Gỡ “nút thắt” đất đai

ANTĐ - Năm 2012, Chính phủ kỳ vọng phát triển nông nghiệp sẽ là điểm sáng của nền kinh tế. Không chỉ trông chờ vào nguồn vốn ODA rót vào lĩnh vực này, mà đặt hy vọng sẽ tạo nên sức bật từ tam nông. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, nước ta là nước nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp luôn đặt lên hàng đầu thì cần tạo điều kiện để người nông dân yên tâm và gắn bó với nông nghiệp.

Trong nhiều quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, không nước nào giao đất cho nông dân với thời hạn 20 năm quá ngắn như nước ta. Theo ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng phụ trách về nông nghiệp, gắn bó với nông dân trong suốt 50 năm qua, Luật Đất đai tạo ra “nút thắt cổ chai” về quyền sở hữu đất đai. Mặc dù có quyền năng tối đa nhưng nông dân vẫn không phải là chủ sở hữu đất đai mà là đất nhà nước giao cho. Từ đó dẫn đến không huy động được nguồn lực tối đa của nông dân.

Chỉ được giao, thuê đất 20 năm thì nông dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư lớn làm gì. Chưa kể bao nhiêu rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, nỗi ám ảnh bị thu hồi đất lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu. Trong khi đó, việc thực hiện quy hoạch các vùng sản suất gắn với cơ sở chế biến nông sản, chính sách hỗ trợ bảo hiểm cây trồng, vật nuôi cũng như chính sách hợp lý tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất vẫn còn khá nhiều bất cập. Ngay cả Quyết định 80/TTg về việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, bổ sung cơ chế thực hiện đồng bộ, mối liên kết bốn nhà (doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học, nhà nước) để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản tốt cũng chưa được tổng kết đánh giá. Hàng chục năm nay, dường như nông dân cả nước luôn loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn “Được mùa, mất giá”, trồng cây gì, nuôi con gì.

Bên cạnh đó, trước thực trạng đất nông nghiệp bị thu hẹp dần nhường chỗ cho các khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf… Chính phủ đã có chỉ thị giữ quỹ đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong khi quỹ đất còn lại manh mún, nhỏ lẻ, thì một số nơi nông dân tích tụ ruộng đất để đầu tư, làm ăn lớn, sản xuất hàng hóa. Từ đó dẫn đến nguy cơ tranh chấp, xung đột lợi ích giữa nông dân và chính quyền, giữa nông dân với nhau. Theo ý kiến của nguyên Phó Thủ tướng về nông nghiệp, cho nông dân quyền sở hữu đất đai là chính sách nhân văn cao quý nhất. Khi đó, việc mua bán đất công khai, người tích tụ đất đai yên tâm bỏ tiền đầu tư sản xuất. Khi đó, không còn khái niệm thời hạn 20, 30 năm nữa.

Đó là “nút thắt” cuối cùng của quá trình đổi mới chính sách đất đai sau 60 năm. Đó cũng là nền kinh tế thị trường đất đai công khai, minh bạch. Điều này cũng đúng quy luật phát triển: đất của nông dân do nông dân sở hữu. Có sở hữu nhà nước, sở hữu cộng đồng, còn đất nông nghiệp là sở hữu của nông dân. Đất đai là nguồn sống người nông dân; gỡ “nút thắt cổ chai” về quyền sở hữu đất đai cũng là để người nông dân yên tâm làm ăn, làm giàu cho mình và cho đất nước.