“Góc tối” của ngành nghệ thuật Trung Quốc

ANTĐ - Những năm gần đây, lượng thí sinh thi vào các trường nghệ thuật hệ cao đẳng, đại học ở Trung Quốc luôn tăng mà không thấy giảm. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh ở những ngành đặc biệt này  cũng bộc lộ những mảng tối đáng ngờ. 
“Góc tối” của ngành nghệ thuật Trung Quốc ảnh 1

Với các sỹ tử Trung Quốc, cửa vào đại học giống như khe cửa hẹp

Lo lót bằng tiền và quan hệ

Mới đây, tờ Bán Nguyệt Đàn đã đăng tải một bài xã luận chỉ ra góc tối và căn nguyên của tiêu cực trong lĩnh vực tuyển sinh nghệ thuật ở Trung Quốc. Ông Thường – một phụ huynh có kinh nghiệm “chạy” trường cho con, kể vanh vách “bảng giá” của nhiều trường cao đẳng, đại học nghệ thuật ở Trung Quốc. Tiết lộ với phóng viên của báo Bán Nguyệt Đàn, ông Thường cho biết “phí “lót đường” thi vào các ngành nghệ thuật mặc dù mỗi nơi mỗi khác nhưng chắc chắn không ít hơn 100.000 - 1 triệu NDT. Cạnh tranh vào ngành thanh nhạc rất khốc liệt, mức giá cao nhất khoảng 500.000 NDT”. Theo ông Thường, phí “lót đường” gồm nhiều khoản như: phí giới thiệu giáo viên, phí luyện thi đặc biệt, quà biếu, tiền mua dụng cụ nhạc... thậm chí còn có thể phải mua nhà, tậu xe cho những người có quyền quyết định cao trong trường nghệ thuật mà thí sinh muốn thi đỗ.

Theo điều tra của báo Bán Nguyệt Đàn, tình trạng  “chạy” trường không chỉ ở bậc cao đẳng, đại học mà còn nảy sinh ngay từ cấp tiểu học và trung học. Cô Dương, một phụ huynh có con theo ngành âm nhạc cho biết, muốn con học trường nhạc thì phải theo lớp học thêm của một giáo viên có vị trí trong một trường nhạc. Sau đó, nếu có thể tham gia các cuộc thi âm nhạc và đoạt được giải thưởng thì cũng là một lợi thế. Giáo viên trong trường nhạc sẽ giúp phụ huynh gặp mặt những người có quyền quyết định trong việc tuyển sinh nên phụ huynh chủ động tạo mối quan hệ với họ để chuẩn bị trước cho các kỳ thi tuyển sau này của con cái.

Một gia đình có con theo ngành nghệ thuật ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông tiết lộ: “Giá thi tuyển nghệ thuật phụ thuộc vào trường muốn thi và giáo viên được móc nối. Học sinh đều được luyện trước nên bất luận kỳ thi sau này nghiêm ngặt thế nào, vị giáo viên được nhờ vả sẽ dễ dàng nhận ra học trò của mình và cho điểm cao.

Giáo viên nghệ thuật vào tù vì ăn hối lộ

Gần đây, vụ án giáo viên dạy nhạc La Thiên Như của trường trung học thuộc Đại học Bắc Kinh đã bị phạt 10 năm tù vì ăn hối lộ. Từ năm 2004-2006, La dính vào 3 vụ. Trong quá trình tuyển sinh đại học, năm 2004, giáo viên này đã nhận lời giúp đỡ gia đình họ Mao để con họ có chứng nhận thí sinh có tài năng nghệ thuật đặc biệt của trường Đại học Thanh Hoa.

La đã làm cầu nối cho gia đình này gặp Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Đại học Thanh Hoa và cuối cùng con của gia đình họ Mao đỗ vào đại học này. Giáo viên biến chất La Thiên Như nhận 100.000 NDT cảm ơn từ gia đình Mao. Tháng 12-2006, La nhận giúp một gia đình họ Quản để đưa con họ vào trường Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh với giá 160.000 NDT. Cũng trong năm 2006, La Thiên Như nhận  20.000 NDT của gia đình họ Triệu để lo lót cho con họ vào trường trung học của Đại học Bắc Kinh. 

Sinh viên Lý, đang học thanh nhạc tại một trường cao đẳng âm nhạc ở Bắc Kinh thừa nhận gia đình mình đã chi cả trăm nghìn tệ để cô nhận được chứng chỉ “thí sinh có tài năng nghệ thuật đặc biệt”.

Một thực tế khác, như Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục nghệ thuật thuộc Đại học sư phạm Bắc Kinh – Châu Tinh nhận định, điểm thi môn văn hóa của các trường nghệ thuật thấp mục đích để thí sinh thể hiện tài năng riêng của mình, tránh bị điểm số văn hóa ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã lợi dụng điều này để “tuồn” con em thiếu năng lực vào trường.

Chuyên gia Lưu Thừa Ba thuộc Trung tâm phát triển giáo dục của Bộ Giáo dục Trung Quốc nhận định, để tuyển sinh ngành nghệ thuật được công bằng, người được mời để đánh giá tiết mục dự thi của các thí sinh không nên được công bố danh tính quá sớm. Một chuyên gia khác cho rằng cần yêu cầu giáo viên chấm thi không được tham gia giảng dạy hay nhận bồi dưỡng. Việc tuyển chọn tổ chấm thi nên nâng cao tính ngẫu nhiên để loại bỏ tình trạng gian lận ở mức độ chặt chẽ hơn.