Giữa lúc căng thẳng với Iran, Mỹ vạch hướng đàm phán với Triều Tiên

ANTD.VN - Ngày 11-6 vừa qua, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ J. Bolton đã thông báo về khả năng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Như vậy, Mỹ đã chính thức "bật đèn xanh" cho Triều Tiên về việc giải quyết vấn đề hạt nhân, tuy nhiên, liệu khả năng Hội nghị có thể diễn ra hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Hàn Quốc ủng hộ tích cực

Giới quan sát cho rằng, lợi ích của Hàn Quốc hiện tại song trùng với lợi ích của Triều Tiên khi cả hai đang cố gắng ngăn cản Tổng thống Trump sử dụng vũ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tại Hàn Quốc, chương trình hạt nhân của Triều Tiên không thu hút được sự chú ý của nhiều người dân, bởi lẽ, họ được bảo đảm rằng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ chưa ra lệnh tấn công Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay. Nếu xảy ra cuộc xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên, thì đó sẽ là sáng kiến của Mỹ. 

Người dân Hàn Quốc cho rằng, trong dài hạn, mối đe dọa chính đối với an ninh nước này có thể từ Bình Nhưỡng, nhưng hiện tại, mối nguy hiểm chính là Nhà Trắng và các quan chức có quan điểm diều hâu. Đó là lý do tại sao Tổng thống Hàn Quốc thực hiện biện pháp ngoại giao trùng với phương pháp của Chủ tịch Kim Jong-un. Seoul đang đấu tranh để thuyết phục dư luận thế giới rằng, tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ sớm được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình. Ngoài ra, truyền thông Hàn Quốc đang hướng dư luận tin rằng, vấn đề hạt nhân sẽ được giải quyết một cách êm thấm và tất cả nên kiên nhẫn chờ đợi.

Sau hội nghị APEC 2017 diễn ra vào tháng 11-2017 tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ tỏ ra rất hứng thú với Việt Nam và từng lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 vào tháng 2-2019 (Nguồn: AFP)

Một khía cạnh khác, Hàn Quốc đang tìm cách thiết lập không chỉ quan hệ chính trị, mà còn về kinh tế với Triều Tiên. Sự hợp tác này sẽ được thực hiện dưới mọi hình thức: trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua trợ cấp bởi Hàn Quốc. Giới chức Hàn Quốc tin rằng, các mối quan hệ kinh tế có thể giúp duy trì tình hình ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, hy vọng rằng Triều Tiên có đủ tiềm lực, cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế trong nước; và sẽ trở thành một người hàng xóm tốt.

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều Tiên lần 3 đã được tổ chức thành công từ ngày 18 đến 20-9-2018 ở Bình Nhưỡng. Hai miền đều mong muốn ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế cụ thể. Để thúc đẩy tiến trình trên, hai bên cần phải có những biện pháp kêu gọi các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Đồng thời, Hàn Quốc tích cực thể hiện thái độ ủng hộ hai lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tổ chức cuộc gặp tiếp theo để tiến tới ký kết thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Mỹ tìm cách tháo gỡ

Bên thứ 3 liên quan đến quá trình phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên là Mỹ. Động cơ của Mỹ khá phức tạp, có khả năng ông Trump hy vọng Triều Tiên sẽ sớm thực hiện giải trừ vũ khí hạt nhân. Bởi Tổng thống Trump đã đề cập vấn đề trên với ông Kim Jong-un với sự thấu cảm cá nhân. Hai bên thậm chí còn có kênh đàm thoại trực tiếp mà rất ít người biết tới.

Sau khi ông Trump và Kim Jong-un ký kết thỏa thuận phi hạt nhân hóa tại Singapore hồi tháng 6-2018, ông Trump đã sử dụng truyền thông ghi nhận thành quả đột phá mà ông tạo dựng, xác nhận vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cuối cùng đã được giải quyết, làm tăng uy tín và hình ảnh của ông.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (Nguồn: TASS)

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng chủ động thúc đẩy cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội vào tháng 2-2019, tuy nhiên, do một số bất đồng mà phải kết thúc mà không có một thỏa thuận nào được đưa ra. Ngay sau đó, Triều Tiên đã liên tiếp thực hiện các cuộc thử vũ khí mới, thử phản ứng của Mỹ và tìm kiếm những nhượng bộ từ Nhà Trắng. Song, cả hai đều để ngỏ "cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3" trong thời gian tới.

Trong tương lai gần, Tổng thống D. Trump có thể: một mặt, duy trì trừng phạt Triều Tiên khi nhắm tới các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên và tái bố trí lực lượng quân sự để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên. Việc tái bố trí các lực lượng quân sự của Mỹ trong khu vực còn góp phần đối phó với Trung Quốc. Mặt khác, thúc đẩy quan hệ với Triều Tiên nhằm mở ra cơ hội cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3.

Khả năng cuộc gặp Mỹ-Triều lần 3

Hồi tuần trước, phía Mỹ đã chính thức "bật đèn xanh" cho Triều Tiên về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ J. Bolton tuyên bố về khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. 

Một tín hiệu lạc quan nữa trong tiến trình cải thiện quan hệ Mỹ-Triều hướng đến giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân là việc Tổng thống Mỹ D. Trump thông báo đã nhận được bức thư mà ông gọi là "rất nồng ấm" của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào dịp kỷ niệm 1 năm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên (ngày 12-6-2018 tại Singapore). 

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chơi thử đàn bầu trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 ở Việt Nam

Dù không tiết lộ nội dung bức thư, song Tổng thống D. Trump nói rằng ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có một "mối quan hệ rất tốt", đồng thời bày tỏ lạc quan về những điều tích cực sắp tới. 

Và ngày 23-6, theo Hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên (KCNA), Chủ tịch Kim Jong-un đã nhận được một bức thư từ Tổng thống D. Trump và tỏ vẻ rất hài lòng. Việc 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gửi thư và đánh giá tích cực về nhau đã làm hé mở tia hy vọng về tiến trình đối thoại giữa hai nước về vấn đề phi hạt nhân hóa trong bối cảnh tiến trình này đã giậm chân tại chỗ suốt từ tháng 6-2018 đến nay dù Triều Tiên đã phá dỡ một nhà máy thử nghiệm hạt nhân và một cơ sở tên lửa hồi cuối năm ngoái.

Việc cả Mỹ và Triều Tiên liên tiếp thể hiện thái độ tích cực mấy ngày vừa qua, "để ngỏ" Hội nghị Thượng đỉnh lần 3, bắt nguồn từ những lý do sau:

Thứ nhất, đối với Triều Tiên, những lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hợp quốc từ năm 2016 đến nay đã gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề cho nước này. Theo đánh giá của Reuters (2-2019), trong năm 2019, Triều Tiên sẽ thiếu 1,4 triệu tấn lương thực, chưa kể tình trạng thiếu năng lượng sẽ tiếp tục làm tê liệt ngành công nghiệp, chế tạo máy móc và ngành sản xuất hàng tiêu dùng của nước này.

Ý thức được những khó khăn trên, nên trước Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 có nhiều tướng lĩnh và giới chủ doanh nghiệp đã gửi thư lên Chủ tịch Kim yêu cầu ông không tham gia Hội nghị lần này, nhưng ông vẫn tham gia. Điều này chứng tỏ, nhóm lợi ích không thể thắng được Chủ tịch Kim Jong-un về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên qua đàm phán trực tiếp với Mỹ. Đây chính là "lối thoát" duy nhất để Triều Tiên có thể phát triển kinh tế, mở cửa thị trường để thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay.

Thứ hai, đối với Mỹ, bất chấp chính sách cứng rắn của một số quan chức trong Chính phủ, Tổng thống D. Trump vẫn duy trì các kênh đối thoại song phương với nước này. Bởi vấn đề hạt nhân Triều Tiên được coi là di sản đối ngoại hàng đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ, bên cạnh việc tham gia đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Dù gặp phải nhiều ý kiến phản đối, ông Trump vẫn sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận này với Triều Tiên. Nhưng chú ý, yếu tố Trung Quốc có thể tác động đến tiến trình này trong tương lai, bởi có một số nguồn tin cho rằng, việc cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không thành công, có sự "nhúng tay" của nước này.

Việc Tổng thống Mỹ thời gian gần đây tỏ rõ thiện chí gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng với sự hỗ trợ của Hàn Quốc có thể được xem là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của các bên nhằm tháo gỡ tình thế bế tắc hiện nay, mà xa hơn nữa là tìm ra một "giải pháp đột phá" cho vấn đề Triều Tiên.

Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đến một ngày nào đó có thể sẽ được giải quyết nhưng vấn đề địa-chính trị khu vực Đông Bắc Á sẽ vẫn còn đó. Con đường phía trước còn rất dài và nhiều trắc trở, nhưng chúng ta đang nhìn thấy những khởi sắc (cải thiện quan hệ liên Triều, chính sách có phần nới lỏng của Mỹ đối với Triều Tiên), rất có thể Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 sẽ diễn ra thành công hơn, qua đó, biến những hy vọng trở thành hiện thực trong tương lai.