Gỡ bỏ nhiều “nút thắt” trong quản lý đất đai

ANTĐ - Chiều 6-11, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một bộ luật lớn, đối tượng được đề cập có sự tác động đến kinh tế xã hội, do đó rất nhiều nội dung đã thu hút sự quan tâm của các ĐBQH như: giá đất, cơ chế thu hồi đất, giao đất, bồi thường, giải quyết tranh chấp, lập quy hoạch đất đai… 

Quy định mức đền bù cần sát giá thị trường để người dân không bị thiệt thòi. Ảnh minh họa

Nhiều điểm mới

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang, dự thảo Luật  Đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, trong đó “xương sống” là việc đổi mới quy định về định giá đất và thu hồi đất. Cụ thể, theo kế hoạch sử dụng đất đã được công bố hàng năm, Nhà nước sẽ chủ động thu hồi đất theo quy hoạch. Nguyên tắc định giá đất được sửa đổi thành “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”… Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng, những điều chỉnh này cần phải cân nhắc thêm. ĐBQH Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội) cho biết, ông tán thành với nguyên tắc Nhà nước định giá đất song rất băn khoăn với cách định giá “phù hợp với thị trường”, bởi khái niệm này rất mơ hồ, khó xác định. ĐB này dẫn chứng, hiện nay, Nhà nước định khung giá đất ở Hà Nội mức cao nhất là 81 triệu đồng/m2, thành phố cũng không quy định mức giá cao hơn, song giá thị trường thực sự tại nhiều địa điểm ở nội đô lên đến tiền tỷ mỗi m2…

Nhận định vấn đề thu hồi và đền bù đất là căn nguyên của hầu hết các khiếu kiện phức tạp, kéo dài trong lĩnh vực đất đai thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) phân tích, nên thu hẹp cách thức thu hồi đất, cụ thể chỉ nên để Nhà nước là cơ quan duy nhất thực hiện thu hồi đất. Hiện nay, ngoài kênh cơ quan chính quyền nhà nước, các chủ đầu tư dự án cũng có quyền thu hồi đất và đền bù cho người có đất bị thu hồi trên cơ sở thỏa thuận. Tuy nhiên, qua giám sát, cách thức thu hồi này dễ làm xuất hiện tình trạng thỏa thuận ngầm, không chính thức giữa chủ đầu tư với một hộ sử dụng đất, gây nhiều bức xúc do quyền lợi của các hộ bị thu hồi đất có thể khác nhau, đó cũng là mầm mống của tham nhũng về đất đai. 

Theo ĐBQH Nguyễn Hồng Sơn, khi Luật quy định Nhà nước đứng ra thu hồi và đền bù đất, thì vấn đề là phải giải quyết như thế nào để đền bù hợp lý. Mức giá đền bù do Nhà nước quy định, bám sát giá thị trường và phải đảm bảo được tiêu chí người bị thu hồi đất không bị quá thiệt thòi. Chẳng hạn, nếu đất được thu hồi không sử dụng vào kinh doanh thì sẽ bồi thường giống nhau bất kể nó được thu hồi phục vụ vào dự án nào, còn nếu đất thu hồi sử dụng vào mục đích kinh doanh thì phải có thêm phần bồi thường chênh lệch, phần này nộp vào ngân sách nhà nước. 

Quy hoạch, sử dụng phải hiệu quả

ĐBQH Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank) đề cập, ngay trong khái niệm về sở hữu đất đai, Luật khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện quyền sở hữu, điều này cũng phù hợp với quy định được ghi trong Hiến pháp. Từ quan điểm đó, ĐB Phạm Huy Hùng cho rằng, nên điều chỉnh việc thu hồi đất hiện nay thông qua các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước bằng thực hiện trưng dụng, trưng mua đất thu hồi, chỉ tiến hành thu hồi với các trường hợp vi phạm. 

Một vấn đề nữa, Hiến pháp chỉ quy định 3 trường hợp phải thu hồi đất gồm thu hồi cho quốc phòng, an ninh và các công trình lợi ích quốc gia, tuy nhiên Luật mở rộng thêm 2 đối tượng thu hồi gồm mục đích công cộng, phát triển kinh tế. Nhiều đại biểu cho rằng, không nên mở rộng đối tượng như vậy vì dễ dẫn đến làm sai, tiêu cực trong thu hồi đất, dẫn đến thu hồi tràn lan nhưng quy hoạch, sử dụng kém hiệu quả. ĐB Chu Sơn Hà,

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, việc thu hồi đất phục vụ công tác quy hoạch hay kế hoạch sử dụng đất cần phải trên cơ sở tiết kiệm, hiệu quả. “Mới đây, đoàn chúng tôi đi giám sát tại khu Đại học Quốc gia ở Láng-Hòa Lạc, quỹ đất ở đây rất lớn và đã được thu hồi hơn chục năm nay theo quy hoạch của dự án, nhưng thực tế việc sử dụng kém hiệu quả, đất thu hồi bỏ trống, gây lãng phí” - ông Chu Sơn Hà dẫn chứng.

Phần đông các ĐBQH tán thành với phương án chỉ quy định 3 cấp quy hoạch đất gồm cấp quốc gia, tỉnh, huyện, bỏ cấp xã. Tuy nhiên, điều quan trọng là khâu quy hoạch phải công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát, tránh tình trạng một số cán bộ biết quy hoạch trước rồi trục lợi, thay đổi mục đích sử dụng đất.