Gỡ nút thắt dự báo về thị trường lao động để giảm thất nghiệp

ANTD.VN - Để góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, việc dự báo được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là những dự báo dài hơi là rất cần thiết. Do vậy, các cơ quan quản lý cần tập trung vào các vấn đề về đánh giá thực trạng và định hướng hoàn thiện thông tin thị trường lao động.

Năm 2019, thị trường cần nhiều lao động có trình độ kỹ thuật

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) năm 2018, cả nước có gần 1.650 nghìn lao động được tạo việc làm đạt 103% kế hoạch, tăng 0,5% so với thực hiện năm 2017; trong đó: tạo việc làm trong nước khoảng 1.506 nghìn người, đạt 101,1% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 58,6%, đạt 100% kế hoạch đề ra, tăng 2,5% so với năm 2017.  

Cùng với việc phát triển kinh tế tạo việc làm, hoạt động cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ hiệu quả. Ước năm 2018 thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động.

Dự báo về thị trường lao động trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho hay, từ nay đến năm 2020, thị trường lao động sẽ chuyển dịch theo hướng giảm nhanh số lượng lao động trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, đây vẫn là những ngành có số lượng lao động chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 38,3%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được dự báo là ngành tập trung lao động đứng thứ hai với số lượng lao động chiếm khoảng 15,4%. Tiếp đó là ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô-tô, mô- tô, xe máy và xe có động cơ khác với số lao động chiếm khoảng 11,73%... Sự chuyển dịch cơ cấu lao động này sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động Việt Nam năm 2019, những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh, dịch vụ… sẽ tiếp tục cần nhiều lao động hơn năm 2018.

Ðánh giá về thị trường lao động hiện nay các chuyên gia cho rằng, thị trường lao động vẫn còn những điểm hạn chế phải khắc phục như: chất lượng lao động ở nước ta thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam thấp.

Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, năng suất thấp.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực việc làm, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Lê Quang Trung cho biết, năm 2019, Cục sẽ chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của Bộ Luật lao động, Luật Việc làm, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cùng đó, sẽ tập trung vào công tác dự báo thị trường lao động, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp để quản trị tốt thị trường lao động và người thất nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống.

Để phát triển thị trường theo hướng giảm dần sử dụng lao động giản đơn, gia tăng sử dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý cần tập trung vào các vấn đề về đánh giá thực trạng và định hướng hoàn thiện thông tin thị trường lao động.

"Dự báo về cung cầu lao động quả thực rất khó, để làm tốt việc này, thời gian tới cơ quan quản lý sẽ phải tập trung triển khai mạnh hơn để tổ chức đào tạo tốt hơn, khớp nối gữa nhu cầu của thị trường với khả năng cung và kế hoạch đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nêu giải pháp.