Giữa ký ức chiến tranh và hiện tại

ANTĐ - Sự kết hợp giữa nhà văn Chu Lai trong một kịch bản gay cấn và thấm đượm tình người cùng tài năng sân khấu của NSND Lê Hùng đã đem đến cho người xem vở kịch hấp dẫn, đề cập trực diện vấn đề xã hội nhức nhối hiện nay. Đặc biệt, sự kết hợp giữa 2 loại hình sân khấu và điện ảnh trong một vở kịch đã làm nên những khuôn hình đẹp trong vở diễn “Cuộc chiến của những người cùng chiến tuyến”.

Vở kịch được mở màn chợn rợn trong sự trở về của các linh hồn liệt sỹ

Vừa ra mắt vào ngày 4-8 tại rạp Hồng Hà, vở kịch nói “Cuộc chiến của những người cùng chiến tuyến” do tập thể nghệ sỹ của Đoàn Kịch  nói CAND biểu diễn là sự đan xen giữa những ký ức về chiến tranh, tình nghĩa đồng chí, đồng đội năm xưa và cả cuộc đấu trí đầy cam go, quyết liệt giữa những người cùng chiến tuyến năm nào. Đề tài hậu chiến không quá mới mẻ với những người cầm bút và các nhà đạo diễn sân khấu nhưng cái tài của NSND Lê Hùng là ông đã tạo nên một vở diễn có nhịp điệu hiện đại. Những vai diễn chính của vở kịch đều được giao cho những nghệ sỹ đã khẳng định tài năng như: NSƯT Nguyễn Hải đã hóa thân trong vai Đăng Quân, Tổng giám đốc tập đoàn kinh tế lớn đầy mưu mô và nham hiểm đồng thời cũng là một người lính chiến trường năm xưa, NSƯT Thúy Hiền đã hóa thân trong vai một nữ chiến sỹ công an gan dạ, gai góc là đồng đội của Đăng Quân ngày nào, giờ phải trực tiếp đối đầu với Đăng Quân trong một cuộc chiến mới.

 Còn có tên khác là  “Quyết đấu giữa sương mù”, vở kịch được mở màn với cảnh hư hư thực thực, đó là sự xuất hiện của các linh hồn liệt sỹ hiện về khi Đăng Quân có âm mưu đen tối, biến vùng đất đang yên nghỉ của hàng chục hài cốt liệt sỹ thành một khu công nghiệp. Rất đúng với phong cách dàn dựng của NSND Lê Hùng, ông thường sử dụng lớp cảnh đầu tiên với sự xuất hiện của tất cả các nhân vật trong vở kịch để giới thiệu rồi các lớp cảnh sau, ông sẽ dần dần cởi từng nút thắt. Chính vì vậy, khán giả vẫn tìm thấy mạch đi của vở kịch cho dù đó là một vở diễn phức tạp với nhiều tình tiết. Với cách dàn dựng này, Lê Hùng một lần nữa đã thành công ở “Cuộc chiến của những người cùng chiến tuyến” với sự hiện về đan xen của quá khứ trong thực tại rối ren. 

Lâu nay vốn nổi tiếng với những tác phẩm về đề tài chiến tranh và hậu chiến, trong vai trò biên kịch, nhà văn Chu Lai đã xây dựng hình ảnh một Tổng giám đốc Đăng Quân vì đồng tiền mà mờ mắt, bỏ qua mọi giá trị đạo đức và nhân cách, nhưng trong sâu thẳm Đăng Quân vẫn chưa mất hẳn tính người. Ở góc nhỏ tâm hồn, Quân vẫn còn chút đa cảm và yếu đuối. Bàn tay “phù thủy” của  NSND Lê Hùng đã tiếp nối ý tưởng này của nhà văn Chu Lai bằng việc lựa chọn nhân vật và xây dựng tình tiết kịch. Trong vở kịch vẫn có những chi tiết đầy xúc động với hình ảnh Đăng Quân ân cần, chăm sóc người chị nuôi bị mù, một chiến sỹ cộng sản năm xưa như tìm về chốn nương tựa tinh thần. Hay y vẫn nặng nghĩa với người vợ đã xuống tóc đi tu, ăn chay niệm Phật mong xóa bớt tội lỗi mà chồng đang gây ra.   

Cuộc chiến nào cũng phải đánh đổi bằng những hy sinh mất mát, nhưng cuộc chiến của những người từng là đồng đội, cùng một chiến tuyến, cái giá phải trả quá lớn, đó là đánh mất niềm tin và các giá trị đạo đức. Sức mạnh của đồng tiền đã khiến Đăng Quân, một người lính từng vào sinh ra tử sẵn sàng giẫm đạp lên các giá trị nhân bản. Thế nhưng, hắn lại gặp phải sự đối đầu quyết liệt của những người đứng về phía chính nghĩa mà đại diện là nữ chiến sỹ công an Thương Lá. Không sử dụng một cái kết có hậu, vở diễn khép lại với hình ảnh Thương Lá bị liệt trên chiếc xe lăn, còn dự án khu công nghiệp cũng chưa ngã ngũ sẽ dừng lại hay tiếp tục nhưng… Đăng Quân đã bị bắt. Cũng cần nói thêm rằng, việc sử dụng hình ảnh của điện ảnh trong dàn dựng vở không còn là một hiệu ứng nghệ thuật mới nhưng liều lượng đưa vào của vở “Cuộc chiến của những người cùng chiến tuyến” đã thật sự phát huy được hiệu quả. Cách “nêm nếm” điện ảnh vào sân khấu đã làm vở diễn liền mạch, không bị ngắt quãng trong việc chuyển cảnh và việc gợi lại quá khứ cũng dễ dàng đạt được hiệu quả như mong muốn.