Gỡ khó cho sản xuất

ANTĐ -Số liệu vừa được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố khiến dư luận không khỏi sửng sốt. Trong nửa đầu năm nay, đã có 3.000 doanh nghiệp tuyên bố ngừng sản xuất. Khảo sát 400 doanh nghiệp phần lớn báo cáo tài chính dự kiến là lỗ. Đáng lưu ý là tình trạng tồn kho cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong số 136 mặt hàng tồn đọng, đồ gỗ, đồ uống chiếm tỷ lệ cao nhất. Tiếp đó là cáp và dây điện, giày dép, sợi và dệt vải. Mặt khác, chi phí lãi vay trên 22%/năm, cung tín dụng bị giới hạn khiến giá thành sản xuất bị đội lên mà giá bán không tăng.

Ý kiến của một số nhà quản lý và doanh nghiệp dường như cùng gặp nhau ở một điểm, nếu Chính phủ không kịp thời tháo gỡ khó khăn thì sản xuất sẽ đình đốn khiến nền kinh tế suy giảm. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay các ngân hàng đều đã hết hoặc vượt giới hạn cho vay phi sản xuất.

Theo dõi các ngân hàng và tổng hợp số liệu, ông Vụ trưởng cho rằng, tăng trưởng tín dụng hiện nay đang bộc lộ một số vấn đề, nổi bật là mức tăng tín dụng ở từng ngân hàng, cơ cấu tăng tín dụng không đồng đều. Có 5 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn chiếm khoảng 55% thị phần tín dụng toàn hệ thống nhưng mức tăng rất thấp.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hầu hết đều có mức tăng tín dụng kịch trần 20%. Vì thế, theo ông Vụ trưởng, phải tìm nguyên nhân vì sao tín dụng của 5 ngân hàng lớn không thể tăng, còn tín dụng ngân hàng nhỏ lại tăng rất mạnh, thậm chí còn muốn tăng thêm.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế Văn phòng Trung ương Đảng cũng nhận xét, việc bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã bộc lộ những khó khăn, nhất là trong chính sách tiền tệ.

Đơn cử như tín dụng tăng thấp, khả năng cung ứng vốn của ngân hàng hạn chế, lãi vay cao. Tiếng nói từ chính các doanh nghiệp bày tỏ những bức xúc cần được giải tỏa, trong bối cảnh lạm phát làm cho tỷ trọng chi phí lãi vay tăng khá lớn cộng với một số chi phí buộc phải tăng như tiền lương tăng tới 25%, giá đầu vào tăng trung bình 10% nhưng giá đầu ra chỉ tăng 5-7%.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái kiến nghị, liên quan đến chính sách tiền tệ, tín dụng cần mở rộng đối tượng. Khi nói đến doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, nên chú trọng tập trung vào doanh nghiệp nhỏ.

Nhưng thực tế, chính sách tín dụng, lãi suất lại đang tác động không nhiều đến quy mô doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp lớn chỉ cần giảm một vài phần trăm thì bằng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ. Chia sẻ tâm tư và nguyện vọng của giới doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinalines nêu rõ, Nhà nước chủ trương thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, nhưng thắt chặt như thế nào, độ dài đến đâu cho phù hợp. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, lãi suất vay ở mức nào còn phải tùy thuộc vào tình hình nhưng nên ở mức phổ biến 13%/năm.

Nghị quyết 11 của Chính phủ đã triển khai được 8 tháng, những mục tiêu cơ bản đã thu được những kết quả nhất định. Mặc dù Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, giảm giá đầu vào cho doanh nghiệp, song với mức độ chi phí sản xuất cao do lạm phát hiện nay, quả thật giới doanh nghiệp rất khó xoay xở. Để gỡ khó cho sản xuất, cho doanh nghiệp, Phòng Thương mại - Công nghiệp kiến nghị, việc tăng giá xăng dầu, điện, lương phải thích hợp và có lộ trình tránh gây sốc. Triển khai nhanh các chương trình tín dụng cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính sách quản lý giá và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trực tiếp sản xuất phải đồng hành.