Glasgow gột rửa tai tiếng “Thủ đô tội phạm” như thế nào?

ANTĐ - 10 năm trước, Glasgow của Scotland được biết đến như “Thủ đô của tội phạm giết người” ở Tây Âu, nhưng thay vì dùng “biện pháp mạnh”, cảnh sát thành phố lại có cách tiếp cận khác biệt để hiện nay an ninh ở Glasgow đã có những thay đổi bước ngoặt.

Trong hội trường của một tòa nhà lát gạch đỏ khuất sau những khối tháp chọc trời phía bắc Glasgow, 6 người đàn ông ngồi xung quanh một chiếc bàn gỗ. “Tôi không thể tìm việc với quá khứ của mình” – một người đàn ông ngoại tứ tuần cúi đầu buồn bã. Đó là cuộc gặp mặt hàng tháng được lực lượng đặc nhiệm Scotland - Đơn vị Giảm thiểu Bạo lực (VRU) tổ chức. Người đàn ông trung niên trước đây đã thụ án giết người. Ngồi đối diện ông ta là một kẻ từng buôn thuốc phiện có tiếng. Một người khác thì mang tội hành hung. Cả 6 người họ đều đang cùng đi trên một con đường: Nỗ lực, cùng với sự trợ giúp của VRU, làm lại cuộc đời từ đống tro tàn của quá khứ. 

Glasgow gột rửa tai tiếng “Thủ đô tội phạm” như thế nào? ảnh 1Một nhân viên cảnh sát ở Crosshill, Glasgow

Ngăn tội phạm từ “văn hóa đã sản sinh ra nó”

VRU ra đời năm 2005 khi Glasgow được coi là “điểm nóng” về tội phạm giết người ở châu Âu, với tỷ lệ cứ 100.000 dân thì có 2 vụ giết người. Đơn vị trực thuộc lực lượng cảnh sát Strathclyde có nhiệm vụ xử lý những vụ xung đột bằng dao và các băng đảng tội phạm. Một thập kỷ sau, không những tỷ lệ giết người ở Glasgow đã giảm hơn một nửa mà tội phạm hành hung và tàng trữ vũ khí trái phép cũng có chuyển biến tương tự. Cảnh sát nhận thấy “cách duy nhất để xoa dịu sự hỗn loạn chính là giải quyết thứ văn hóa đã sản sinh ra nó” – John Carnochan, cựu điều tra viên đồng sáng lập VRU cho biết. Lớn lên trong những gia đình bất ổn và bạo lực, nhiều thanh niên khó tránh khỏi việc tham gia các băng đảng, tàng trữ vũ khí, sử dụng chất kích thích hay xô xát dẫn tới tử vong. VRU được thành lập với mục tiêu phá vỡ vòng luẩn quẩn ấy. Chiến lược của họ - lấy những sáng kiến chống các băng đảng bạo lực tại Boston những năm 1990 làm nền tảng - kết hợp giữa các biện pháp trấn áp kiểu cũ và những thay đổi sáng tạo.    

Trước hết VRU đã nỗ lực ngăn cản những dấu hiệu lạm dụng và bạo lực gia đình. Các bác sỹ, y tá đã được chiêu mộ để chăm sóc và khuyên bảo những thanh thiếu niên nhập viện với vết dao chằng chịt trên người. VRU còn vận động hành lang thành công trong việc tăng tối đa mức án phạt đối với các tội tàng trữ và sử dụng vũ khí là dao. 

Năm 2008, VRU với phạm vi hoạt động trên toàn Scotland, đã thành lập Sáng kiến Cộng đồng Giảm thiểu Bạo lực (CIRV) ở phía đông Glasgow, nơi tập trung những băng nhóm tội phạm bạo lực nhất. Một phần của sáng kiến là tận dụng sự hợp tác của những người đã từng phạm tội. Hơn 600 thành viên băng đảng đã được “triệu tập” để lắng nghe chia sẻ từ phía cảnh sát, bác sỹ, người nhà của nạn nhân và cựu tù nhân. 

Paul, một cựu tù nhân 37 tuổi, bắt đầu tham gia VRU từ năm ngoái. Chán nản vì người mẹ nghiện rượu và người bố bạo lực, Paul đã bỏ nhà ở tuổi thiếu niên, bắt đầu tham gia vào băng đảng, sử dụng thuốc phiện và dính líu vào các vụ xô xát. Trong một cuộc ẩu đả nghiêm trọng, đối phương không may tử vong do bị xe buýt chèn phải khiến Paul (không phải tên thật) lĩnh án tù vì tội giết người. Ông cho biết điều tuyệt vời nhất khi tham gia công việc này chính là nhận ra những tia hi vọng: “Họ có cơ hội để thật sự thoát khỏi những tội lỗi đã phạm phải trong suốt bao nhiêu năm”. Trong những người Paul đã từng kèm cặp  có một thanh niên 19 tuổi, từng bị mẹ lấy làm lá chắn khi bà bị chồng chĩa súng vào đầu. “Một khi hiểu hoàn cảnh của họ, bạn sẽ sẵn sàng giúp đỡ”, Paul tâm sự. 

Kết hợp “cây gậy và củ cà rốt”

Điều thú vị đó là chính sách của CIRV kết hợp cả “cây gậy và củ cà rốt”. Các thành viên băng đảng có hai sự lựa chọn: một là từ bỏ bạo lực và được đi học, đào tạo nghề và có việc làm, hai là sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ sự khoan dung nào. Kết quả rất bất ngờ: trong 200 người tham gia CIRV, các vi phạm về bạo lực giảm gần một nửa, tình trạng tàng trữ vũ khí giảm tới 85%. Thậm chí trong các thành viên băng nhóm không trực tiếp tham gia, vi phạm an ninh cũng được giảm rõ rệt. 

Mặc dù tỷ lệ tội phạm ở Glasgow liên tục giảm nhờ một phần không nhỏ của CIRV nhưng dự án này đã tạm ngưng hoạt động vào năm 2011. Một nguồn tin thân cận tiết lộ các chính trị gia không có ý định sẽ tiếp tục tài trợ khi hết nguồn kinh phí từ chính phủ. Hiện nay, VRU tìm ra hướng đi mới là lập một quỹ từ thiện nhỏ để tạo cơ hội việc làm cho những người đã có tiền án tiền sự, trong khi 79% những người đã tìm được việc trước đó vẫn giữ công việc ổn định. Mục tiêu quan trọng hơn của VRU là thành lập một nhà hàng kinh doanh xã hội ở trung tâm thành phố. 

“Chúng tôi đã làm tất cả để cộng đồng thấy cuộc sống không bạo lực là như thế nào”, nhà sáng lập VRU John Carnochan cho biết. Mặc dù đã về hưu, ông Carnochan vẫn dành thời gian đi khắp thế giới để nói về VRU. “Chúng tôi đã thay đổi “chuyện thường ngày”. Chúng tôi đã bắt đầu từ việc nhìn nhận mọi việc theo cách hoàn toàn khác. Điều đó thực sự khó khăn nhưng cũng rất tuyệt vời”, ông nói.