Giữ lấy chợ truyền thống

ANTĐ - Theo lệ, bây giờ tháng đôi lần tôi đi hai phiên chợ Bưởi... Đôi khi chẳng để mua bán thức gì, nhưng vẫn thích đi... Cũng như thuở nhỏ tôi cứ mong lâu lâu được theo mẹ ra chợ. Chợ như một không gian văn hóa mà ở đó, tôi có thể thu nhận được tất cả những gì mới lạ vào cái đầu óc non nớt hồn nhiên của mình… Không gian chợ là cái “sân chơi” chung cho hết thảy nhân gian, từ cụ bà hàng xén đến gã du thủ du thực, anh xẩm  mù đến ông phó cạo. 

Một góc phiên chợ Bưởi

Từ ông đồ cho chữ cuối năm - đầu năm đến những đứa trẻ tha thẩn theo mẹ.... Tôi nhớ chợ, vì đó là nơi tập hợp nhiều thứ, từ cái cách chào nhau của mẹ với các bà, các cô đi chợ đến cách mặc cả, trả giá và nhớ nhất là không gian kiến trúc của đình chợ, của những mái quán, cửa hiệu… Với tôi, nơi ấy là chốn sầm uất nhất của cả vùng và tập hợp tất cả tinh hoa cả một vùng đất. Vốn là kẻ ưa xê dịch, tôi từng có mặt ở nhiều miền đất nước. Hơn nửa đời “cơm hàng cháo chợ“, thành ra “ký ức chợ” trong tôi sâu đậm đến mức mỗi khi nghe nhắc đến siêu thị, đến trung tâm thương mại là dị ứng.  Và mỗi miền quê tôi qua, chợ là nơi tôi tìm đến như một lần khám phá, một lần chiêm ngưỡng “chân dung” của vùng quê ấy. Hầu như mọi sản vật ở mỗi vùng quê đều lấy chợ làm nơi tiêu thụ, mua bán, trao đổi.  Từ sơn hào hải vị, cho đến con tép, mớ rau rồi những thứ tưởng  rẻ rúng nhất vẫn có mặt ở chợ quê như rơm rạ, củi than... Người đi tìm đặc sản ở mỗi miền quê đều có thể vào chợ. Đôi khi không phải là cao lương mỹ vị gì nhưng cái hồn quê chứa chan trong những món quà 

giản dị. 

Dẫu có xây siêu thị hay trung tâm thương mại khắp nơi, thì xin hãy giữ lấy không gian văn hóa chợ quê như là một phần di sản Việt. Có thể mai kia chán siêu thị, ta lại muốn tìm về chợ quê nghe thảo thơm tình người, nếm món ngon quê kiểng... Bây giờ, không ít du khách đang đi tìm chợ quê. Du lịch từ đó có thể mở mang, phát triển nhờ... chợ. Hà Nội còn ngót vài trăm cái chợ quê, chợ truyền thống. Đó là một phần hồn quê, là một phần di sản cần quy hoạch bảo tồn... Chợ không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi giao lưu học hỏi, thậm chí gặp gỡ của lứa đôi: Trai khôn kén vợ chợ Đông/Gái khôn kiếm chồng ở chốn ba quân...