Giúp trẻ tự kỷ gạt bỏ tự ti, hòa nhập với đời

ANTĐ - Biết tôi là phóng viên tới gặp để viết về gương điển hình tiên tiến, cô giáo Vương Thúy Hương – trường Mầm non Đống Đa xin phép từ chối khéo với lý do “công việc mình làm đáng gì đâu mà đăng báo”. Nhưng khi phóng viên muốn hỏi chuyện chăm sóc các cháu bé tự kỷ đang chơi đùa trong lớp học do mình phụ trách, mắt cô Hương ánh lên niềm hạnh phúc. 
Giúp trẻ tự kỷ gạt bỏ tự ti, hòa nhập với đời ảnh 1

Cô giáo Vương Thúy Hương giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với các trẻ bình thường khác

Và cứ thế, những câu chuyện, kỷ niệm cả một thập kỷ nuôi dạy học sinh mầm non mắc bệnh tự kỷ, cứ tuôn ra đầy say sưa, hứng khởi… 

Biến mình thành... trẻ con

“Chứng kiến nhiều cháu tự kỷ phải sống cách biệt ở môi trường lạnh lẽo, thiếu bạn bè, thiếu cả sự chăm sóc, mình thấy thương cảm lắm; chỉ mong sao giúp các con hòa nhập, theo kịp được với bạn bè cùng trang lứa”, cô giáo Vương Thúy Hương chia sẻ. Đều đặn mỗi năm học, lớp của cô Hương nhận từ 3-5 cháu có hoàn cảnh như thế. Phụ huynh có con em bị tự kỷ gửi vào đây đều cảm thấy yên tâm và có niềm tin con em mình sẽ tiến bộ, hòa nhập được với bạn bè cùng trang lứa nhờ sự dạy dỗ, uốn nắn của người giáo viên đầy tâm huyết có thâm niên 25 năm nuôi dạy trẻ mầm non.

Nhìn 3 bé trai khôi ngô đang nô đùa cùng bạn trong phòng học số 2 – trường Mầm non Đống Đa, do cô Vương Thúy Hương phụ trách, ít ai nhận ra đó là những cháu bé mắc bệnh tự kỷ. Nuôi dạy trẻ đã khó, với các trẻ tự kỷ còn khó khăn hơn gấp bội. “Cái khó nhất là mình phải làm sao hiểu được các cháu, từ đó mới tiếp cận, tìm hiểu và giúp các cháu tiến bộ. Muốn vậy, trước tiên phải học cách biến mình thành… trẻ con. Cô giáo phải như một người bạn, cùng chơi, cùng hát, cùng học để các cháu thấy gần gũi, rồi từ đó hợp tác trở lại theo sự chỉ bảo của mình”, cô Hương chia sẻ “bí kíp”.

Để đúc rút được kinh nghiệm này, người giáo viên 44 tuổi này đã thường xuyên tìm tòi, tranh thủ thời gian nghỉ hè đi học các lớp dạy kỹ năng và chăm sóc trẻ tự kỷ, rồi đến các trung tâm hòa nhập cho trẻ tự kỷ xem cách thức tiếp cận, giúp đỡ học viên như thế nào, từ đó đúc rút kinh nghiệm để áp dụng cho mình sao cho phù hợp, hiệu quả nhất.

Gieo tình thương...

Những trẻ tự kỷ đến với lớp cô Hương, mỗi em một hoàn cảnh, mức độ bệnh khác nhau nhưng cùng được chăm sóc, yêu thương như nhau. Với cô Hương, mỗi trẻ gắn với một câu chuyện, một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời làm nghề. “Tôi nhớ trường hợp tự kỷ đầu tiên nhận vào lớp là cháu bé 4 tuổi, con một bác sỹ y khoa. Cậu bé rất khôi ngô, luôn nở nụ cười rất tươi. Chỉ có điều ít nói và ngại giao tiếp.

Hay như bé Nhật Minh, khi vào lớp tôi không nói không rằng mà chỉ cười suốt, mà không ai hiểu bé cười cái gì. Đó là điều khiến tôi thắc mắc, trăn trở và tìm hiểu cho bằng được. Trường hợp của Tuấn Minh, ăn cơm không biết nhai mà chỉ nuốt, không nói được, mà chỉ gào rú. Tôi cũng là người mẹ, cũng phải nuôi con, thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của các bậc phụ huynh nên càng thương cảm với các cháu bé không may tự kỷ, đồng cảm với bố mẹ các cháu nữa”, cô Hương xúc động nói.

Tình thương dành cho những số phận không may mắn được người giáo viên yêu nghề chuyển hóa thành hành động, giúp các em vượt qua nghịch cảnh. Và chính những tình huống trong quá trình dạy học đem lại cho cô Hương nhiều trải nghiệm thú vị. “Nhiều trẻ bình thường không hứng thú với các bạn tự kỷ, khi đã chủ động trò chuyện, chơi đùa mà không thấy bạn ấy hợp tác. Khi đó, mình phải là sợi dây kết nối sự hòa nhập giữa các trẻ.

Khi trẻ tự kỷ làm việc gì đó không bình thường, cả đám đông học sinh trong lớp cười ồ lên, mình bảo: Các con thấy bạn thế này thì các con có thương bạn không? Tự nhiên tiếng cười tắt hẳn. Chính nhờ tình huống như thế mà mình đã giáo dục các cháu lòng nhân ái, thấy bạn thiệt thòi như thế thì hỗ trợ cô giáo giúp bạn tiến bộ hơn”, cô Hương khiêm nhường chia sẻ: “Chính học sinh xung quanh mới là những người giúp đỡ tốt nhất cho trẻ tự kỷ. Mình chỉ là người quan sát, phát hiện và chắp nối các cháu với nhau trong các hoạt động chung của lớp”.

…Gặt hạnh phúc

Có bề dày nuôi dạy trẻ tự kỷ, người phụ nữ lặng thầm ấy cho biết, trẻ tự kỷ ngoài hạn chế là giao tiếp kém, thường lại có tố chất thông minh, có cháu trí nhớ rất tốt, có trẻ giải toán rất nhanh, có cháu lại đàn hát hay, vẽ đẹp. “Dạy trẻ tự kỷ nhiều trường hợp thấy thú vị lắm, thông minh mà ngây thơ. Như cháu Tuấn đang theo học lớp mình, khi hỏi cả lớp từ “ô tô” có gì đặc biệt thì chỉ mỗi Tuấn đứng dậy trả lời: “Thưa cô, có hai chữ cái “ô” ạ!”. Các bạn còn lại trong lớp ồ lên thán phục Tuấn. Sự thông minh của các cháu tự kỷ giúp mình thấy vui, có động lực hơn trong công việc”, cô Hương say sưa kể trong niềm hạnh phúc.

Trong 25 năm làm nghề dạy trẻ mầm non, cô Hương bảo hạnh phúc nhất là khi nhận được tin nhắn của một phụ huynh. “Đó là của mẹ bé Quang Anh, cháu bị trầm cảm, lúc nào cũng nhăn nhó, ngồi co mình một góc trong lớp. Nhưng sau 4 tháng học, cháu đã bật dậy vui đùa cùng các bạn và tiến bộ dần. Đến năm Quang Anh vào lớp 1, mẹ cháu nhắn tin: “Chị Hương ơi, Quang Anh theo được các bạn chị ạ”. Tin nhắn nhỏ làm cô giáo mất ngủ cả đêm vì vui sướng. Theo được các bạn thì cũng đồng nghĩa với việc trẻ gạt bỏ được tự ti, hòa nhập với đời. “Đó là phần thưởng vô giá với tôi” – cô Hương bảo. 

“Có khi nào chị thấy mệt mỏi, chán nản và muốn bỏ cuộc chưa?”. Cô giáo Vương Thúy Hương cười tươi: “Tới lớp, nhìn thấy các con tiến bộ, hòa nhập dần là thấy vui rồi. Sau mỗi buổi dạy, về nhà mình lại kể chuyện cho cả gia đình những cái hay của trẻ tự kỷ ở lớp mình dạy, mọi người vui lây với niềm vui của mình, thế cũng là bớt mệt mỏi rồi. Tôi không quan niệm việc mình làm là giúp đỡ ai cả, mà chỉ đơn giản là tìm niềm vui cho chính mình, cho cuộc sống của mình thêm ý nghĩa”.    

             

Cô giáo Vương Thúy Hương bắt đầu nhận các cháu không may mắc bệnh tự kỷ vào lớp học cùng trẻ bình thường từ năm 2007 và được Ban giám hiệu nhà trường ủng hộ, tạo điều kiện. Bà Vũ Linh Chi – Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Đống Đa, đánh giá: “Chỉ có tình thương con trẻ, đam mê với nghề mới giúp cô Hương quên hết vất vả, dành thời gian, tâm huyết giúp đỡ trẻ tự kỷ. Việc làm của cô Hương là niềm tự hào của nhà trường”.