Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân:

Giữa sống và chết, không thể toan tính

ANTĐ - Ngôi nhà của Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân nằm sâu trong một con ngõ trên phố Cù Chính Lan (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân), và cách không xa Bảo tàng phòng không không quân là mấy. Đón tôi từ cửa, nụ cười thân thiện của ông khiến cho tôi như cất được gánh nặng và áp lực vì “trò chuyện với “Lưỡng quốc Anh hùng”. Thế nhưng, ông vẫn không quên giao hẹn “không nói về chiến công, hãy nói cái gì khác của Phạm Tuân đi nhé”…

- PV: Thưa Trung tướng, 40 năm rồi, cảm giác “mình là người anh hùng” vẫn nguyên vẹn trong ông chứ?

- Trung tướng Phạm Tuân: Tôi vinh dự được 2 Nhà nước Việt Nam và Liên Xô phong tặng  danh hiệu cao quý này. Danh hiệu là do Nhà nước phong, còn tôi vẫn là tôi thôi chứ không phải có cái gì khác thì mới là anh hùng. 

- Thời khắc ông lái MiG 21 bắn rơi B52, ông nghĩ gì? Lúc đó ông có nghĩ tới chiến công sau này không?

- Tôi nói thật nhé! Cuộc chiến khốc liệt đó không có chỗ cho sự mơ mộng. Khi đối mặt với một sống - một chết con người ta không kịp suy nghĩ hay toan tính gì đâu. Mỗi phi công như tôi, khi bay ở trên trời chỉ nghĩ đến duy nhất một điều, phải nhằm và bắn trúng mục tiêu cho bằng được. Bay ở trên trời mà trong đầu còn vẩn vơ điều nọ điều kia thì địch bắn hạ mình từ lâu rồi. 

- Vậy còn khi chạm chân xuống đất?

- Sau trận đánh đêm 18-12, rạng sáng 19-12- 1972 chúng tôi được lệnh trở về Gia Lâm bằng ô tô, lúc đó tôi được tận mắt thấy cả Hà Nội tan hoang. Đi đến Đông Anh thì đổ nát, không còn đường mà đi nữa, đành phải quay trở về Đa Phúc để di chuyển bằng trực thăng. Khi trực thăng mở rộng vòng bay để cho chúng tôi thấy rõ hơn B52 đã khiến cả Hà Nội tang tóc như thế nào, lúc đó tôi cũng như bao đồng đội khác, căm phẫn vô cùng vì đất nước mình đang yên lành thế này, tự dưng Mỹ đến xâm lược, gieo rắc cái chết cho biết bao người dân vô tội. Trong tôi dấy lên ý nghĩ, phải trả thù cho bằng được.

- Từng bắn rơi B52, bản thân ông nhận định về B 52 thế nào, nó có ghê gớm như lời đồn đại?

- Thực ra B52 cũng giống như A320 hay Boing, nhưng được trang bị hiện đại hơn. Nếu bay ban ngày, phi công của ta phát hiện bằng mắt thường thì bắn dễ. B52 bay ở độ cao 10km, tốc độ là 900km/h. Trong khi máy bay chiến đấu của ta bay với độ cao 20km, tốc độ 2.200km/h. Bằng hai quả tên lửa, hoàn toàn có thể bắn rơi. Thế mạnh của  B52 là bay vào ban đêm, lại có khả năng gây nhiễu mạnh, bịt mắt phi công và không thể nhìn bằng rada. Cái khó nữa là bay cùng B52 còn có nhiều tốp máy bay khác. Đừng nói B52 ghê gớm, không có. Nó ghê là do vỏ bọc bằng nhiễu, và yểm hộ an toàn. 

- 40 năm trước, có lẽ ông là thần tượng của rất nhiều cô gái?

- Tôi theo Chủ nghĩa duy vật biện chứng, thần tượng là cái gì đó không có thật và tôi không thích bị gọi là thần tượng.

- Nếu ông “dị ứng” với từ “thần tượng”, thì có thể đổi lại, ông là người hùng trong trái tim rất nhiều cô gái Hà Nội thời đó?

- Nói thế thì được (cười!). Cái thời ngày xưa của tôi không giống bây giờ, không được giao lưu rộng rãi, gặp gỡ đâu. Mọi hoạt động đều phải bí mật, chúng tôi bị hạn chế tiếp xúc ở mức tối đa với bên ngoài, khi tôi bắn cháy B52, gia đình tôi còn không biết cơ mà. Thông tin không được công bố, có chăng chỉ ghi là “Phạm T bắn rơi B52”. Sau này khi trận đánh kết thúc mới được cụ thể hóa. Không ai biết thì làm gì có Phạm Tuân hotboy (cười).

- Ông từng chia sẻ trên báo chí rằng, mình là một người may mắn?

- Đúng là may mắn thật đấy. Hai năm liền, 1964 và 1965 tôi đi tuyển phi công đều trượt vì các bác sĩ bảo nhịp tim của tôi bị rối loạn. Không trúng tuyển phi công tôi đành đi học thợ máy. Thế rồi, người ta không tuyển đủ người, lại gọi thợ máy lên tuyển lại. Tôi còn nhớ rõ cái hôm đi tuyển ấy, chiều hôm trước bác sĩ điện tim bảo tôi đi về đi, vì tim có vấn đề. Sáng hôm sau tôi đến gặp vị bác sĩ đó và bảo khám lại cho tôi, lần này thì trúng. 

- Nhìn lại chặng đường đã qua, có khi nào ông nghĩ, nếu được làm lại, ông sẽ chỉnh lại một số chi tiết trong cuộc đời mình không?

- Có chứ, nhưng không phải là tất cả. Có những chi tiết không khéo, không đúng với quy luật thì mình sẽ làm khác, nghĩ khác, những ước mơ viển vông mình sẽ bỏ đi. Còn về cơ bản như việc đi tuyển phi công, được tham gia trận đánh B52, rồi trở thành nhà du hành bay vào vũ trụ thì đương nhiên tôi không muốn thay đổi rồi. Con người ta có nhiều ước mơ, ai chả muốn cao sang, được trọng vọng. Nhưng mình phải đi bằng đôi chân của mình chứ không phải nhờ vả và chạy chọt. Và tôi thì chả mơ tới những điều cao sang đó. Cứ như thế này thôi, Trung tướng là được rồi (cười).

- Và quan trọng hơn cả, trong lòng rất nhiều người Việt Nam, ông luôn là anh hùng?

- Có câu “Hữu xạ tự nhiên hương”, cái tự hào là mọi người tự yêu quý mình, chứ không thể tự ra đường vỗ ngực, tôi tốt lắm, oanh liệt lắm, rồi bắt mọi người yêu quý mình được.

- Cuộc sống hiện tại của ông thế nào, thưa Trung tướng?

- Tôi về nghỉ chế độ rồi, tròn 1 tháng nữa là đầy 5 năm. Ngoài việc làm tốt nghĩa vụ công dân, tôi nuôi chim, trồng lan, cuối tuần thì cùng anh em bạn bè đi câu cá, rồi chơi bóng bàn. 

- Ra đường còn có nhiều người nhận ra Anh hùng Phạm Tuân?

- Vẫn có nhiều người nhận ra lắm. Đó cũng là cái dở của tôi đấy (cười!).

- Con cái ông có được thừa hưởng sự nổi tiếng từ người cha của mình hay không?

- Không, con cái tôi độc lập. Chúng học hành và xin việc đều tự túc, không thích qua bố, hay nhờ vả. Chúng có tự trọng của chúng. Giống như tôi ngày xưa, bố tôi ở quê làm ruộng, tôi vẫn lên tới Trung tướng đấy thôi.

- Cho đến giờ, ông còn điều gì tiếc nuối nữa không?

- Được tham gia và có mặt trong những thời khắc quan trọng của lịch sử, được vào vũ trụ rồi, có gia đình yên ấm, đã lên chức ông ngoại rồi, giờ còn tiếc cái gì nữa nhỉ? À, tiếc là mình đã già, đã sang bên kia của đỉnh và gần xuống tới chân dốc rồi…. (cười).

- Xin cảm ơn Trung tướng về cuộc trò chuyện này!