Gợi mở những bài học quý giá về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

ANTD.VN - Sáng 8-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ kỷ niệm 65 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Bác Hồ.

Gợi mở những bài học quý giá về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp gỡ các đại biểu về dự kỷ niệm 65 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động được gặp lại các thầy cô, những cán bộ, các anh chị và bạn bè một thời quây quần, gắn bó bên nhau dưới mái trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhờ sự yêu thương, chăm nom, nuôi dạy đặc biệt của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân và sự phấn đấu rèn luyện không ngừng của bản thân, đội ngũ học sinh miền Nam phần đông đã có những bước trưởng thành vượt bậc, có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.

Thủ tướng khẳng định: Các thế hệ học sinh miền Nam tự hào là lớp người đã góp phần thực hiện xuất sắc, nghiêm túc di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Các thế hệ học sinh miền Nam từ tuổi thơ cho đến ngày nay, dù ở bất cứ cương vị nào, dù ở nơi đâu cũng luôn dành trọn niềm tin với Đảng, với Tổ quốc, ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ và khắc sâu trong lòng những tình cảm ân tình, sự hy sinh, nhường cơm sẻ áo của nhân dân miền Bắc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta không thể đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo ngày nay phải sao chép mô hình nuôi dạy học sinh miền Nam cách đây mấy chục năm trong điều kiện chiến tranh, đất nước còn chia cắt, nhưng những thành tựu ấy, những bài học ấy gợi mở cho chúng ta cách suy nghĩ để quyết tâm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.

Thủ tướng đề nghị: Ngành Giáo dục phải đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý thạo việc, có năng lực điều hành, có tâm trong sáng, đi sát thực tế, lắng nghe đồng nghiệp và nhân dân. Đặc biệt có hình thức đào tạo sáng tạo, phù hợp, nhất là đội ngũ cán bộ kế cận ở các cấp, đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam. Chú trọng hơn công tác thanh tra giáo dục, nhanh chóng khắc phục, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực đang gây bức xúc trong xã hội như lạm thu, gian lận trong thi cử, bằng cấp giả, chạy học hàm, học vị…

Thủ tướng tin tưởng: “Dù khó khăn đến đâu chúng ta cũng phải quyết tâm dạy tốt, học tốt bởi đây là một nghề cao quý như Bác Hồ đã dạy. Bên cạnh đó, chúng ta còn có cả hệ thống chính trị và nhân dân đang chung sức, đồng lòng chăm lo cho sự nghiệp trồng người”.