Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ:

Giữ nghiêm kỷ cương

ANTĐ - Một tháng kể từ thời điểm bản Dự thảo và Tờ trình Nghị định quy định “Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ” (viết tắt là dự thảo Nghị định) được Bộ Công an trình Chính phủ và lấy ý kiến đóng góp của người dân, đã có hàng trăm bài báo và hàng nghìn ý kiến trao đổi, góp ý. Phần lớn các ý kiến đều bày tỏ đồng tình sớm ban hành Nghị định nhằm bảo vệ tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Giữ nghiêm kỷ cương  ảnh 1
Cần thiết phải trao quyền phòng vệ chính đáng cho người thi hành công vụ


“Trao quyền phòng vệ chính đáng cho người thi hành công vụ”

Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khi trả lời báo chí những vấn đề xung quanh dự thảo Nghị định, đã nhấn mạnh điều này. Trung tướng Phạm Quý Ngọ khẳng định, trong tình hình gia tăng tội phạm như hiện nay, điều đó là cần thiết. 

Trước băn khoăn của dư luận có thể dẫn đến sự “lạm quyền” của lực lượng thi hành công vụ, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an phân tích, dự thảo Nghị định chỉ dùng để áp dụng cho tội phạm. Người thi hành công vụ chỉ được rút súng khi tội phạm dùng súng hay hung khí uy hiếp trực tiếp tính mạng người thi hành công vụ hoặc người dân tham gia vây bắt tội phạm. “Nhiều trường hợp tội phạm, nhất là tội phạm ma túy rất manh động; chúng dùng hung khí tấn công hoặc vũ khí bắn thẳng vào lực lượng công an. Chẳng lẽ công an chỉ được bắn chỉ thiên mà không thể nổ súng trực tiếp vào đối tượng đang uy hiếp tính mạng mình?”, Trung tướng Phạm Quý Ngọ đặt câu hỏi. 

Đồng chí Thứ trưởng khẳng định, khi có Nghị định của Chính phủ, Bộ Công an sẽ cụ thể hóa bằng các thông tư đối với từng trường hợp cụ thể khi áp dụng. Một điểm quan trọng đó là lựa chọn ai được nổ súng. Nếu là lực lượng công an thì phải được tập huấn đầy đủ từ tình huống, hoàn cảnh đến loại đối tượng tội phạm được nổ súng. Đặc biệt theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, các trường hợp nổ súng trong dự thảo Nghị định không phải là quy định mới, mà chỉ là cụ thể hóa một số điểm của điều 22 Pháp lệnh quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. “Quy định trong dự thảo Nghị định nhằm đảm bảo rõ hơn, chính xác hơn, gắn chặt quyền và trách nhiệm của người thi hành công vụ. Người thực thi nhiệm vụ cũng là công dân, nếu sử dụng súng sai mục đích, không đúng trường hợp cần thiết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nổ súng là một trong những biện pháp cuối cùng để bảo vệ tính mạng người dân, người thi hành công vụ khi bị tấn công”, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Cần thiết phải trao quyền phòng vệ chính đáng cho người thi hành công vụ

“Sống và làm theo pháp luật”

Đó là quan điểm, suy nghĩ của nhiều người dân, bạn đọc gửi đến Báo ANTĐ cũng như bày tỏ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua. 

Theo Ban soạn thảo dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ, trong 10 năm qua, cả nước đã xảy ra hơn 8.500 vụ chống người thi hành công vụ. Chỉ tính riêng trong lực lượng Công an, trong 10 năm này đã có 10 chiến sỹ công an phòng, chống ma tuý hy sinh, 40 đồng chí bị thương, 280 đồng chí bị phơi nhiễm và 7 đồng chí bị nhiễm HIV/AIDS do các đối tượng tội phạm chống người thi hành công vụ gây ra. Ngoài ra nhiều tài sản, cơ sở vật chất bị phá huỷ hoặc hư hỏng nặng…

Phân tích nguyên nhân quan trọng của tình trạng chống người thi hành công vụ trong thời gian qua, lãnh đạo Phòng Pháp luật hình sự và cải cách hành chính - Vụ Pháp chế, Bộ Công an là do chưa có quy định của pháp luật một cách đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý. Việc chống người thi hành công vụ không chỉ diễn ra đối với công an mà trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác như hải quan, thuế vụ, đặc biệt là kiểm lâm và bộ đội biên phòng.

“Về nguyên tắc, giải quyết vấn đề chống người thi hành công vụ là một quá trình chặt chẽ, với mục đích lấy phòng ngừa là chính. Đặc biệt, chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp, các biện pháp cưỡng chế cần thiết sau khi đã áp dụng các biện pháp vận động, thuyết phục người có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng không có hiệu quả”, lãnh đạo Phòng Pháp luật hình sự và cải cách hành chính nhìn nhận, và chỉ rõ, dự thảo Nghị định cũng như các quy định của pháp luật trước đó đều có quy định để ngăn chặn tình trạng lạm quyền. Hơn nữa, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể từng bước các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ trước khi người thi hành công vụ nổ súng. “Súng có thể là súng bắn đạn thật hoặc súng bắn đạn cao su. Từ trước tới nay, các cơ quan chức năng luôn huấn luyện, tập huấn kỹ càng đối với người thi hành công vụ trước khi giao súng theo quy định của pháp luật sẽ nhận biết được các căn cứ thực tế để nổ súng”, đại diện Phòng Pháp luật hình sự và cải cách hành chính trao đổi…

- “Chúng ta đang xây dựng xã hội công dân "sống và làm theo pháp luật" thì việc người không chịu làm theo pháp luật phải chịu sự chế tài của pháp luật. Đối với những đối tượng chống đối có hành vi côn đồ thì cần những biện pháp mạnh để ngăn chặn. Đó là cách hiệu quả nhất để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật”. (bạn đọc Hoàng Thái – tuoitre.vn)

- “Nghị định này là đúng và cần nhanh chóng hoàn thiện. Tình hình xã hội đã khác trước, suy thoái kinh tế và sự ảnh hưởng từ bên ngoài nên tệ nạn ngày càng nhiều. Phải cho phép người thi hành công vụ được phép bắn tội phạm chống đối”. (bạn đọc Vũ Long – vtc.vn)

- “Tại sao chúng ta khi bàn bạc về một vấn đề lớn lại không chịu hi sinh một lợi ích rất nhỏ. Thực trạng chống người thi hành công vụ ngày càng nhiều… Đó là biểu hiện của việc "nhờn luật". Cho phép nổ súng vào kẻ chống người thi hành công vụ đảm bảo 99,9% tình trạng chống người thi hành công vụ sẽ chấm dứt, trừ những kẻ không sợ chết. (bạn đọc Hà Chín – vtc.vn)