Giữa hè nóng bỏng vẫn "ấm tình nghệ sĩ"

ANTD.VN - “Ấm tình nghệ sĩ” (diễn ra tối 5-6-2017 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội) đã thành công và làm nên dư chấn khó quên, khiến tôi nghĩ đến một nhận định của Emerson: “Tiêu chí đáng tin của trí tuệ chính là phát hiện kỳ tích trong bình thường”. Sự bình thường giản dị ấy là tình nghệ sĩ, một chân lý vĩ đại nhất theo cách nói của đại văn hào Nga Lev Tolstoy.

Tập thể nghệ sĩ hát ca khúc “Đường tới ngày vinh quang”

Một chương trình nghệ thuật được tổ chức bằng sự chuẩn bị rốt ráo chưa đầy 2 tuần sau khi quyết định chốt ngày để mời nghệ sĩ, thuê địa điểm, chuẩn bị đạo cụ, thiết bị sân khấu. Phóng sự về nghệ sĩ các thế hệ, video clip và thiết kế hiện đại, khói lạnh đủ màu, nghệ sĩ mặc đẹp và dàn dựng chuyên nghiệp, “Ấm tình nghệ sĩ” là một đêm diễn đẳng cấp, qua dẫn dắt của MC Thảo Vân - Lê Anh. Người đời thường nói nghệ sĩ thích bốc đồng, song chính sự cao hứng, không tính toán thiệt hơn lại là điểm mạnh để sự hào hiệp và tỏa lan vào ý tưởng, cảm xúc, giúp thăng hoa, bùng nổ. 

Đội ngũ nghệ sĩ đông đảo đã làm nên một chương trình nghệ thuật quy mô và chất lượng của sự đa dạng của các nghệ sĩ ở khắp các bộ môn nghệ thuật, sự kết hợp ở những màn diễn độc đáo. Chương trình được đầu tư nghiêm túc với nỗ lực cao, từ việc xây dựng đến lựa chọn tác phẩm, các ca sĩ chọn bài đều mang tính tự bạch và đồng cảm với nghề nghiệp của mình.

Đêm nghệ thuật xã hội hóa phủ 1.100 ghế ngồi, vé bán được không nhiều bởi chương trình chủ trương là nghệ sĩ không lấy cát-sê, tiền bán vé dành hoàn toàn cho việc ủng hộ nghệ sĩ hoàn cảnh khó khăn. Cuối chương trình, toàn thể ca sĩ mặc đồng phục áo phông trắng có hình trái tim đỏ ôm dòng chữ đỏ “Ấm tình nghệ sĩ” hát ca khúc “Đường tới ngày vinh quang” (nhạc sĩ Trần Lập), màn đồng ca của nhịp tim cộng cảm yêu thương. Họ coi việc tương trợ đồng nghiệp khó khăn như một sứ mệnh, như một nghĩa vụ của nghệ sĩ.

Tấm ân tình của những người nghệ sĩ

“Ấm tình nghệ sĩ” xuất phát từ ý tưởng khởi đầu của Xuân Bắc - một nghệ sĩ năng động, nhiều năng lượng sống và sáng tạo. Anh nghĩ ra ý tưởng gắn kết nghệ sĩ để chia sẻ, hội tụ, cùng làm chương trình gây quỹ ủng hộ nghệ sĩ già đang bệnh tật, khó khăn. Những nghệ sĩ đã qua thời hào quang đang chật vật mối lo cơm áo, ốm bệnh.

Vì thế, chương trình thể hiện tình hậu bối với tiền bối, lòng trân trọng, tri ân đến nghệ sĩ lớn tuổi, tình đồng nghiệp trao nhau thắm thiết ân cần. Tinh thần tương thân tương ái ấy được khơi lên hiếm hoi và cấp thiết trong thời buổi sự thực dụng và chóng vánh ngự trị hầu hết mọi mặt đời sống. 

Nhiệt huyết trong sáng của Xuân Bắc được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đón nhận và đồng hành. Ca sĩ ngôi sao và nghệ sĩ đương thời đều rất bận rộn, không phải ai cũng có thể mời được khi sát nút thời gian, dù cát-sê cao. Vậy mà chỉ cần có người khởi xướng, rất nhiều người trong số họ nhận lời một cách nhiệt thành, không mảy may tính toán thiệt hơn. Ban tổ chức phân chia công việc theo thế mạnh của mỗi người.

Chị Nguyễn Hoài Oanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Giới thiệu Văn hóa Nghệ thuật Đông Đô lo khâu báo chí và phát hành vé; ca sĩ Trịnh Minh Quân mời ca sĩ; NSƯT Xuân Bắc mời các nghệ sĩ sân khấu; đạo diễn Nguyễn Việt Thanh phụ trách ê-kíp sản xuất, sân khấu. Từ TP.HCM, Đàm Vĩnh Hưng là ca sĩ duy nhất tham dự đêm nhạc.

Anh bay ra Hà Nội chỉ vì chương trình này chứ không phải sự kết hợp show nào khác và ủng hộ 100 triệu đồng. Thời gian chuẩn bị gấp, Ban tổ chức chưa kịp quảng cáo, kêu gọi sâu rộng, bởi vậy, chương trình chỉ mới thu được trên 500 triệu đồng, con số còn ít so với nhiệt tâm và lực lượng nghệ sĩ, quy mô đêm diễn lẫn mong muốn đặt ra. 

Thật cảm động khi phần đầu đêm diễn, NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mời các nghệ sĩ khó khăn lên sân khấu nhận quà. Tôi nhận ra những gương mặt quen mà mình quan tâm yêu mến như NSND Trần Tiến, đã lâu không gặp thấy ông gày hẳn; người hàng xóm cùng dãy nhà tại Khu Văn công Cầu Giấy; NSND tuồng Đàm Liên, bà phải chạy thận mấy năm nay, sức khỏe và dung nhan sa sút hơn; NSƯT, diễn viên  xiếc Ngô Tuyết Hòa (dân tộc Tày), bị tai nạn khi tập nhào lộn trên không, tổn hại cơ chi khiến chị phải bỏ nghề, vĩnh viễn ngồi xe lăn, nhận 30 triệu đồng của doanh nhân Phạm Xuân Bình - Giám đốc Công ty Zinca...  

Tình nghệ sĩ ngân vang

Tình nghệ sĩ được hiểu là thứ tình sâu sắc của những con người có khả năng sống nhiều cuộc đời, của tình đồng nghiệp - thứ nghiệp đa mang, cực nhọc nhất mà thăng hoa nhất. Nghệ sĩ trước hết là con người bình thường, phải và cần có các nhu cầu đời sống căn bản thì mới đủ điều kiện phát tiết tinh thần. Chưa kể, nghệ sĩ đích thực vốn dĩ tự trọng cao với mình, với xã hội, nghĩa vụ và ý thức về hình ảnh, chịu áp lực về phong độ trước công chúng, người xem.

Nỗi lo mưu sinh, cơm áo gạo tiền hối thúc, thậm chí với không ít nghệ sĩ còn là gánh nặng. Đâu phải ai cũng được thừa kế gia tài, khả năng tháo vát và kinh doanh, có cơ hội và chớp được thời cơ để giàu có. Nghệ sĩ chân chính sống được bằng nghề của mình một cách lương thiện và chân chính luôn là điều đáng tự hào ở thời buổi bùng nổ các loại hình giải trí, cực thịnh phim truyền hình. Tuy nhiên, phía sau hào quang, màn nhung là bao phức tạp, căng thẳng, những mối lợi do quan hệ, thiệt thòi, lạc thời…

Tôi đến xem chương trình và vào hẳn cánh gà, vào hậu trường bởi không chỉ muốn thưởng thức một chương trình chất lượng cao mà còn không muốn mất cơ hội được chứng kiến tình nghệ sĩ ấm áp, thân thương, trong sáng, không mảy may thực dụng và toan tính, một cách để kích ứng chính mình và lẫn nhau.

Bởi đã là nghệ sĩ thì phải sống, vì lẽ sống trọng tình và thường trực tinh thần vì đồng đội, đồng nghiệp như nằm trong tế bào hồng cầu nhiệt huyết của nghệ sĩ chỉ chờ được gợi ý, kêu gọi, liên kết là vụt biếc, bừng xanh. Tất cả có thể làm được bằng tình yêu nghề yêu nghệ thuật, yêu khán giả và cuộc sống, đúng như kịch tác gia Pháp thế kỷ XVII lừng danh thế giới Molière (1622-1673) đã nói: “Lấy tình yêu ra khỏi cuộc sống là lấy niềm vui ra khỏi cuộc đời”.

Tôi lại nhớ đến tác phẩm có tính tự truyện “Những mảnh tình nghệ sĩ” của ông tổ Cải lương miền Bắc Sỹ Tiến (1916-1982, Giải thưởng Hồ Chí Minh 2012, Giải thưởng Đào Tấn 2016). Mới 9 tuổi, cậu bé Nguyễn Xuân Kim (tên thật của NSND Sỹ Tiến) bí mật rời nhà, xa cha mẹ, anh em ở phố Đào Duy Từ - trung tâm ăn chơi rạp hát của đất Hà thành, một mình rong ruổi vào Nam, vào đất cải lương học nghề và thành kép chính khi chưa đầy 20 tuổi ở Sài Gòn.

Ông thành hiện tượng hiếm khi lần đầu một người Hà Nội, thành ngôi sao tại đất thánh cải lương. Ông đã gặp và thành bạn của nhiều ngôi sao lớn, nghệ sĩ bậc thầy, tài danh lẫm liệt và đem cải lương ra Bắc, có công lần đầu và bền bỉ đưa quốc sử lên sân khấu bằng kịch bản của mình. Ông là tác giả lỗi lạc, đạo diễn, người thầy cải lương kiệt xuất.

“Những mảnh tình nghệ sĩ” của ông giàu tính tư liệu, sử liệu, văn học sử, cải lương sử, được viết rất lôi cuốn và cảm động. Phóng khoáng và luôn vì bạn, yêu bạn và đề cao tinh thần ấy đến mức sẵn sàng quên bản thân, nhận phần thua thiệt về mình cũng là một phần chất nổi trội của tình nghệ sĩ nơi ông...

Ban tổ chức dự kiến sẽ thực hiện tiếp “Ấm tình nghệ sĩ” tại miền Trung và miền Nam, với thành phần nghệ sĩ quê gốc của hai miền này, với mô hình nghệ sỹ 3 miền hội tụ sẽ làm nên chất lượng bất ngờ với những cảm xúc khó quên.

NSND Vũ Ngoạn Hợp - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ sĩ sân khấu đồng Trưởng Ban tổ chức chia sẻ quyết tâm muốn làm dài kỳ chương trình này, bởi nền tảng vững chắc là lực lượng nghệ sĩ sẵn sàng ủng hộ không bận tâm thù lao và còn thú vị hơn khi ông hào hứng nói: “Tôi chính thức đành rời xa sân khấu khi 44 tuổi, khi nhận chức Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Thành công với tiết mục xiếc trên con lăn, nhưng có thể diễn được nhiều tiết mục khác: nhào lộn trên sào, tung hứng, ảo thuật. Nay tuổi 58 không cho phép diễn trên con lăn, tôi vẫn diễn tốt ảo thuật và sẵn sàng trở lại sàn diễn trong chương trình “Ấm tình nghệ sĩ” lần tới”.

“Ấm tình nghệ sĩ” sẽ bền vững vang đậm, vang xa, bởi là một nghệ sĩ, tôi vẫn luôn tin vào cái đẹp chân - thiện - mỹ, hàng chiếm số đa và chiến thắng trong thế gian này. NSƯT Minh Vượng không diễn mà xuất hiện để gửi tới khán giả lời tâm sự chân thành: “Chúng tôi - những nghệ sĩ đa cảm, nhạy cảm, vui quá không ngủ được, thất bại càng không ngủ được. Chúng tôi trăn trở từng nốt nhạc, từng động tác, từng câu thoại.

Chúng tôi khác nào Kép Tư Bền nhân vật cùng tên tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Công Hoan, phải vượt nhiều khó khăn, nghịch cảnh khi lên sân khấu. Bởi băng rôn đã treo, vé đã bán thì không thể hủy lùi, không thể lên diễn uể oải, hát nửa vời, gượng gạo, hững hờ, diễn khoán cho xong. Cá sống nhờ nước, nghệ sĩ sống nhờ khán giả. Chúng tôi đối với nhau vì cái tình”. Tình nghệ sĩ cũng là tình tử tế với nghề với người xem để cùng nhau cống hiến, bền sáng.