, kiểm soát mạng lưới, chia sẻ thông tin đến khách hàng và tổ chức thực hiện. 

Khi xây dựng được bản đồ số điểm trông giữ xe, toàn bộ thông tin sẽ được đưa lên internet thông qua phần mềm tiện ích tương ứng. Chủ phương tiện có thể sử dụng các thiết bị thông minh như: điện thoại, máy tính bảng… để tìm kiếm điểm đỗ và đặt chỗ trước. Theo khái toán, mức đầu tư cho 1 modul 20 chỗ đỗ xe theo công nghệ mới sẽ vào khoảng 1,4 tỷ đồng đối với điểm đỗ trên lòng đường; 429 triệu đồng đối với điểm đỗ trong khuôn viên.

Đề án sẽ được thí điểm tại 2 vị trí: 1 trong khuôn viên điểm đỗ xe công cộng Trần Nhật Duật hoặc Nguyễn Công Hoan; 1 trên hè đường phố Trần Hưng Đạo, đoạn từ Phan Chu Trinh - Ngô Quyền. Thời gian thí điểm dự kiến từ 3-6 tháng, sau đó sẽ tổng kết để báo cáo thành phố và các sở, ngành đánh giá, bổ sung trước khi nhân rộng. 

Cũng theo Đề án ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành các bến, điểm đỗ xe công cộng, doanh thu tại các điểm trông giữ xe có ứng dụng công nghệ này cũng được công khai, dữ liệu được truyền về và quản lý của nhiều bên như Sở Tài chính, Cục Thuế… “Cơ quan thuế hay tài chính rất dễ dàng kiểm soát hoạt động kinh doanh của đơn vị, không thể trốn được” - ông Đức nói.