Giữ niềm tin tiêu dùng

ANTĐ - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam lên mức 6,5% và 6,6% cho năm 2016, cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra vào đầu năm nay (6,1%). Còn Ngân hàng ANZ cũng công bố, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam đã tăng 1,6 điểm, lên mức 135,3% điểm trong tháng 9, cao hơn 0,3 điểm so với cùng kỳ năm 2014. Đây là hai tổ chức luôn theo dõi từng bước phát triển của nền kinh tế Việt Nam với sự thận trọng, cân nhắc thấu đáo. Vì thế, dù chỉ nhích một vài điểm hoặc một hai phần trăm cũng là những dấu hiệu đáng tin cậy về sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô không những vẫn được duy trì mà còn trên đà khởi sắc.

Trong khi đó, điều đáng quan tâm và yên tâm, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước là, hiện nay dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng đã tăng 10,5%, bám sát mục tiêu tăng trưởng 165% của cả năm 2015. Lãi suất huy động chỉ tăng nhẹ 0,2% nên không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm. Vụ trưởng Vụ Tín dụng đánh giá, tín dụng năm nay không còn tình trạng tăng trưởng “giật cục” như các năm trước. Ngay từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã ở mức dương. Ngân hàng Nhà nước nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2015 là 13-15% và có khả năng lên 17% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Cùng với đó, nỗi ám ảnh về nợ công cũng không đến mức lo ngại, bởi theo đại diện Bộ Tài chính, nợ công cuối năm 2014 bằng 59,6% GDP, dự kiến đến cuối năm nay vào khoảng 62,3% GDP. Như vậy có thể yên tâm mức nợ công vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép không vượt quá 65% GDP. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng vừa đưa ra đánh giá, đến cuối tháng 8, toàn bộ hệ thống ngân hàng chỉ còn tỷ lệ nợ xấu 3,2% trong tổng dư nợ và phấn đấu giảm về mức dưới 3% vào cuối tháng 9 này.

Phác họa bức tranh kinh tế 9 tháng qua, có thể thấy những điểm sáng ở tầm vĩ mô có sức lan tỏa tới tầm vi mô. Rõ rệt nhất là người tiêu dùng ngày càng vững lòng tin và lạc quan về triển vọng kinh tế trong 3 tháng cuối năm và năm sau. Có tới 29% người tiêu dùng cho rằng, “túi tiền” của gia đình mình tốt hơn năm ngoái. Có 55% kỳ vọng tài chính gia đình sẽ tốt hơn vào thời điểm này năm sau. Chỉ có 6% dự đoán tình hình sẽ xấu hơn. Chỉ số niềm tin này không phải dựa trên cảm tính, nó phụ thuộc vào thể trạng của nền kinh tế, nhất là “sức khỏe” của các doanh nghiệp. 

Một Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, phải nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tiếp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân tạo lập được chỗ đứng chắc chân của hàng Việt. Đây được coi là “hòn đá tảng” giúp cho nền kinh tế Việt Nam đỡ chao đảo trước “sóng gió” hội nhập. Càng hội nhập sâu, kinh tế càng mở, mọi ngành, mọi doanh nghiệp càng phải nắm chặt tay nhau, nếu không sẽ bị dồn đến chân tường.