Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bài phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với trọng trách người đứng đầu Nhà nước, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân khẳng định kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tích cực đóng góp cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định kiên trì kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định kiên trì kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia

Bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia

Ngay sau khi được Quốc hội trong kỳ họp bất thường thứ tư, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 2-3 bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu nhậm chức được truyền hình và phát thanh trực tiếp. Trong đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng một lần nữa khẳng định những chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng của đất nước ta.

Là người đứng đầu Nhà nước, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về mọi mặt, thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời, tích cực đóng góp cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới, trên tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khẳng định lại đường lối, chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; thường xuyên được coi trọng, không lơi lỏng bất kỳ giây phút nào và luôn gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng đất nước.

Có thể thấy, tình hình thế giới và khu vực hiện còn có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó đoán định. Bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác phát triển, cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo có thể gay gắt hơn. Suy giảm kinh tế thế giới có thể kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng gắn với đại dịch Covid-19. Các thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu diễn biến phức tạp.

Đất nước ta sau 36 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao; hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Tuy nhiên, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là những thách thức rất lớn...

Bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ lịch sử và đã trở thành quy luật tồn tại, phát triển của dân tộc ta, đó là: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”. Vì thế, bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều phải kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Cùng với việc không ngừng nâng cao tiềm lực quốc gia, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, hiện đại cùng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống, chúng ta cũng luôn coi trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Chủ động, tích cực tham gia công việc chung của thế giới

Đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đánh giá cao những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của tổ chức này. Nhiều quan chức cấp cao của Liên hợp quốc cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong các công việc chung của cộng đồng quốc tế như là một đối tác quan trọng, trong đó Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Chiến lược quản lý, chính sách và tuân thủ Catherine Pollard từng khẳng định những đóng góp tích cực trên nhiều mặt của Việt Nam cho công việc chung của Liên hợp quốc.

Để khẳng định được vị thế và uy tín quốc tế như một đối tác tích cực, trách nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế như ngày nay, Việt Nam nỗ lực bền bỉ đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, sáng kiến, tích cực, có trách nhiệm” tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191 trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, các Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện. Năm 2020, Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đã có 71 quốc gia công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Việt Nam tích cực, chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương lớn trên thế giới và khu vực. Nước ta đã gia nhập ASEAN năm 1995, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2018… Chúng ta đã đăng cai thành công các Hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2006 và 2017; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019…

Việt Nam 2 lần được bầu giữ chức Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, nhiệm kỳ 2020-2021 (nhiệm kỳ 2020-2021 đạt số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu). Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột... Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế như là một thành viên có trách nhiệm. Trong đó nổi bật nhất là Việt Nam đã cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại những khu vực xung đột, còn nhiều khó khăn. Mới đây nhất, vào tháng 2-2023, chúng ta đã cử hai đội cứu nạn cứu hộ của Quân đội và Công an tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ nạn nhân thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc tích cực đóng góp cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới góp phần tạo dựng môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia từ sớm, từ xa.