Giúp doanh nghiệp “khỏe” lên

ANTĐ - Những ngày cuối cùng của năm, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trong tầm kiểm soát, sức mua yếu, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ tăng giá. Một số chuyên gia khuyến cáo đừng nghĩ lạm phát “trùm chăn ngủ”. Việc điều hành giá cả cần có những bước thận trọng hơn. Lạm phát thấp là quá tốt đối với đại bộ phận người dân vì bớt đi ám ảnh nỗi lo giá cả, song người hoạch định chính sách và giới chuyên gia cần theo dõi sát diễn tiến.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, lạm phát thấp là điều đáng mừng cần tiếp tục phát huy. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng khẳng định rằng, chưa có căn cứ để phải lo lắng lạm phát thấp là do tổng cầu giảm. Dẫn ra kết quả tăng trưởng âm của CPI tháng 11 vừa qua, Bộ này phân tích, lạm phát giảm chủ yếu là do tác động điều chỉnh giảm mạnh giá xăng dầu, giá gas trong nước theo giá thế giới.

Còn tình hình tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tiếp tục được cải thiện. Trong 11 tháng qua, ước tính tăng 11,1%, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 6,5%, trong khi năm 2012 và 2013 lần lượt tăng 6,3% và 5,5%. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng 11 tháng năm 2014 vẫn ở mức cao hơn các năm trước. Kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, không có biểu hiện của giảm phát. Nhìn mặt trái của điều đáng mừng lạm phát thấp, đại diện Viện Thương mại, Bộ Công thương cho rằng, CPI giảm tuy giúp cho nền kinh tế thoát khỏi nỗi lo lạm phát bùng nổ như dịp gần Tết Nguyên đán mọi năm. Song, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đây là biểu hiện của sức mua giảm, tồn kho tăng, tổng cầu của nền kinh tế phục hồi còn yếu ớt. Nếu loại trừ yếu tố giá xăng dầu, CPI giảm chủ yếu do sức mua cả năm có cải thiện nhưng không được như kỳ vọng.

Những tranh luận về hệ lụy lạm phát giảm, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, không còn quá quan trọng. Chính phủ không cần phải làm gì để tác động vào lạm phát, mà nên “rảnh tay” xây dựng cơ chế, chính sách để hướng nguồn lực vào những lĩnh vực có lợi cho phát triển kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp “khỏe” lên, tăng tổng cầu cũng như tăng sức mua của người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn sâu hơn sẽ tác động tiêu cực về thu ngân sách; dòng tiền ách tắc, nợ xấu tăng lên. Áp lực lên việc làm, thu nhập, an sinh xã hội tất yếu cũng sẽ nặng nề hơn.