Giúp lớp trẻ hiểu và có hành động đúng

ANTĐ - Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy, Hội luôn khuyến khích sinh viên thể hiện tình yêu nước, yêu biển đảo quê hương, vì đây là việc làm đúng đắn. Nhưng để có thể bảo vệ lý lẽ của mình, các bạn phải hiểu một cách đầy đủ về pháp lý, lịch sử vấn đề biển đảo, hiểu và nắm rõ, Trung Quốc đã sai ở đâu, mức độ nghiêm trọng như thế nào.

Giúp lớp trẻ hiểu và có hành động đúng ảnh 1


- Trong đợt hoạt động tại đảo Phú Quốc và Thổ Chu tới đây, Hội Sinh viên Việt Nam sẽ làm gì để giáo dục cho sinh viên về biển đảo Tổ quốc? 

-  Sự kiện “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc 2014” có sự tham dự của 900 sinh viên (SV), thanh niên trên cả nước. Chúng tôi sẽ tăng cường thêm các hoạt động xã hội, thể hiện sự xung kích của SV trong cộng đồng. Trong suốt những ngày diễn ra sự kiện, SV sẽ được tham gia các trò chơi giáo dục kỹ năng, giáo dục truyền thống lịch sử, tham gia các cuộc thi giáo dục kiến thức về Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông…

- Trung ương Hội sinh viên thể hiện vai trò, trách nhiệm trước hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông như thế nào?

- Những ngày gần đây, thanh niên và nhân dân cả nước đều hướng về Biển Đông, thể hiện tình yêu nước của mình bằng những cách khác nhau. Tuy nhiên, mỗi thanh niên cần tỉnh táo, chúng ta muốn đấu tranh bằng hòa bình, lý lẽ thì phải có kiến thức, hiểu biết về pháp lý. 

Trong chương trình lần này, chúng tôi sẽ đưa khá đậm nét các kiến thức pháp lý về biển để SV nắm chắc hơn nữa về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Sẽ trang bị cho SV những kiến thức cần thiết để hiểu đúng và có những hành động đúng, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển với nhiều luồng thông tin như hiện nay.

 

- Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có tuyên bố cứng rắn về chủ quyền Biển Đông cũng như lên án hành động vi phạm của Trung Quốc. Anh nhìn nhận vấn đề như thế nào để từ đó giáo dục tới từng SV?

- Cũng như mọi công dân Việt Nam, tôi phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nếu ai có nghiên cứu, có kiến thức pháp lý… sẽ thấy, tất cả luận điểm, luận điệu Trung Quốc đưa ra đều phi lý. Tôi hết sức bất bình về việc làm này. 

Hiện, các biện pháp đấu tranh của chúng ta đều thể hiện sự phản đối quyết liệt. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Myanmar vừa qua, Thủ tướng    Nguyễn Tấn Dũng đã phản đối hành vi của Trung Quốc cũng như tỏ rõ thái độ của Việt Nam. Nhân dân cả nước những ngày qua cũng đã có nhiều hoạt động để phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc. 

- Hội Sinh viên sẽ làm gì để giúp lực lượng SV  thể hiện lòng yêu nước đúng đắn?

-  Hiện Hội Sinh viên đã triển khai tới các trường ĐH-CĐ trong cả nước, tổ chức các buổi sinh hoạt, thông tin đầy đủ cũng như định hướng cho SV hiểu đúng vấn đề, trang bị thêm kiến thức cho SV về các quy định liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. 

Còn việc thể hiện quan điểm cá nhân về tình yêu đất nước, chủ quyền biển đảo là việc làm chính đáng của mỗi SV. Chúng tôi luôn ủng hộ, khuyến khích các bạn SV thể hiện tình yêu nước đúng đắn của mình. Vì vậy, qua chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc” sắp tới,  chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn SV những thông tin cơ bản về biển đảo, tính pháp lý chủ quyền biển đảo Việt Nam… Sự kiện này khởi đầu cho hàng loạt các hoạt động của Trung ương Hội Sinh viên trong năm nay, hướng về biển đảo quê hương.

Trung Quốc “đụng đâu sai đó”

Theo luận điệu của Bắc Kinh, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 được Trung Quốc đưa đến tọa độ 15029’58’’ vĩ Bắc - 111012’06’’ kinh Đông, cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc và đó là hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí bình thường của nước này. Tuy nhiên, Điều 57, Công ước Luật Biển 1982 quy định chiều rộng vùng Đặc quyền kinh tế “không được mở rộng ra quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở”. Phù hợp với quy định của Công ước 1982, Luật Biển Việt Nam quy định cụ thể: Vùng Đặc quyền về kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài Lãnh hải Việt Nam, hợp với Lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Việt Nam không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Tri Tôn vì toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Do đó, vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 nằm sâu 80 hải lý bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi trái phép.

Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã quấy nhiễu, khiến “Trung Quốc buộc phải tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh tại hiện trường, ngăn chặn hành động quấy nhiễu của Việt Nam, để duy trì trật tự sản xuất và tác nghiệp trên biển cũng như đảm bảo an toàn hàng hải”. Họ cũng cáo buộc, tàu Việt Nam “đều được trang bị vũ khí tối tân”, trong khi tàu Trung Quốc phần lớn là dân dụng và nghiệp vụ, đang hoạt động khoan dầu rất bình thường. Tuy nhiên trên thực tế, Trung Quốc đã vu cáo trắng trợn vì chính nước này đã đưa hàng chục tàu chiến với đầy đủ vũ khí hiện đại, cùng máy bay tuần tiễu vào vùng biển của Việt Nam, tấn công tàu chấp pháp Việt Nam, trong khi phía Việt Nam luôn giữ thái độ mềm mỏng, thiện chí. Dù cáo buộc tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc nhưng phía họ không đưa ra được bất cứ chứng cứ nào.