Giữ lấy một cây di sản quý

ANTĐ - Rời không gian náo nhiệt và chật hẹp của nội đô, chúng tôi thẳng tiến về cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô để đến với thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Hình ảnh đầu tiên về thôn Dược Thượng mà chúng tôi bắt gặp là cây đa cổ thụ với bốn thân sừng sững, sum suê tỏa bóng mát rượi giữa trưa hè. 
Một người dân trong làng cho chúng tôi biết: “Cây đa tía ấy là chứng nhân lịch sử, là biểu tượng và niềm tự hào của những người dân xã Tiên Dược nói chung và thôn Dược Thượng nói riêng”.

Tìm hiểu về nguồn gốc cây đa, được biết cây đa tía của thôn Dược Thượng không phải cây của rừng tự nhiên còn sót lại mà do cha ông ngày trước trồng khi lập làng với ước mong về sự thịnh vượng trường tồn. Cây thuộc loài cây gỗ lớn, có thể cao tới 20-30m, đường kính thân đạt tới trên 200cm. Cây có vỏ nhẵn, màu xám sẫm và nâu nhạt, thịt vỏ dày tới 1cm màu vàng nhạt. Lá cây mọc đối, hình trứng, phiến lá dày nhẵn bóng, có từ 3 đến 5 gân, cuống là dài 25-35cm, hơi dẹt và có rãnh mặt trên. Trong sách giới thiệu về đặc điểm phân bố thì cây đa tía  phân bố ở Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar và Ấn Độ. Ở Việt Nam, cây phân bố tự nhiên từ Bắc vào tới Khánh Hòa. Cây ưa ánh sáng mạnh, thường mọc ven rừng, hay được trồng ven đường gân làng xóm, tái sinh tự nhiên kém. Cây có khả năng nhân giống bằng cành. Mùa ra hoa từ tháng 2 đến tháng 4, quả hình trứng ngược, khi non màu xanh, khi chín màu cam hay tím.

Theo các cụ già của làng, trước đây cây đa có tới 6 thân, gồm một thân chính và năm thân phụ do rễ đa rủ xuống. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, hai thân đã bị mục gẫy do tác động của con người, hiện cây chỉ còn 4 thân. Thân chính có đường kính 1,69m, chiều cao khoảng 25m, đường kính tán 40-50m. Trong suốt chiều dài lịch sử, cây đa vừa là điểm tựa tâm linh, chở che cho người dân Dược Thượng, vừa là một chứng nhân lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Thời địch tạm chiếm, cây đa là địa điểm của đài phát thanh xã tuyên truyền mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa là đài quan sát theo dõi mọi diễn biến của địch đóng ở đồn bốt xung quanh, vừa là nơi cất giấu tài liệu, hộp thư liên lạc bí mật cho du kích. Đặc biệt, trong những ngày tháng ác liệt của trận chiến “Điện Biên Phủ trên không”, nhân dân thôn Dược Thượng và cây đa tía của làng đã chở che cho những cán bộ chiến sỹ không quân của sân bay Đa Phúc ngày ấy. Xung quanh gốc đa người dân làm hầm tránh bom đạn, nhờ đó đã hạn chế được nhiều tổn thất, thương vong trong chiến tranh. 

Kể xong câu chuyện về những năm tháng chiến tranh ác liệt, người dân trong thôn không quên bày tỏ tâm nguyện bảo tồn và phát triển cây đa quý. Ngày 31-8, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam sẽ về xã trao Quyết định và Bằng công nhận “Cây đa tía thôn Dược Thượng là cây di sản Việt Nam”. Được biết, hiện nay người dân xã Tiên Dược đã xây dựng các văn bản cụ thể về chương trình bảo tồn cây đa tía và đưa vào nghị quyết của Chi bộ Đảng thôn Dược Thượng. Hội người cao tuổi và Hội cựu chiến binh cũng sẽ thành lập Ban quản lý di tích cây và xây dựng hương ước của thôn, trong đó có nêu những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ bảo tồn cây đa. Điều này thiết nghĩ rất có ý nghĩa trong điều kiện môi trường  Việt Nam đang bị ảnh hưởng từ những dự án phát triển kinh tế chưa tính đến yếu tố bền vững và đặc biệt là sự ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Trách nhiệm này sẽ không chỉ thuộc về riêng nhân dân xã Tiên Dược, Sóc Sơn mà sẽ là của bất kể công dân nào.