“Giữ nguyên mức án tử hình đối với tội phạm tham nhũng”

ANTĐ - Đó là ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội, tại phiên thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) diễn ra chiều 26-5. 

Cần thiết phải sửa Bộ luật Hình sự

Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự (TPHS) trên địa bàn Hà Nội, cũng như quan sát hoạt động của TPHS trên cả nước, cho thấy việc sửa đổi Bộ Luật hình sự (BLHS) hiện hành là rất cần thiết. Bởi lẽ, hiện đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới cần đưa vào trong BLHS, trên cơ sở đó các lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm mới có căn cứ đấu tranh, xử lý, răn đe, góp phần làm giảm TPHS.

Qua nghiên cứu, Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung quy định mới về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và thiết kế một chương riêng, đó là chương XI. Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, không nên đưa trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vào trong Dự thảo bộ luật này. Bởi lẽ, các quy định hình phạt đối với pháp nhân đều đã được quy định trong pháp luật về hành chính, luật Doanh nghiệp…

ĐBQH Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

 Về vấn đề phạm tội chưa đạt, ĐB Nguyễn Đức Chung đề nghị bỏ ý nội dung “Người chưa thành niên phạm tội chưa đạt, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội chưa đạt”. Cho rằng, quy định như trên dẫn đến xử lý không nghiêm, ĐB Nguyễn Đức Chung phân tích nếu hành vi giết người mà chưa đạt, tức là người bị hại chưa chết thì chưa phải chịu trách nhiệm hình sự là vô lý. Vì vậy, cần phải truy tố hành vi phạm tội chưa đạt, thì mới đủ sức răn đe tội phạm.

Đối với hành vi che giấu tội phạm được quy định tại dự thảo, ĐB Nguyễn Đức Chung đồng tình với dự thảo bổ sung phương án quy định: “người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp che giấu người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng chống Nhà nước XHCN Việt Nam, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, tội phạm ma túy, tội phạm về chức vụ”. ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, quy định như vậy là hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu pháp luật, và phù hợp với tâm lý, đạo đức truyền thống của người Việt Nam. 

Đối với những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Về nguyên tắc, ai ra mệnh lệnh, người đó phải chịu trách nhiệm và luật phải quy định rõ vấn đề này thì mới nâng cao được trách nhiệm của người chỉ huy đối với người thực hiện mệnh lệnh”. “Tôi nhất trí với phương án quy định là: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh, cấp trên nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” - ĐB Nguyễn Đức Chung nói.

Tạo cơ sở pháp lý trong đấu tranh phòng chống tội phạm

Liên quan đến nội dung “không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”, Dự thảo quy định: “Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, quy định tại Điều 26 Bộ luật này đối với các tội quy định tại Chương XI và Chương XXVI và các tội về tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng”, ĐB Nguyễn Đức Chung đề nghị bổ sung thêm 2 trường hợp là: giết nhiều người và khủng bố làm chết nhiều người, vì cho rằng đây là những trường hợp tội phạm đặc biệt nguy hiểm và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 

Trong phiên thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ĐB Nguyễn Đức Chung cũng đã nêu một số điểm được quy định tại các Điều, Khoản của Dự thảo luật chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm như: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật, khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ"; Cách tính thời hạn để xóa án tích có khoản quy định “Thời điểm để tính thời hạn xóa án tích kể từ ngày người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính”; Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Khái niệm chuẩn bị phạm tội; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; các tội về ma túy; Áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội và tội Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn… 


Với quan điểm những quy định nêu trên còn chưa phù hợp, ĐB Nguyễn Đức Chung đã phân tích rõ và đề nghị những phương án thay thế cụ thể, nhằm xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý trong đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

Đề nghị vấn giữ nguyên mức án tử hình đối với tội phạm tham nhũng, ĐB Nguyễn Đức Chung phân tích đối tượng phạm tội này đều có trình độ, được đào tạo bài bản và am hiểu pháp luật, nhưng vẫn phạm tội. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm để tăng tính răn đe, làm gương cho các đối tượng khác.