Gỡ khó cho thị trường mỹ thuật Việt

ANTĐ - Nạn “chảy máu nghệ thuật” là thực trạng nhức nhối của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Các kiệt tác hội họa, các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao hầu hết đều nằm trong tay các nhà sưu tập nước ngoài. Do đó, khi người Việt có nhu cầu sẽ khó khăn để tìm, mua lại các tác phẩm. 
Gỡ khó cho thị trường mỹ thuật Việt ảnh 1

“Thiếu nữ bên hoa huệ” đang nằm trong tay nhà sưu tập nước ngoài nào, hiện chưa có thông tin cụ thể

Chưa có thị trường mỹ thuật nội địa

Việt Nam hầu như chưa có thị trường mỹ thuật nội địa. Điều này thể hiện ở việc người Việt mua tranh rẻ tiền, ít giá trị nghệ thuật treo trong tư gia. Còn người nước ngoài lại là chủ sở hữu của các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đỉnh cao. Vai trò quản lý của Nhà nước yếu kém đã dẫn đến việc các kiệt tác nghệ thuật của Việt Nam không ở lại đất nước. Do đó, người Việt Nam sẽ không có cơ hội thưởng thức tác phẩm dù trong tiềm thức, bức tranh đó là niềm tự hào và ngưỡng mộ của người Việt.

Gỡ khó cho thị trường mỹ thuật Việt ảnh 2

Các hội chợ nghệ thuật nhằm “phá băng” cho nền mỹ thuật Việt Nam

Có thể dẫn chứng là bức tranh lụa “Ô ăn quan” của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh và bức tranh sơn dầu “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sỹ Tô Ngọc Vân. Chính sự cứng nhắc và yếu kém trong quản lý của Nhà nước và ngành Văn hóa đã dẫn tới việc hai tác phẩm hội họa nổi tiếng của Việt Nam bị tuồn ra nước ngoài. Năm 1965, nhà sưu tập Đức Minh có nguyện vọng hiến tặng bộ sưu tập tranh của ông, trong đó có “Ô ăn quan” và “Thiếu nữ bên hoa huệ” với đề nghị, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dành riêng cho ông một không gian trưng bày. Trong bối cảnh xã hội lúc đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khước từ lời đề nghị này của ông Đức Minh. 

Sau khi ông chủ bộ sưu tập qua đời, các con ông đã mang các tác phẩm hội họa ra bán. Và hai trong số các tác phẩm ấy là “Ô ăn quan” và “Thiếu nữ bên hoa huệ” đã được bán cho nhà sưu tập nước ngoài. Đặc biệt, khi hay tin bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” được mang ra đấu giá, họa sỹ Tô Ngọc Thành (con trai của họa sỹ Tô Ngọc Vân) đã báo các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm cứu kiệt tác nghệ thuật nước nhà bị đưa ra nước ngoài nhưng không có phản hồi tích cực. Lý do là, mức giá cao nhất Nhà nước có thể mua là 2.000USD, trong khi, tác phẩm đã được bán cho ông Hà Thúc Cần với giá 15.000USD. Sau đó, ông Hà Thúc Cần đã bán cho một nhà sưu tập nước ngoài. Và đến nay, “Thiếu nữ bên hoa huệ” đang nằm trong tay nhà sưu tập nào thì vẫn chưa có thông tin cụ thể. 

Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường mỹ thuật

Trong thời kỳ hội nhập và mở cửa, việc mua bán tác phẩm trở nên dễ dàng thì các thủ tục hành chính và quy định cứng nhắc trong việc bán mua tác phẩm tại các bảo tàng đã không còn phù hợp. Thực tế cho thấy, với mức giá bèo bọt được định giá theo mét vuông của tranh, các họa sỹ đã không lựa chọn bảo tàng làm đầu ra cho tác phẩm của mình, thay vào đó là các đại gia (chủ yếu là người nước ngoài). Chính vì vậy, thị trường mỹ thuật nội địa hầu như không có nhiều biến động. Trong khi, nạn “chảy máu nghệ thuật” càng trở nên nhức nhối hơn. 

Theo PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo, nhà lý luận phê bình mỹ thuật, để thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển nên xã hội hóa các hoạt động mua bán tác phẩm. Về phía Nhà nước, không chỉ có các bảo tàng tham gia mà còn có các doanh nghiệp hàng đầu, doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức để đảm nhận công việc này. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo, doanh nghiệp nhận lời tham gia vào thị trường mỹ thuật cần được giảm trừ thuế, sự khuyến khích cần thiết để họ có động lực tiếp tục tham gia vào thị trường mỹ thuật. Nếu làm được điều này, các họa sỹ có thể sẽ tìm được đầu ra cho tác phẩm, bằng việc thế chấp tại ngân hàng, việc chưa từng xảy ra tại Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Hòa cho biết: “Thị trường mỹ thuật Việt Nam lâu nay vốn phụ thuộc vào các đại gia. Thay vì bán cho đại gia ngoại, các họa sỹ có thể bán cho các đại gia nội. Nhà nước nên khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia vào hoạt động mỹ thuật”. 

Bên cạnh đó, họa sỹ trẻ Trịnh Minh Tiến đề xuất các hình thức tổ chức mới như các hội chợ nghệ thuật, đưa tác phẩm nghệ thuật ra khỏi các không gian trưng bày sang trọng để về với không gian trưng bày gần gũi hơn với người dân-chợ. Các hội chợ nghệ thuật nhằm mục đích phát triển thị trường mỹ thuật nội địa. Bà Dương Thu Hằng, chủ Hanoi Studio nhận định: “Không ai khác, chỉ có người Việt mới biết rõ tác phẩm nghệ thuật này là giá trị hay không. Và cũng chỉ có người Việt mới gỡ khó được thị trường mỹ thuật Việt Nam”.