Gỡ khó cấp “sổ đỏ”

ANTĐ - Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã cấp được 35,397 triệu “sổ đỏ” với tổng diện tích 20,3 triệu ha. Trong đó, cấp mới theo Nghị định 88/CP được hơn 2,5 triệu “sổ đỏ” với diện tích hơn 1 triệu ha. Mặc dù vậy, việc cấp “sổ đỏ” vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập khó tháo gỡ. Một số nơi thủ tục phiền hà, tồn đọng “sổ đỏ”, vi phạm đất đai vẫn tái diễn.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương “điển hình” của thực trạng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (“sổ đỏ”). Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, hiện tại số lượng “sổ đỏ” đã ký nhưng chưa cấp còn tồn đọng khá nhiều. Số lượng hồ sơ nằm trong cơ quan Nhà nước và số lượng trường hợp chưa làm thủ tục cũng không ít. Điều đáng quan tâm là, nhiều trường hợp người dân không muốn làm thủ tục hoặc chưa muốn làm. Thậm chí có nhiều trường hợp, “sổ đỏ” được cấp mà dân lại chưa muốn lấy. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh nghĩa vụ tiền bạc.

Đằng sau chuyện tài chính, theo Tổng cục Quản lý đất đai, khi kiểm tra ở một số nơi đã phát hiện tình trạng gây phiền hà, rắc rối khiến người dân rất ức chế khi đi làm “sổ đỏ”. So với nhiều địa phương, việc thực hiện thủ tục ở Hà Nội phức tạp hơn và chưa có sự thống nhất, nhiều vụ việc chỉ vì thủ tục hành chính làm cho vấn đề trở nên rối rắm hơn, không giải quyết ổn thỏa và hài hòa được quyền lợi giữa các bên liên quan. Cũng phải thừa nhận rằng, “lịch sử” quản lý đất đai tồn tại hàng chục năm qua vốn không chặt chẽ, quá trình thực hiện lại quá nhiều thay đổi và biến động.

Cục trưởng Cục Đăng ký Thống kê nhận xét, nhiều trường hợp đất đai biến động xếp vào loại vi phạm pháp luật, thậm chí vi phạm “chồng” lên vi phạm, tích tụ mà không giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, hệ thống chính sách cũng “sớm nắng chiều mưa” nên quá trình xử lý để xác định những trường hợp nào thì được cấp giấy chứng nhận theo điều khoản nào càng trở nên phức tạp. Tại cuộc họp với hai thành phố là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng các bộ, ngành liên quan, Chính phủ đã chỉ đạo, trong thời gian tới, hai địa phương cần tập trung đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận, đặc biệt đối với đất ở đô thị, các dự án nhà ở. Bộ Tài nguyên - Môi trường làm đầu mối cùng Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng làm việc với 2 thành phố rà soát, đánh giá vì sao để chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận đất đô thị, dự án nhà ở để trình văn bản xử lý giải quyết riêng. Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã cấp “sổ đỏ” được hơn 90%, còn lại phải cấp xong trong năm nay. Đây là những trường hợp hồ sơ có vướng mắc hoặc do những điều kiện khách quan.

Thời gian qua, Hà Nội đã cùng Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi và hoàn thiện một số vấn đề vướng mắc như cắt giảm, ghi nợ, thậm chí miễn thu rất lớn. Định hướng chung là nghĩa vụ tài chính phải đảm bảo công bằng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Tuy nhiên, việc khó nhất của Hà Nội là xử lý những vi phạm hiện tại nhưng lại vướng mắc đến những phần trước đó. Theo Cục trưởng Cục Đăng ký Thống kê (Tổng cục Quản lý đất đai), số vụ hiện đang vướng mắc vào khoảng 200.000 vụ, không thể giải quyết ngày một ngày hai. Khi kiểm tra cấp giấy nhà chung cư, cứ 10 dự án thì có 8 dự án sai phạm về xây dựng, đất đai, giấy tờ chưa làm thủ tục, chưa đủ cơ sở pháp lý đã mua bán xong xuôi, thậm chí nhiều nhà đầu tư chưa làm nghĩa vụ tài chính thì đã giải thể. 

Gỡ khó việc cấp “sổ đỏ”, hai Bộ Tài chính, Tài nguyên - Môi trường đã cùng các bộ liên quan bàn bạc, đưa ra phương án giải quyết những vấn đề bức xúc nhất. Đặc biệt việc cấp giấy nhà chung cư, đảm bảo quyền lợi của người mua. Sai phạm cũng có phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý không kiểm soát chặt chẽ để xảy ra tình trạng chưa làm xong thủ tục, giấy tờ về quyền sử dụng đất thì đã xây xong rồi.