Gợi ý trả lời cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” (phần cuối)

ANTĐ - Hiến pháp 2013 là một văn kiện chính trị-pháp lý cơ bản nhất của dân tộc ta trong thời đại toàn cầu hóa, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hiến pháp Việt Nam 2013 đã và sẽ là một động lực chính trị lớn lao thúc đẩy sự phát triển của dân tộc ta trong thế kỷ XXI.

Phần mở rộng: Đánh giá của các đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu, nhân dân về Hiến pháp 2013.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu:

“Bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), phản ánh được ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tạo nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Với bố cục 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn chủ quyền của nhân dân, bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định rõ ràng, đúng đắn, đầy đủ và khái quát hơn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Để Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì việc tôn trọng, nghiêm chỉnh thi hành và bảo vệ Hiến pháp là trách nhiệm và nghĩa vụ thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”.

Cần sớm đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống thông qua nhiều hình thức khác nhau

Đại biểu Quốc hội Lê Đông Phong (TP.HCM)

“Theo tôi, đây là đạo luật cơ bản phù hợp với yêu cầu phát triển mới, trong giai đoạn mới của đất nước. Bản Hiến pháp này sẽ là nền tảng pháp lý cơ bản để xây dựng các luật để điều chỉnh các lĩnh vực, các quan hệ xã hội.

Có thể nói, tất cả các chương trong Hiến pháp đều được nghiên cứu, thảo luận, góp ý nghiêm túc. Chẳng hạn như chương về Chính quyền đô thị, sau nhiều lần thảo luận, với nhiều quan điểm nhận thức khác nhau, đến ngày cuối cùng Uỷ ban dự thảo, sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu theo hướng ghi nhận sự linh hoạt trong sự tiến triển hình thành và phát triển đô thị, làm cơ sở cho cho chúng ta xây dựng chính quyền địa phương phù hợp. Hiến pháp cũng quy định theo hướng mở để sau này Luật tổ chức HĐND, UBND quy định việc tổ chức chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, những đơn vị hành chính đặc biệt.

Thực tế, việc hình thành đô thị nông thôn không phải theo ý kiến chủ quan mà phụ thuộc vào yếu tố khách quan và có tác động của mục tiêu kế hoạch, quy hoạch với vai trò của nhà nước, của chính quyền. Những vùng đô thị được hình thành là tất yếu khách quan, đặt ra yêu cầu quản lý với từng vùng, từng địa bàn. Như thế, nếu máy móc phân chia đơn vị hành chính hay cố định một cách cứng nhắc sẽ không có điều kiện, cơ sở để tổ chức bộ máy chính quyền ở các đơn vị hành chính”.

TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh:

“Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013 đã thể hiện sự đồng thuận giữa Nhà nước, Đảng và nhân dân trên tất cả những vấn đề cốt yếu của chế độ xã hội: Đó là chế độ chính trị dân chủ XHCN với  “Nhà nước pháp quyền XHCN” do “nhân dân làm chủ” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đồng thời Hiến pháp 2013 đã phản ảnh xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của chế độ xã hội ta.

Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý cao nhất, là “khế ước xã hội” giữa người dân với nhà nước, trong đó người dân trao quyền cho nhà nước, để đổi lại nhà nước cam kết tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền của mình.

Hiến pháp 2013 là một văn kiện chính trị-pháp lý cơ bản nhất của dân tộc ta trong thời đại toàn cầu hóa, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hiến pháp Việt Nam 2013 đã và sẽ là một động lực chính trị lớn lao thúc đẩy sự phát triển của dân tộc ta trong thế kỷ XXI”.

ThS. Hoàng Văn Khải - Học viện Chính trị khu vực IV:

“Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện những bước tiến mới trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, trong thời gian tới, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự cũng cần nghiên cứu vấn đề tạm giam đối với một số loại tội, theo hướng giảm bớt các đối tượng tạm giam nếu thấy họ không cản trở, hợp tác trong quá trình điều tra.

Cũng cần hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội. Bởi lẽ, khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, người bị tạm giam bị tước quyền tự do thân thể và bị buộc phải cách ly với thế giới bên ngoài, bị hạn chế nhiều quyền khác. Vì vậy, cần nghiên cứu vận dụng để có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc hơn như bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm nếu người phạm tội có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân tốt, không trốn tránh và cản trở hoạt động điều tra… Đó cũng là những tiêu chí bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự.

Hiến pháp năm 2013 ra đời đã tạo một nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thực hiện quyền con người, quyền công dân trên thực tế. Những điểm mới được quy định trong Hiến pháp về quyền con người là sự tổng kết, chắt lọc từ thực tiễn gần 30 năm đổi mới, thực hiện những cam kết quốc tế và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những quy định của luật để hiện thực hóa quyền con người”.

Ông Cấn Đỗ Hiệp, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai:

“Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện được tinh thần đổi mới, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân. Đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, là tinh thần làm chủ của nhân dân. Điều tôi mong muốn nhất đối với Hiến pháp lần này là một lần nữa Hiến pháp khẳng định vai trò của Đảng ta và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đảng viên phải thực sự gần dân, điều này thể hiện mong muốn của Bác Hồ là cán bộ, đảng viên phải thực sự là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.