Giúp người chán sống không quẫn bách, làm liều

ANTĐ - Hàng loạt các vụ tự tử xảy ra thời gian gần đây thực sự là hồi chuông báo động về vấn đề sức khỏe tâm thần của một bộ phận người dân. Theo các chuyên gia tâm thần, xã hội càng phát triển sẽ tạo ra nhiều áp lực gây khủng hoảng cho nhiều người, dẫn đến tâm lý chán sống, muốn tự tử. 
Giúp người chán sống không quẫn bách, làm liều  ảnh 1

 1001 lý do chán sống

Ngày 19-10, tại Thanh Hóa, người mẹ buộc con trai 3 tuổi vào người rồi nhảy cầu tự tử. Trước đó 2 ngày, tại TP.HCM, một người mẹ đã dùng gối bịt mặt con gái 1 tuổi cho đến chết rồi tự tử. Còn ngày 13-10, tại Bình Dương, một phụ nữ đã tự sát cùng con gái 4 tháng tuổi. Cùng ngày, Bình Phước cũng xôn xao về vụ việc một phụ nữ đã tự sát cùng hai con (1 con 4 tuổi và 1 con 1 tuổi). Trong thư tuyệt mệnh, người mẹ đã đau lòng về việc người chồng nghi ngờ con đầu không phải là con của mình. Đứa con thứ hai bị mắc bệnh phổi mãn tính, yếu ớt, phải chạy chữa, đời sống khó khăn…

Như vậy chỉ trong vòng 1 tuần từ 13 đến 19-10, 8 người trong đó có 5 đứa trẻ phải chết theo mẹ. Còn tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ mẹ tự sát “mang theo” từ 1 đến 2 con, có người còn đang mang thai. Những đứa trẻ ngây thơ, vô tội chưa hiểu chuyện đời, đến lúc chết vẫn không biết vì sao. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc thường do gia đình khó khăn, vợ chồng lục đục, cãi cọ nhau, gia đình có người ốm yếu. Tại Hà Nội, vài ngày trước, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân một phen hoảng hốt khi một cô gái nằm gục trên sân ký túc xá. Được biết cô gái gần 30 tuổi này vốn là sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng nhiều năm vẫn không tìm được việc làm ổn định.  

Những vụ tự tử liên tiếp xảy ra khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tự tử tương đối giống nhau: vợ chồng cãi cọ, phản bội, gia đình có người ốm đau, tai nạn, kinh tế khó khăn, lao động khổ cực… Tất cả những khó khăn đó đã khiến nạn nhân bị mệt mỏi đến mức trầm cảm, tuyệt vọng và không muốn sống. Hầu hết các bà mẹ đều nghĩ khi mình chết, con nhỏ không ai chăm sóc sẽ khổ sở nên đem con “đi theo”. “Nhiều người lên án mẹ giết con rồi tự sát, sao không để con sống vì những đứa trẻ này không có tội tình gì. Nhưng nếu những người mẹ đã đủ minh mẫn nghĩ ra điều đó thì bản thân họ sẽ không tự sát” – bác sĩ Cương cho biết

Theo bác sĩ La Đức Cương, xã hội phát triển, phân cấp giàu nghèo gia tăng chính là lý do khiến nhiều người cảm thấy mình rơi xuống đáy tuyệt vọng. “Ngày trước, mọi người đều cùng thu nhập, cùng lối sống, cùng chung sở thích, còn ngày nay khi kinh tế phát triển, cuộc sống bung ra trăm hoa đua nở, khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng. Người nghèo đã chật vật để sống quay sang nhìn người giàu lại thấy ghen tị, buồn chán hơn, tâm bệnh ngày càng nặng. Đến khi có thêm các cú sốc như bệnh tật, bị phản bội, tai nạn… sẽ giống như giọt nước tràn ly, khiến họ gục ngã hoàn toàn, dẫn đến tự sát. “Người giàu dễ tìm ra lối thoát hơn vì có thể thay đổi môi trường, công việc, tìm đến các thú vui để xả stress còn người nghèo chỉ có thể than vãn, bế tắc. Đó là lý do khiến các nạn nhân tự tử thường là người nghèo, bệnh tật, học vấn thấp, đời sống khó khăn” - bác sĩ Cương nhấn mạnh. Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, tỷ lệ tự tử ở phụ nữ cũng cao gấp 3 lần nam giới vì chị em thường có tâm lý yếu đuối, an phận, ít va chạm với những mâu thuẫn xã hội nên khó đương đầu với khủng hoảng. 

Không chỉ là vấn đề cá nhân

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP) Hà Nội cho biết, khi xã hội liên tiếp xảy ra các vụ tự tử thì đó không chỉ còn là vấn đề khủng hoảng cá nhân mà đang gióng lên hồi chuông báo động về đời sống vật chất và tinh thần của một số ít người dân. Hầu hết những người tự tử đều trải qua thời gian dài trầm cảm, sống cô độc, buồn phiền, “thở” toàn giọng chán đời, tuyệt vọng nhưng người thân nghe như đàn gảy tai trâu, còn cảm thấy họ gây phiền phức, lắm điều. Thậm chí có người trước khi chết còn nhắn tin cho chồng nói vĩnh biệt, nói sẽ tự tử nhưng người chồng hết lần này đến lần khác bỏ qua, coi đó như trò đùa của bà vợ không biết an phận. Đến lúc mất vợ mất con thì hối cũng không kịp. 

Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I cũng cho biết, dấu hiệu của trầm cảm thường là buồn chán, mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, sống khép kín, thường kêu ca, than phiền về cuộc sống. Có người còn bị đau đầu, đau bụng, đau tim mà không tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu chỉ cần lắng nghe họ nói, người thân sẽ nhận ra được những dấu hiệu nguy hiểm về sự suy sụp tinh thần, cần có sự giúp đỡ. “Bất cứ lời đe dọa tự tử nào đều không phải trò đùa. Đấy là những dấu hiệu kêu cứu thảm thiết của người bệnh trầm cảm. Họ rất cần người thân, cần xã hội giúp đỡ, chia sẻ - như cái phao cứu người sắp chết đuối. Nếu như người thân vô tình, chính quyền thờ ơ, hàng xóm quay lưng thì họ sẽ càng tuyệt vọng và biến lời đe dọa thành thật” – bác sĩ Cương cho biết. 

Theo bà Vân Anh, hiện nay, người dân Việt Nam có rất ít kiến thức về sức khỏe tâm thần nên hầu như không kịp thời có biện pháp can thiệp để ngăn chặn ý định tự tử của người thân, chỉ đến khi sự việc xảy ra mới hối hận. Đã đến lúc những người có trách nhiệm cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề để đưa ra những giải pháp can thiệp kịp thời ngăn chặn tự tử. Một mặt người dân cần được tăng cường tuyên truyền để hiểu rõ về sức khỏe tâm thần, nhận biết các tình huống, trạng thái báo hiệu “nguy cơ tự tử” để có sự giúp đỡ kịp thời. Mặt khác, việc  nâng cao kỹ năng vượt qua cú sốc, nỗi đau và sự tuyệt vọng cho người bệnh, nhất là đối với những người vừa trải qua tai nạn, thiên tai, bệnh trọng, ly hôn, mất việc…

“Điều tra năm 2013 cho thấy, khoảng 14,9% dân số gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Songì điều tra sơ bộ gần đây cho thấy, con số này đã lên đến gần 20% (hơn 18 triệu người). Sự gia tăng đột biến này là do số người loạn thần về ma túy rượu, game và rối loạn hành vi, trầm cảm ngày càng gia tăng” – bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.