Gỡ rối đến cùng

ANTĐ - Trong tình cảnh giao thông đô thị, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM, dường như đang sa vào thế càng gỡ càng rối, Tổ chức JICA của Nhật Bản đã đề xuất nhiều giải pháp và hỗ trợ vốn nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng. Dự án tăng cường giao thông công cộng Hà Nội vừa được JICA công bố. Giao thông ở Việt Nam hiện nay có nhiều nét giống Nhật Bản hồi những năm 1960-1970. Sau khi Chính phủ Nhật áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ thì TNGT và số người chết giảm đáng kể. Từ kinh nghiệm này JICA mong muốn hỗ trợ Hà Nội để giải quyết vấn nạn này.

Theo chuyên gia của JICA, hiện tại phương tiện cá nhân ở Hà Nội đang tăng trưởng quá “nóng”. Năm 2000, Hà Nội có số dân 2,7 triệu người/1,9 triệu xe máy (bình quân khoảng 700 xe/1.000 dân). Năm 2005 tăng lên khoảng 3,1 triệu dân/2,8 triệu xe (bình quân tới 918 xe/1.000 dân). Năm 2010, Hà Nội đã tăng lên 6,5 triệu dân/4,3 triệu xe (bình quân 670 xe/1.000 dân).

Như vậy, gần như mỗi người dân đều sử dụng một phương tiện cá nhân. Vị chuyên gia đặt câu hỏi: “Làm thế nào để giải bài toán ùn tắc và thay đổi ý thức người dân về việc sử dụng nhiều phương tiện giao thông cá nhân?”. Theo ông, việc thay đổi tập quán là không hề đơn giản.

Vì thế, Chính phủ cần có những chính sách thực tiễn nhằm thay đổi ý thức cũng như hành vi sử dụng phương tiện cá nhân. Cụ thể là phải có biện pháp giảm ưu đãi và thuận tiện cho phương tiện cá nhân, trong đó có vấn đề tăng phí và lệ phí đối với phương tiện này. Tuy nhiên, bên cạnh bài toán giảm phương tiện cá nhân thì chất lượng dịch vụ xe buýt thực sự đáng lo ngại. Theo khảo sát của JICA, dù vận tải xe buýt từ năm 2000-2009 có tăng, song dịch vụ hành khách quá nhiều bất cập. Các điểm dừng đỗ xe chưa có thông tin về thời gian xe tới, tình trạng móc túi, trộm cắp, coi thường hành khách… khiến người dân “ngán” đi xe. Khảo sát cũng cho thấy, những người đi lại bằng xe buýt hiện nay phần lớn là học sinh, sinh viên, còn người đi làm sử dụng rất ít.

Trong khi đó, Hà Nội tắc đường, kẹt xe chủ yếu vào giờ cao điểm sáng - chiều. Đó là thời điểm đi làm và tan tầm của công sở. Vậy làm thế nào thu hút được người đi làm, công nhân viên đi xe buýt mới là vấn đề cốt lõi. Không có cách nào khác là phải tăng chất lượng dịch vụ xe buýt. Phấn đấu đến năm 2015, xe buýt sẽ đáp ứng 15% nhu cầu đi lại, đến năm 2020 là 20%. JICA sẽ phối hợp với Bộ GTVT nhằm tăng cường năng lực về quy hoạch, xây dựng chính sách về giao thông công cộng. Tham vấn về chủ trương lệch giờ làm, giờ học ở Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, nếu khởi đầu và kết thúc giờ làm việc và giờ học khoảng 1 giờ 30 phút thì có thể giảm đáng kể ùn tắc và phát huy công dụng của phương tiện giao thông công cộng. Phương án tách đôi giờ làm việc và giờ học có khả năng thành công, nhiều doanh nghiệp và cơ quan hành chính thuộc Nhà nước, các trường tư thục không nhiều. Thay đổi giờ làm việc và giờ học cần được điều tra nghiên cứu kỹ thói quen, tập quán đi lại của đại bộ phận dân chúng để đạt được sự đồng thuận cao. Quan trọng nhất là không gây ra sự xáo trộn lớn trong đời sống kinh tế và xã hội, đương nhiên không thể “chiều lòng” tất cả mọi đối tượng, chắc chắn một thiểu số sẽ phải “hy sinh” vì lợi ích chung.

Gỡ rối… ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, theo kinh nghiệm ở Tokyo, Seoul hay Paris, không chỉ đơn thuần là đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng hay thay đổi giờ làm, giờ học và thay đổi ý thức. Cùng một lúc phải gỡ các nút rối, nhưng quan trọng là gỡ đến nơi đến chốn chứ không gỡ nửa chừng thì chỉ càng rối thêm.