Gỡ "điểm nghẽn" đầu vào

ANTD.VN - Không đánh giá thấp kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhưng thực sự chưa đủ cho tuyển sinh đại học một số trường. 

Với những ngành đặc thù, cần phải có thêm hình thức đánh giá khác để kiểm tra sự phù hợp. Vì thực tế có những thí sinh thích nhưng không hoàn toàn phù hợp với tính cách, năng khiếu cá nhân. Việc tuyển sinh chỉ dựa vào một bài thi duy nhất sẽ khó để chọn được thí sinh đúng năng lực theo từng khối, ngành. “Điểm nghẽn” trước cửa các trường đại học sẽ được giải tỏa như thế nào?

Ngày càng có nhiều trường đại học sử dụng phương pháp tuyển sinh khác, trong đó chỉ dùng một phần kết quả kỳ thi THPT. Đề án tuyển sinh được chia theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Sơ tuyển dựa vào kết quả thi THPT và điểm học 3 năm học THPT. Giai đoạn 2: Đánh giá dựa trên kết quả kỳ kiểm tra năng lực tự tổ chức. Bài kiểm tra năng lực là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ phù hợp, nhu cầu thực sự của thí sinh với ngành học. Nhiều trường còn sử dụng phương thức xét tuyển trực tiếp từ kết quả học bạ THPT, không cần phải “đỏ mắt” chờ đợi kết quả kỳ thi THPT.

Được biết, bài thi này được xây dựng theo hướng tiếp cận các bài thi chuẩn hóa nhằm xét tuyển đầu vào đại học của Mỹ, Anh. Khác với kỳ thi THPT, kỳ thi đánh giá năng lực chú trọng các kỹ năng cơ bản để học đại học như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, phân tích, tổng hợp giải quyết vấn đề dùng ngôn ngữ song vẫn gắn với kiến thức tự nhiên, xã hội mà học sinh cũng không cần ôn luyện mới làm được.

Thông thoáng, mở rộng cánh cửa đại học, thí sinh sẽ đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến hay trực tiếp do trường quy định. Kỳ thi này sẽ không hạn chế đối tượng tham gia dự thi, thậm chí nếu học sinh lớp 11 muốn cọ xát thực tế vẫn có thể đăng ký dự thi. Đại diện nhiều trường đại học lớn trên cả nước cho rằng, đây là một xu hướng tốt, đã được nghiên cứu và triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài kiểm tra kiến thức, cách thức thi này còn giúp đánh giá năng lực, kỹ năng và nhu cầu thí sinh, tránh tình trạng thí sinh “chạy đua” vào đại học theo đám đông, cảm tính. Sau khi lọt qua cửa trường chật hẹp, ngay năm đầu ngồi trên giảng đường đã vỡ mộng, “nửa đường đứt gánh” học tập.

Không phủ nhận kết quả kỳ thi THPT quốc gia là những đánh giá tốt nhất trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, việc đánh giá người học dựa vào năng lực, kỹ năng, nhất là nhu cầu thực sự của người học chính là giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ “điểm nghẽn” đầu vào đại học, để đầu ra đáp ứng nguồn nhân lực của thị trường lao động, góp phần giảm “đội quân” cử nhân thất nghiệp.