Gỡ chỗ vướng mắc nhất

ANTĐ - Sau gần 10 năm triển khai Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song chính sách về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn còn khá nhiều bất hợp lý. Khiếu nại, tố cáo về thu hồi, bồi thường đất chính là điểm tắc nghẽn lớn nhất, khó tháo gỡ nhất. Bởi thế, ngay từ đầu năm mới 2013, Bộ Tài nguyên - Môi trường, lần đầu tiên đã tổ chức một cuộc hội thảo chuyên về vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Liệu những giải pháp, hiến kế có tạo được cú đột phá?

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng căng thẳng và kéo dài này đã được phân tích, mổ xẻ quá nhiều. Đó là do tổ chức thực hiện chính sách chưa nghiêm minh, thiếu kiên quyết, chưa có sự tham gia của các tổ chức xã hội. Giá đất bồi thường chủ yếu thực hiện theo bảng giá cố định nên thấp hơn so với giá thị trường. Một số địa phương cho rằng, giá đất thực tế quá xa giá thị trường nên “đẻ” ra mâu thuẫn, kiện tụng. Vướng mắc tích tụ nhiều nhất là khâu chuẩn bị phương án bồi thường, hỗ trợ chưa được các cấp chính quyền thực sự quan tâm, nhất là giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi.

Việc lập và thực hiện phương án bồi thường của một số dự án rơi vào tình trạng “tù mù”, không đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Trong khi đó, không ít nơi, sau khi thu hồi đất coi như được việc của mình, đẩy người dân vào sống trong các khu tái định cư theo kiểu “mang con bỏ chợ”. Chất lượng công trình, chất lượng sống chẳng những không có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, mà còn tệ hơn. Không thể phủ nhận một thực tế, quỹ đất cũng chưa được đầu tư đúng mực về kinh phí và nhân lực để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất đã được phê duyệt. Đất thì chưa “sạch”, Nhà nước lại thiếu tiền giao cho các tổ chức chuyên nghiệp thực hiện dự án đầu tư.

Vì thế dẫn đến tình trạng thu hồi đất và giao đất, chỉ định cho chủ đầu tư thuê đất, cho phép họ ứng vốn để trả trước tiền bồi thường giải phóng mặt bằng nên phát sinh khiếu kiện trong dân. Hơn thế, ở tầm vĩ mô, do chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Nhà nước thay đổi quá nhiều qua các thời kỳ, càng khiến gia tăng tình trạng so bì hơn thiệt, khiếu nại, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi qua các dự án hoặc trong cùng một dự án nhưng thu hồi đất qua nhiều thời gian. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường ở một số địa phương “nóng” nhất thừa nhận, khó nhất trong thời gian qua về chuyện thu hồi và bồi thường đất chính là sự thay đổi liên tục của các chính sách khiến cho người thực hiện “xoay như chong chóng”.

Thậm chí, có những dự án “nằm vắt” qua các “đời” nghị định khác nhau, chênh lệch khá lớn nên rất lúng túng khi giải quyết. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cho rằng, chính sách thay đổi nhiều nhưng trong quá trình ban hành chính sách mới lại không có tính kế thừa nên cấp cơ sở rất khó “xoay xở” khi thực hiện.

Bộ Tài nguyên - Môi trường khẳng định, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chắc chắn sẽ “xoay chuyển” tình thế với những nội dung, quy định rất mới về thu hồi đất, bồi thường, giá đất. Điểm mới nổi bật nhất của Luật Đất đai mà dư luận đặc biệt quan tâm là, người dân sẽ được tham gia trong quá trình xây dựng, phê duyệt, giám sát việc thực hiện phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Không thể hy vọng tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, cho nên cần tập trung gỡ chỗ vướng mắc nhất.