Giúp người điếc nghe bằng… lưỡi

ANTĐ - Trong tương lai gần, những người khiếm thính có thể “nghe” được bằng chính cái lưỡi của mình khi công trình nghiên cứu của các kỹ sư và nhà thần kinh học tại Đại học bang Corolado, Mỹ (CSU) được phát triển thành công. Đó là một thiết bị trợ thính được đặt trong khoang miệng với giá thành rẻ hơn rất nhiều so với việc phẫu thuật cấy ghép ốc tai. 

Giúp người điếc nghe bằng… lưỡi ảnh 1Nhóm các nhà khoa học J.Williams (trái), Tiến sĩ Leslie Stone-Roy (giữa)
và nghiên cứu sinh JJ Moritz 

Khắc phục bệnh nghề nghiệp

Phó giáo sư John Williams tại Khoa Công nghệ cơ học của CSU chia sẻ, phần lớn thời gian trong sự nghiệp của mình ông dành cho việc thiết kế và xây dựng hệ thống điện cho động cơ đẩy của tàu vũ trụ. Do đó, ông tiếp xúc rất nhiều các thiết bị chân không được các nhà khoa học vũ trụ sử dụng để mô phỏng các điều kiện môi trường bên ngoài không gian, và hậu quả là ông đã bị chứng ù tai. Sau khi tìm hiểu về ốc tai điện tử dành cho người khiếm thính, ông đã quyết định cải tiến thiết bị này và chế tạo ra một phiên bản mới cho chính mình. 

Cũng trong thời gian này, Phó giáo sư Williams đã xem xét tất cả những thông tin về ưu và nhược điểm của ốc tai điện tử để đi đến quyết định tiến hành dự án nghiên cứu “Nghe bằng lưỡi”, vì theo ông, lưỡi có hàng nghìn dây thần kinh và các khu vực chịu trách nhiệm phân tích cảm giác từ lưỡi tới não bộ, đồng thời còn có khả năng giải mã cả những thông tin phức tạp. 

Thiết bị trợ thính trên được phát triển bởi Phó giáo sư J.Williams cùng các cộng sự của mình là Tiến sĩ Leslie Stone-Roy và JJ Moritz, nghiên cứu sinh của trường CSU. Phải mất 1 năm sau, các nhà khoa học này mới hoàn thành khâu thử nghiệm và đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tạm thời, đồng thời thành lập một công ty riêng để chính thức đưa thiết bị mới dành cho người khiếm thính ra thị trường. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, thiết bị mới này sẽ đòi hỏi người sử dụng phải làm quen và thực hành trước vài tháng để có thể sử dụng thành thục hàng ngày.

Giống … nhai kẹo cao su

Cũng giống như ốc tai điện tử, thiết bị giúp người điếc có thể nghe được bằng lưỡi của các nhà khoa học tại CSU cũng không có khả năng phục hồi thính lực của con người. Tuy nhiên, thiết bị này có thể chuyển âm thanh thành các rung động đặc trưng có thể cảm nhận được bằng lưỡi, giúp người dùng có thể nghe được chúng trong môi trường và ngôn ngữ giao tiếp thông thường. 

Cách thức hoạt động của thiết bị này cũng theo phương pháp truyền tín hiệu rung động từ môi trường bên ngoài vào thiết bị. Một tai nghe được hỗ trợ Bluetooth sẽ thu âm thanh và truyền tới các vi xử lý. Tại đây, âm thanh sẽ chuyển thành xung điện thay cho ngôn ngữ thông thường, nhưng thay vì truyền xung điện đến các dây thần kinh thính giác thì nó lại truyền tín hiệu thông tin đến thiết bị được gắn trong khoang miệng. Khi người dùng cho lưỡi chạm vào thiết bị này, các điện cực trong đó sẽ phóng các xung điện và chuyển các tín hiệu thông tin lên não. Vì vậy, trước câu hỏi liệu có bị điện giật khi sử dụng thiết bị này không, Phó giáo sư Williams cho biết, cảm giác đó chỉ giống như khi bọt champagne tan hay đang nhai kẹo nổ Pop Rocks. 

Hiện tại, mẫu thử nghiệm của thiết bị trên là khá lớn đối với miệng chúng ta. Dự kiến, các nhà khoa học sẽ cải tiến cho nó nhỏ hơn rất nhiều và có thể đặt hoàn toàn trong khoang miệng. Ưu điểm là giá của nó  chỉ khoảng 2.000 USD, rẻ hơn rất nhiều so với phương pháp cấy ghép ốc tai, vừa tốn kém lại khó tránh khỏi nguy cơ chảy máu tai. “Sử dụng thiết bị này đơn giản hơn rất nhiều so với việc cấy ghép ốc tai điện tử. Hy vọng chúng tôi sẽ giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn với chi phí phù hợp hơn”, Phó giáo sư J.Williams cho biết.