Giữa đôi dòng nước...

ANTĐ - Mức tăng ngân sách của Bộ GD-ĐT năm 2012 chỉ hơn 5% so với 2011.  Điều này khiến các trường ĐH, CĐ cả nước đang phải đứng trước bài toán tăng hay giảm chỉ tiêu bởi  đảm bảo chất lượng thì không thể đào tạo quá tải nhưng nếu giảm chỉ tiêu tuyển sinh lại ảnh hưởng đến nguồn thu.


Lương tăng, chi phí tăng, ngân sách đứng yên 

Với công bố của Bộ GD-ĐT ngày 24-12 về dự kiến mức chi ngân sách của Bộ GD-ĐT năm 2012 là hơn 5.762 tỷ đồng, nhiều trường cho rằng dù về lý thuyết khoản chi này tăng hơn 5% so với năm trước nhưng mức phân bổ cho các trường phần lớn là giữ nguyên và điều này đồng nghĩa với giảm xuống so với năm 2011 trước mức lạm phát gần 20% như hiện nay.

Theo bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, với mức chi như vậy nhà trường sẽ gặp không ít khó khăn để đảm bảo chi lương tăng theo quy định nhà nước cùng tất cả các chi phí thường xuyên khác vốn luôn điều chỉnh tăng theo giá thị trường. Theo đó, dù vẫn được chi 10 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước nhưng số tiền này chỉ đủ chi tiêu như 8 tỷ của năm 2011. Cũng xuất phát từ mối lo này không ít trường bày tỏ lo ngại về việc sẽ bị cắt giảm nguồn thu do quy định giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy của Bộ GD-ĐT.

Cùng với việc cắt giảm 1.000 chỉ tiêu không chính quy năm 2011, ĐH Vinh phải “thắt lưng buộc bụng” để đảm bảo không giảm thu nhập của cán bộ giảng viên. Ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết hàng loạt các buổi hội thảo, bồi dưỡng  nghiệp vụ có thể cắt giảm là cắt luôn để hạn chế chi tiêu ngân sách vì số tiền cho hoạt động này mỗi năm ở trường này lên tới 3 tỷ đồng. Thay vì mức quy định chỉ tiêu đào tạo không chính quy mỗi trường duy trì ở mức 50% chỉ tiêu chính quy, ông Khoa đề xuất giữ dưới 60% chỉ tiêu hệ không chính quy để giúp các trường tăng nguồn thu.


Tiền phải đi kèm với chất

Trước các ý kiến phàn nàn về  nguồn thu của các trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định muốn đảm bảo nguồn thu thì phải nhìn về lâu dài đó là đầu tư vào chất lượng với biện pháp giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích về việc tăng quy mô quá nhanh khiến chất lượng bất ổn đã được thực tế phản hồi qua việc hàng loạt các tỉnh tuyên bố nói không với bằng tốt nghiệp tại chức, bằng tốt nghiệp trường ngoài công lập. “Xét ở khía cạnh pháp lý thì họ không đúng, nhưng ngành GD-ĐT cũng không thể bám víu vào quy định pháp luật để phê phán, mà phải nghiêm túc xem lại chất lượng sản phẩm của mình. Vì thế, việc “giảm hoặc không tăng chỉ tiêu tuyển sinh” là một trong những giải pháp để tập trung giải quyết bài toán chất lượng”- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Ông Vũ Ngọc Pi, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật công nghệ, ĐH Thái Nguyên cho biết, trường đã quyết định giảm chỉ tiêu 30% để đảm bảo chất lượng đào tạo. “Sĩ số trong lớp đại trà trước đây là 70-90 sinh viên giờ sẽ giảm xuống

50-70 sinh viên, đặc biệt với các chương trình đào tạo chất lượng cao thì sĩ số phấn đấu trong vòng 30-50 sinh viên/lớp” - ông Vũ Ngọc Pi cho biết. Ông Lê Văn Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho biết, trường này tự giảm chỉ tiêu chính quy mấy năm nay từ 3.000 xuống còn 2.800”. Mục tiêu của việc giảm chỉ tiêu là nâng chất lượng đào tạo. 

Được biết, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ GD-ĐT nghiên cứu cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước thay vì cào bằng các trường như hiện nay sẽ chia theo chất lượng đầu ra của mỗi trường để tạo tính cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống đào tạo ĐH. Bên cạnh đó, ngoài học phí hệ đào tạo đại trà thu theo quy định khung chung cả nước thì các trường được tự quyết định mức thu học phí với hệ đào tạo chất lượng cao trên cơ sở thoả thuận với người học. Đây là hướng đi nhiều trường đang tập trung vào để tạo nguồn thu và là minh chứng rõ ràng của việc nâng cao chất lượng thì sẽ hút được nhiều nguồn thu thay vì chỉ chạy theo số lượng.