Giữ mảnh hồn làng

(ANTĐ) - Hẳn là không quá khó để nhận ra hồn làng Việt trong tranh của hoạ sĩ Lê Mai. Nhưng ông vẫn chỉ tự nhận đấy là một mảnh trong vô số những mảnh khác nhau để tạo nên một hồn làng thuần khiết. Người họa sĩ ấy  lặng lẽ tìm kiếm, lặng lẽ vẽ và có điều đặc biệt là lần nào triển lãm tranh của ông cũng lấy chung một cái tên là “mảnh hồn làng”.

Giữ mảnh hồn làng

(ANTĐ) - Hẳn là không quá khó để nhận ra hồn làng Việt trong tranh của hoạ sĩ Lê Mai. Nhưng ông vẫn chỉ tự nhận đấy là một mảnh trong vô số những mảnh khác nhau để tạo nên một hồn làng thuần khiết. Người họa sĩ ấy  lặng lẽ tìm kiếm, lặng lẽ vẽ và có điều đặc biệt là lần nào triển lãm tranh của ông cũng lấy chung một cái tên là “mảnh hồn làng”.

“Làng tôi xưa” (Lê Mai)
“Làng tôi xưa” (Lê Mai)

Tôi đến gặp họa sĩ Lê Mai trong một buổi chiều dịu mát. Trong phòng triển lãm 16 Ngô Quyền, ông ngồi đó, lặng lẽ và trầm ngâm giữa những đứa con tinh thần của mình. Trong cái ánh sáng đỏ của đèn điện, mọi thứ trở nên lung linh hơn. Trong một phút xúc động khi kể về cuộc đời mình, ông đã bật khóc, những giọt nước mắt nghẹn ngào khi hồi tưởng về quá khứ vừa hào hùng vừa bi tráng.

Là một người lính có mặt ở chiến trường ác liệt nhất Quảng Trị, chàng trai trẻ lúc đó đã thấu hiểu sự tàn khốc và ác liệt của chiến tranh. Lòng người lính trẻ quặn đau khi chính tay mình phải chôn cất những người đồng chí, đồng đội ngày hôm qua vẫn còn chuyện trò ríu ran mà nay đã ngã xuống, nằm lại nơi đây, mãi mãi không bao giờ trở về miền quê thân yêu, nơi mẹ già, người vợ trẻ đang mong ngóng.

Sự tàn khốc của chiến tranh còn hiện hữu trên chính người vợ thân yêu của ông, một thương binh bị chấn thương sọ não. Có lẽ vì thế mà, trong tất cả các cuộc triển lãm của Lê Mai, người ta luôn thấy có sự hiện hữu của mảng đề tài chiến tranh đan xen trong cái mảnh hồn làng. 

Hơn ai hết ông xót xa và đau đớn khi nhìn thấy làng quê Việt bị tàn phá, bị vỡ tung ra từng mảnh dưới sức ép bom đạn. Sự dữ dội, khốc liệt của chiến tranh đối lập hoàn toàn với khung cảnh yên bình, êm ả của nông thôn đồng bằng Bắc bộ.

Tưởng như đối lập nhau nhưng đó lại là dụng ý của tác giả. Bởi Lê Mai hiểu rằng, người lính ra đi để bảo vệ màu xanh bất diệt của làng quê và làng quê còn giữ được màu xanh ấy cũng là do sự hy sinh quả cảm của người lính.

Chính trong chiến tranh, năng khiếu về hội họa trong ông đã được bộc lộ. Không được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp nào về hội họa, nhưng Lê Mai lại vẽ một cách hết sức tự nhiên, ngẫu hứng tựa như ông sinh ra là để vẽ vậy, không có màu để vẽ, ông đã dùng bút sắt để ký họa chân dung chiến sĩ, ghi chép lại sự khốc liệt nhưng cũng đầy hoa lửa của một thời đã qua.

Người lính cầm súng năm nào, nay trở về cuộc sống hòa bình. Nhưng người họa sĩ ấy vẫn tiếp tục niềm đam mê của mình. Ông trăn trở đi kiếm tìm những mảnh hồn làng còn đang nằm lại đâu đó trên đất nước chúng ta. Có thể đó chỉ là khung cảnh của miền sơn cước hoang vu như Sapa, hay vẫn là một chiếc cầu ao quen thuộc ở đồng bằng Bắc bộ.

Ông muốn vẽ thật nhiều, lưu giữ thật nhiều hình ảnh về làng quê Việt, ông muốn sự dung dị và lung linh của cỏ cây, hoa lá lay động trong từng bức tranh của mình. Người nghệ sĩ ấy vẫn đang ngày ngày làm việc để cho ra đời những tác phẩm mang đậm hồn Việt và tất thảy đều là để giữ lấy “mảnh hồn làng”.

Phạm Thu Hương