Góa phụ ăn nên làm ra nhờ... giấy tờ "tự chế"

ANTĐ - Chồng mất sớm và phải một mình nuôi 2 con nhỏ nhưng Hải vẫn có một cuộc sống vật chất rất sung túc. Song, vẻ bề ngoài hơn người ấy đã nhanh chóng biến mất, bởi hầu hết tiền bạc mà góa phụ này có được đều xuất phát từ những việc làm bất chính. 

Góa phụ ăn nên làm ra  nhờ... giấy tờ "tự chế" ảnh 1

Minh họa: Internet

“Chế” giấy tờ giả làm phương tiện lừa đảo

Tại trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội mới đây, Nguyễn Thị Hải (SN 1978, trú tại Chung cư Vườn Đào, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo điểm a, khoản 4, Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Tiếp tay cho góa phụ này, Nguyễn Thành Sơn (SN 1990, ở phường Lộc Vương, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) và Trần Văn Bình (SN 1992, trú tại xã Văn Lãng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cũng lần lượt bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”, theo Điều 267 Bộ luật Hình sự.

Theo tài liệu của cơ quan truy tố, tháng 4 - 2012, Nguyễn Thị Hải đứng ra thành lập, đồng thời làm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Khai thác khoáng sản Hải Quang (gọi tắt là Công ty Hải Quang). Tròn một năm sau, Hải tiếp tục cho ra đời thêm Công ty CP Thương mại và khai khác khoáng sản Trường Hải, nhưng để người khác đứng tên làm đại diện của pháp nhân.

Cả hai doanh nghiệp đều do đối tượng này lập ra và đều có chung trụ sở tại khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Có được tư cách kinh doanh trong lĩnh vực khai khoáng, tháng 4-2013, thông qua mối quan hệ xã hội, Hải làm quen với đôi vợ chồng (không hôn thú) là chị Trần Thu Hà (SN 1976) và ông Đỗ Văn Âm (SN 1944), cùng ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Biết vợ chồng chị Hà có tiềm lực kinh tế, Hải nhanh chóng lên kế hoạch và từng bước lừa đảo họ bằng chiêu trò “dụ” góp vốn kinh doanh để hưởng lợi nhuận cao.

Một ngày giữa năm 2013, Hải ra cửa hàng photocopy của Nguyễn Thành Sơn và Trần Văn Bình (ở phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội) thuê 2 đối tượng này “chế” một bộ hợp đồng mua bán tinh quặng đồng như thật. Trên bộ hợp đồng kinh tế đó thể hiện rõ, Công ty Hải Quang ký hợp đồng mua 650.000 tấn tinh quặng đồng của Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin với đơn giá 15 triệu đồng/tấn.

Hoàn tất việc này, Hải chuẩn bị cả mẫu con dấu cùng chữ ký của lãnh đạo Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin. Sau đó, tại cửa hàng photocopy, Sơn và Bình scan các mẫu dấu, chữ ký lên máy vi tính, dùng phần mềm chỉnh sửa, rồi in màu vào hợp đồng kinh tế giả theo yêu cầu của Hải. “Chế” được tài liệu giả như thật, các đối tượng đã tiếp tay cho Hải lừa đảo để nhận về 500.000 đồng tiền công. 

Liên tiếp phạm tội

Có được “bảo bối”, Hải đưa cho vợ chồng chị Hà bản photocopy, đồng thời trưng ra hợp đồng gốc để đối chiếu. Tiếp đến, góa phụ hứa hẹn nếu vợ chồng chị Hà góp vốn kinh doanh thì sẽ được hưởng lợi 1 triệu đồng/tấn tinh quặng đồng. Tin tưởng công ty của Hải làm ăn chân chính và kiếm được một hợp đồng “béo bở”, từ ngày 25-7 đến 2-10-2013, ông Âm cùng người vợ trẻ đã giao cho Hải tổng cộng 5,4 tỷ đồng.

Lừa được số tiền này, Hải thấy vợ chồng chị Hà vẫn còn nhiều tiềm lực kinh tế và cũng rất cả tin nên tiếp tục áp dụng chiêu trò thứ hai. Theo đó, Hải nói với bị hại là doanh nghiệp của đối tượng đang được ưu tiên mua hàng chục xe ôtô thanh lý của một cơ quan Nhà nước với tổng số vốn 38 tỷ đồng. Nếu vợ chồng chị Hà góp tiền đầu tư thì sẽ được hưởng lợi theo tỉ lệ vốn góp. 

Tưởng thật, từ ngày 1-8-2013 đến tháng 1-2014, chị Hà đã trực tiếp đưa cho Hải hơn 8,9 tỷ đồng và ông Âm cũng góp thêm 3 tỷ đồng nữa với kỳ vọng sẽ được hưởng lợi lớn từ việc mua bán lô ô tô thanh lý. Tuy nhiên, quá thời gian cam kết nhưng vợ chồng chị Hà vẫn không thấy đối tác của mình mang được lô ô tô thanh lý về.

Bị truy hỏi gắt gao, Hải lập tức quay lại cửa hàng photocopy ở phố Tạ Quang Bửu thuê Sơn và Bình “chế” cho một giấy hẹn bán ô tô thanh lý giả, rồi đưa cho các bị hại để họ yên tâm… Tổng cộng, sau 2 hành vi lừa đảo, nữ Giám đốc Công ty Hải Quang đã chiếm đoạt của vợ chồng chị Hà hơn 17,3 tỷ đồng.

Cũng với thủ đoạn thuê Sơn và Bình làm giả hợp đồng, biên bản mua căn biệt thự liền kề ở khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm (ngôi nhà Hải thuê làm trụ sở công ty) với chủ đầu tư, Hải mang tới gặp một người phụ nữ quen biết chào bán cùng với ngôi nhà 3 tầng (nhà của chồng đối tượng) ở Bắc Ninh. Qua đó, Hải một lần nữa chiếm đoạt hơn 5,5 tỷ đồng tiền “đặt cọc” mua 2 ngôi nhà của bị hại thứ ba…

Với hành vi gian dối, làm giả tài liệu, con dấu và chiếm đoạt tổng số tiền gần 23 tỷ đồng, Nguyễn Thị Hải cùng 2 bị cáo liên quan là Sơn và Bình đã bị TAND - TP Hà Nội đưa ra xét xử. Tuy nhiên, tại phiên tòa mới đây, do vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố bất ngờ bị ốm, nên phiên xét xử này đã buộc phải trì hoãn lại.