Gợi ý trả lời cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” (15)

ANTĐ -Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định bản chất nhân dân của Tòa án nước ta thông qua tên gọi và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Tuy nhiên, khác với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có quy định mới về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của Tòa án nhân dân.

Câu 6.

Những điểm mới, quan trọng về vị trí, chức năng của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân trong Hiến pháp năm 2013. Phân tích điểm mới về mối quan hệ giữa các cơ quan đó trong thực hiện quyền lực Nhà nước?

Trả lời (Tiếp theo)
Vị trí, chức năng của Tòa án nhân dân trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức Toà án nhân dân trong Hiến pháp năm 2013

Quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013) về Tòa án nhân dân được thực hiện trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Cải cách tư pháp ở nước ta trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Tòa án thực hiện quyền tư pháp để bảo vệ công lý, đảm bảo quyền con người

Thứ nhất, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là tư tưởng xuyên suốt được thể hiện trong các Văn kiện của Đảng ta nhiều năm nay. Từ góc độ tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang những đặc điểm chính sau đây:

Một là, bảo đảm dân chủ xã hội chủ nghĩa; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp phải nhằm mục đích bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người theo quy định của pháp luật.

Hoạt động tư pháp là hoạt động giải quyết các tranh chấp trong xã hội, xử lý các vi phạm pháp luật. Hoạt động đó liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích của con người, của công dân. Vì vậy, trong hoạt động Tư pháp, vi phạm quyền con người, quyền công dân và lợi ích chính đáng có nguy cơ xảy ra rất cao. Do đó, tổ chức và hoạt động tư pháp, nhất là của Tòa án một mặt phải hiệu quả, bảo vệ quyền con người, lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; nhưng trước hết, Tòa án phải là biểu tượng của Công lý, là nơi công dân gửi gắm niềm tin rằng bất kỳ vi phạm pháp luật nào cũng bị xử lý nghiêm minh; bất kỳ quyền hoặc lợi ích hợp pháp nào của con người, của công dân bị xâm phạm đều được bảo vệ theo đúng pháp luật. Do vậy, mỗi khi con người có tranh chấp và khởi kiện đến Toà án thì Toà án không được từ chối giải quyết vì bất cứ một lý do gì.

Hai là, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quyền lực nhà nước (cũng là quyền lực của nhân dân) là thống nhất, không thể phân chia. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân công rõ ràng theo chức năng cơ bản của mỗi loại cơ quan: Quyền lập pháp phải do cơ quan lập pháp - Quốc hội - thực hiện; quyền hành pháp phải do cơ quan hành pháp - Chính phủ - thực hiện; quyền tư pháp phải do cơ quan tư pháp - Toà án - thực hiện. Ví dụ, không thể để tình trạng giao cho cơ quan hành pháp thẩm quyền xét xử, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật (thuộc chức năng tư pháp) và ngược lại. Bởi vì điều đó trái với nguyên tắc phân công thực hiện quyền lực của Nhà nước pháp quyền, dẫn đến tình trạng chồng chéo nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan và vì vậy làm giảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

Khi đã có sự phân công thực hiện quyền lực nhà nước thì không thể thiếu sự giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực giữa các cơ quan để tránh lạm quyền. Đây là điểm mới rất quan trọng trong quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, việc xây dựng các cơ chế (giám sát ngoài hệ thống, giám sát trong từng hệ thống; giám sát nhà nước và giám sát xã hội…) để hoạt động giám sát phù hợp với từng loại cơ quan, tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm khách quan, hiệu quả là rất cần thiết.

Đối với Tòa án nhân dân, do xuất phát từ chức năng (xét xử, áp dụng pháp luật để xử lý các vi phạm, tranh chấp pháp luật), tổ chức (theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính) và các nguyên tắc hoạt động cơ bản (như nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nguyên tắc hai cấp xét xử; nguyên tắc Tòa án cấp trên giám đốc hoạt động xét xử Tòa án cấp dưới)… đòi hỏi cơ chế kiểm soát, giám sát phải có tính đặc thù, tránh trường hợp "vừa đá bóng, vừa thổi còi", ảnh hưởng đến tính đúng đắn, khách quan của hoạt động tư pháp; đảm bảo thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án. 

Thứ hai, việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp ở nước ta nhằm mục đích xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Làm rõ quyền tư pháp và từ đó xác định cơ quan có chức năng thực hiện quyền tư pháp là rất quan trọng. Quyền tư pháp là quyền xét xử, tức quyền áp dụng pháp luật để ra phán quyết về các vi phạm pháp luật và các tranh chấp xảy ra trong xã hội. Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan xét xử duy nhất của Nhà nước. Vì vậy, xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài Nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực Nhà nước đều phải thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Các cơ quan nhà nước khác tham gia vào việc xử lý, giải quyết đó không phải là cơ quan tư pháp, không có chức năng thực hiện quyền tư pháp mà các cơ quan này chỉ thực hiện các hoạt động tư pháp. Từ đó, mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các loại vụ án, giao cho Tòa án bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là xu thế tất yếu của nhà nước pháp quyền. Điều đó thể hiện vị trí trung tâm của Tòa án trong hệ thống tư pháp, khẳng định vị trí trọng tâm của hoạt động xét xử trong các hoạt động tư pháp.

Hiến pháp năm 2013 kế thừa những nội dung hợp lý, phù hợp của Hiến pháp năm 1992 về Tòa án nhân dân, đồng thời có những sửa đổi, bổ sung quan trọng đáp ứng yêu cầu Cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.

Tại Điều 102 của Hiến pháp quy định chức năng, hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của Tòa án nhân dân như sau:

1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

2.  Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.

3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Như vậy, cũng như Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 khẳng định chỉ Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án khác do luật định là những cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, tức có chức năng xét xử các vụ án, giải quyết các việc có tranh chấp theo thẩm quyền quy định. Ngoài Tòa án nhân dân không có cơ quan nào khác được giao phán xử về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp trong xã hội. Quy định này phù hợp với việc phân công thực hiện quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định bản chất nhân dân của Tòa án nước ta thông qua tên gọi và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Tuy nhiên, khác với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có quy định mới về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ của Tòa án nhân dân. Khoản 2 Điều 102 quy định khái quát, theo nguyên tắc mở về hệ thống Tòa án nhân dân. Ngoài Tòa án nhân dân tối cao, Hiến pháp năm 2013 không liệt kê cụ thể các Tòa án khác, mà giao cho luật định. Điều này bảo đảm tính khái quát, ổn định lâu dài của Hiến pháp và tính linh hoạt của luật phù hợp nhu cầu phát triển của đất nước trong từng thời khác nhau. Cụ thể hoá Hiến pháp, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 quy định Toà án nhân dân ở nước ta gồm Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân cấp cao, Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án nhân dân cấp huyện.

Hiến pháp năm 2013 không quy định về Tòa án đặc biệt để phù hợp với bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với yêu cầu bảo vệ quyền con người, hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời bỏ quy định về tổ chức hòa giải ở cơ sở. Bởi vì, dù việc thành lập các tổ chức ở cơ sở để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân là cần thiết, nhưng lại không thuộc chức năng tư pháp của Tòa án nhân dân, không thuộc hệ thống Tòa án nhân dân và không cần thiết ở mức hiến định.

Quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cũng là một điểm mới cần ghi nhận. Thay cho việc quy định chung nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân với nội dung không thể hiện tính đặc thù trong hoạt động của Tòa án, Hiến pháp năm 2013 quy định riêng nhiệm vụ của Tòa án nhân dân.

Hiến pháp nhấn mạnh rằng bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân là những nhiệm vụ đầu tiên của Tòa án nhân dân, sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tòa án phải là nơi mà mọi người, mọi công dân tìm đến lẽ phải, sự thật; có nhiệm vụ bảo vệ công lý khi quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm hại; khi công dân yêu cầu Toà án giải quyết mọi tranh chấp thì Toà án có trách nhiệm thụ lý giải quyết mà không có quyền từ chối.

2. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân

Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định các nguyên tắc cơ bản tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Đó là:

1. Việc xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.

3. Toà án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín.

4. Toà án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

5. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.

6. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

7. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.

Theo quy định trên thì Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa và có bổ sung cho chính xác, phù hợp với thực tiễn và tinh thần cải cách tư pháp một số nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân - cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp ở nước ta. Đó là:

- Nguyên tắc xét xử có hội thẩm tham gia

Theo Hiến pháp năm 2013 thì Hội thẩm chỉ tham gia trong xét xử ở cấp sơ thẩm; còn việc xét xử ở cấp phúc thẩm là không bắt buộc. Sự sửa đổi này cũng xuất phát từ thực tiễn xét xử những năm qua.

- Nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập

Nguyên tắc này có một bổ sung quan trọng trong Hiến pháp năm 2013. Đó là “Cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Bổ sung này nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như thái độ dứt khoát của Nhà nước ta đối với việc can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án, bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế.

- Nguyên tắc xét xử tập thể

Để thực hiện cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả của việc xét xử, bảo đảm cho việc xét xử nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm, Hiến pháp năm 2013 quy định ngoại lệ cho phép Tòa án xét xử bằng một Thẩm phán trong trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn.

- Nguyên tắc xét xử công khai

 Thay cho quy định trường hợp ngoại lệ do luật định trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể điều kiện cho phép Tòa án xét xử kín. Đó là “Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự” thì Toà án phải xét xử kín;

- Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự.

Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người một cách toàn diện, công bằng, Hiến pháp năm 2003 ngoài việc quy định quyền bào chữa của bị can, bị cáo, còn bổ sung việc bảo đảm quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của các đương sự khác như người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong hoạt động xét xử của Tòa án.

Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 bổ sung một số nguyên tắc quan trọng, bảo đảm sự phù hợp với tinh thần Cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người và thông lệ quốc tế. Các nguyên tắc được bổ sung là:

- Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm

Đây là nguyên tắc thể hiện nội dung rất quan trọng trong Cải cách tư pháp ở nước ta. Sự thật chỉ được xác định, công lý chỉ được thiết lập khi có sự tranh tụng giữa các bên trong tố tụng tư pháp, nhất là trong xét xử các vụ án;

- Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm

Nguyên tắc hai cấp xét xử là nguyên tắc xuyên suốt của hệ thống tư pháp của bất kỳ một quốc gia nào; được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế về quyền con người và pháp luật của mọi quốc gia. Thực hiện hai cấp xét xử là một trong những biện pháp bảo vệ quyền con người hữu hiệu; đồng thời bảo đảm cho hoạt động tư pháp thận trọng nhưng có điểm dừng, tránh kéo dài, chậm trễ.

Khác với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 không quy định nguyên tắc Toà án nhân dân bảo đảm cho công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc các dân tộc quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước Toà án. Đây là một quy định rất quan trọng, nhưng không chỉ trong lĩnh vực tư pháp, mà cả trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tinh thần quan trọng này đã được Hiến pháp năm 2013 quy định tại khoản 3 Điều 5 “Các dân tộc có quyền dùng tiến nói, chữ viết… của mình”, nên không cần quy định lặp lại ở chương về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân nữa.

Hiến pháp năm 2013 không quy định nguyên tắc xét xử trực tiếp, nguyên tắc xét xử liên tục vì không đặc trưng cho hoạt động xét xử và phù hợp với thực tiễn hoạt động tư pháp ngày càng phức tạp, thường xuyên kéo dài hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện để Toà án hoạt động có hiệu quả về mặt thời gian, chi phí vật chất; sử dụng công nghệ kỹ thuật số hiện đại; bảo đảm an toàn cho những người tham gia tố tụng khi cần thiết.

3. Chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ các chức danh trong Tòa án nhân dân, chế độ trách nhiệm của Chánh án

Các Điều 104, Điều 105, Hiến pháp năm 2013 cơ bản vẫn giữ lại các quy định của Hiến pháp năm 1992 về Tòa án nhân dân tối cao cũng như Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân và có những bổ sung cần thiết.

Ngoài việc giữ lại quy định Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định, Hiến pháp năm 2013 bổ sung nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao là thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 giao cho Tòa án nhân dân tối cao bằng các biện pháp khác nhau như hướng dẫn áp dụng pháp luật bằng các nghị quyết; ban hành án lệ… để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử của các Tòa án nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 bổ sung quy định về Chánh án, Thẩm phán các cấp. Theo đó, nhiệm kỳ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác, của Thẩm phán, nhiệm kỳ của Hội thẩm do luật định. Đây là những căn cứ hiến định cho việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 có bổ sung quan trọng về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo khoản 7 Điều 70, Khoản 3 Điều 88 thì Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo phê chuẩn của Quốc hội. Thẩm phán các cấp khác do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia.
Quy định này thể hiện nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Nhà nước pháp quyền, nâng cao vị thế của cơ quan tư pháp (Toà án) tương xứng với cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp; bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Về chế độ báo cáo và chế độ trách nhiệm, Chánh án Toà án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Một điều đáng lưu ý là Hiến pháp năm 2013 chỉ quy định về chế độ báo cáo của các Tòa án khác, mà không quy định chế độ trách nhiệm như Hiến pháp năm 1992. Đây cũng là sửa đổi quan trọng của Hiến pháp năm 2013, nhằm hướng tới xây dựng hệ thống Tòa án không quá phụ thuộc vào các đơn vị hành chính lãnh thổ; bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm.

Hiến pháp năm 2013 giữ lại quy định của Hiến pháp năm 1992 về hiệu lực của phán quyết mà Tòa đưa ra, nhưng được diễn đạt lại cho gọn. Điều 106 quy định “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

(Còn nữa)