Gỡ “nút thắt” lương tối thiểu

ANTĐ - Sau những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng như tham khảo kinh nghiệm của một số nước, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chính thức ra mắt với kỳ vọng sẽ thúc đẩy cơ chế đối thoại, đàm phán tiền lương, hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người lao động. Những đề xuất của Hội đồng sẽ phản ánh mối quan tâm, nhu cầu của 15 thành viên, các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tiền lương tối thiểu.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, việc tư vấn cho Chính phủ mức điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm sẽ không chỉ thuộc về Bộ LĐ-TB&XH, mà đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và chủ sử dụng lao động (Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam) sẽ tham vấn trực tiếp vào việc điều chỉnh. Như vậy, Hội đồng bao gồm đối tác ba bên: Chính phủ, các tổ chức đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động.

Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam nhận định, Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa được thành lập là nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế xác định tiền lương tối thiểu hiệu quả và công bằng; xây dựng thị trường lao động công bằng  hơn cho các nhóm đối tượng và các quyền làm việc được tôn trọng. Hiểu đúng ra thì Hội đồng là “chìa khóa” mở ra mối quan hệ lao động hài hòa, khi các mức tiền lương tối thiểu vùng được thỏa thuận dựa trên cơ sở thương lượng và đàm phán. Đây chính là nền móng để xây dựng sự đồng thuận và ổn định trong quan hệ lao động.

Từ kinh nghiệm quốc tế, vị Giám đốc Văn phòng cho rằng, để vận hành tốt, Hội đồng này còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua. Trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam, đối tác ba bên cần phải có đầy đủ các số thống kê chính xác, khoa học và khách quan, đặc biệt là khả năng phân tích để có thể đối thoại “sòng phẳng”; đồng thời phải “nâng cấp” vị thế của các tổ chức người lao động cũng như bản thân người lao động để họ có thể có tiếng nói trọng lượng vào hoạt động của Hội đồng. Cũng cần nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong hoạt động của Hội đồng là đặc biệt quan trọng. Chính phủ không chỉ là “kiến trúc sư thể chế” trong việc xây dựng khung tổng thể cho các cuộc thương lượng về tiền lương mà còn là cơ quan đưa ra chương trình nghị sự, là nơi cung cấp thông tin chuẩn xác và cũng là bên điều phối, hỗ trợ thúc đẩy đối thoại và thương lượng. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, kinh nghiệm của một số nước trong khu vực cho thấy, do các thành viên trong Hội đồng Tiền lương đại diện cho các bên lợi ích khác nhau nên việc đạt được sự thống nhất, đồng thuận không phải là chuyện dễ dàng. Tuy vậy, từ nay đến cuối năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ phương án mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2014. Gỡ “nút thắt” lương tối thiểu là mong mỏi lớn nhất của hàng triệu người lao động trong tình hình khó khăn hiện nay cũng như về lâu dài. Hội đồng Tiền lương chính là để tháo gỡ “nút thắt” này.