Giữ lại dòng chảy lịch sử văn hóa các con sông định danh cho Hà Nội (4): Hà Nội còn gì nếu tất cả các dòng sông đều “chết”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chúng ta đang mải mê phát triển đô thị, nhiều sông, ao, hồ đã bị lấp đi để nhường chỗ cho đường sá, nhà cửa, chung cư và cao ốc. Và rồi, chúng ta đang phải trả giá cho những điều đó. Hà Nội ám ảnh đến nỗi, cứ trời mưa là phố hóa thành sông. Một vài năm trước, một doanh nghiệp trong nước khi sản xuất xe máy điện đã tích hợp cả tính năng xe có thể hoạt động được trong điều kiện đường ngập nước. Rồi, khi bàn giải pháp chống úng ngập, có ý tưởng đề xuất dùng lu đựng nước - nghe qua thì đúng là chuyện hài hước. Bao nhiêu sông hồ, toàn là bấy nhiêu “túi chứa nước” tự nhiên, cân bằng sinh thái thì lần lượt lấp đi... Và nếu giữ được sông và hệ thống ao, hồ đầy đủ cho thành phố thì cần gì phải dùng lu đựng nước.
Sông Tô Lịch hiện nay chỉ là một con kênh thoát nước thải ô nhiễm. Ảnh: Lê Phước Anh

Sông Tô Lịch hiện nay chỉ là một con kênh thoát nước thải ô nhiễm. Ảnh: Lê Phước Anh

Đừng vì lợi ích 10-50 năm mà phá đi lợi ích lâu dài

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, nếu hiểu đúng về chức năng của các dòng sông, có chiến lược phát triển và gìn giữ lâu dài thì chúng ta đã có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho Hà Nội. Thế nhưng hiện tại, tài nguyên sông đang bị bỏ phí. Những dòng sông đang “chết” dần theo thời gian. “Tôi cam đoan, nếu cho lấp sông Hồng để xây nhà người ta cũng lấp để xây; nếu cho cống hóa hết sông Tô Lịch để làm bãi đỗ xe hay đường sá đi lại thì người ta cũng thực hiện. Tất cả chỉ vì lợi ích 10-50 năm mà phá đi những lợi ích lâu dài khác” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xót xa nói.

Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Đáy, ký ức của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về con sông 2 mùa nước lên - nước cạn đều vô cùng đẹp đẽ và kỳ vĩ - đó là một thế giới huyền ảo và trù phú với chim muông, côn trùng và thủy sản. Không phải tự nhiên mà cư dân sống ven các dòng sông đều phát triển hơn những vùng khác bởi đó là tuyến giao thông - giao thương quan trọng. Người xưa thường nói “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” là vậy! Ở cạnh sông luôn là lợi thế. Không phải vì ngày xưa đường bộ ít phát triển, đường hàng không chưa có, mà ngay cả ngày nay sông nước vẫn là hệ thống giao thông quan trọng.

Nói rộng ra hơn nữa, thiên nhiên luôn có ảnh hưởng, tác động đến bản sắc văn hóa của từng vùng. Vùng núi khác. Đồng bằng khác. Trung du khác. Đô thị lại càng khác. Sông cũng vậy, mỗi dòng sông đều là một vùng thiên nhiên vô cùng quan trọng, kết tinh văn hóa. Nói sâu hơn về văn hóa thì trong đó bao gồm cả tính cách, tập quán, có làng nghề, có di sản vật thể và phi vật thể. Khi “đánh mất” sông cũng là đánh mất phần tính cách sâu xa, mất dần cả đặc trưng văn hóa vùng, mọi thứ đều có thể xóa nhòa đi.

Nhiều con sông ở Hà Nội chưa già đã… “chết”

Cũng vẫn là câu hỏi: “Hà Nội sẽ ra sao nếu mất đi các dòng sông?” - nhà văn Nguyễn Việt Hà trả lời rằng: “Nếu không còn và không có sông hồ thì Hà Nội không còn là chính mình”. Cứ thử đọc lại “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ 1010 năm trước mà xem: “Được thế “Rồng cuộn - Hổ ngồi”, chính giữa Nam - Bắc - Tây - Đông, tiện nghi núi - sông - sau - trước...”. Nhà văn Nguyễn Việt Hà tự nhận mình là người hoài cổ, vì thế, nhìn bất cứ cái gì người xưa từng có, từng gìn giữ mà bây giờ bỗng chốc phôi pha thì cảm xúc luôn thấy xót xa, tiếc nuối. Chuyện làm sạch các dòng sông Hà Nội lẽ ra không phải chuyện mơ ước mà là bổn phận và nghĩa vụ. Sông, hồ là phần hồn của mảnh đất nghìn năm văn vật này, một khi nó đã không trong là do lòng người vẩn đục. Cũng tự nhận mình không phải là người lãng mạn, nhưng nhà văn Nguyễn Việt Hà nói rằng, ông tin vào sự trắng trong luôn lắng đọng ở mỗi người con Hà Nội.

“Non cao tuổi vẫn chưa già” (Thề non nước - Tản Đà). Giống như núi, sông không bao giờ già nhưng thật cay đắng phải thừa nhận, nhiều con sông ở Hà Nội chưa già đã… “chết”. Ví dụ thì nhiều, như sông Thiên Phù đã chết, dấu tích giờ chỉ còn trong các tấm bản đồ hay thám sát khảo cổ học. Sông Kim Ngưu giờ thế nào (?) Sông Lừ, sông Sét ra sao (?) Sông Nhuệ cũng “chết” dần khi sông Hồng đổi dòng cát lấp kín cửa sông (!) Mấy chục năm trước trong bài hát “Hà Tây quê lụa” của tác giả Nhật Lai vẫn điểm danh các dòng sông: “Sông Tích, sông Đà giăng lụa mênh mông”. Hà Tây giờ đã thành một phần quan trọng của Hà Nội nhưng hai bờ sông Tích còn giăng lụa mênh mông nữa không (?!).

Các con sông “biến mất” một cách tức tưởi

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến lập luận, tuy mọi sự vật, hiện tượng trên đời này đều có sinh - trụ - dị - diệt, nhưng đáng trách ở chỗ, chính con người đã can thiệp thô bạo vào tự nhiên khiến các dòng sông bị thu hẹp thậm chí “biến mất” một cách tức tưởi. Mấy ai biết rằng, hát Dô ở Liệp Tuyết bắt nguồn từ sông Tích, nhưng con sông này giờ ra sao (?) Không nói đến văn hóa, thứ bây giờ đang bị coi rẻ, chỉ nói đến mùi nồng nặc khi đi qua những con sông ô nhiễm nặng thì ít nhất mỗi người cũng có cung bậc cảm xúc khó chịu và bực tức.

Và để những dòng sông làm nên Hà Nội sống dở chết dở như hiện trạng theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến là do người ta không muốn hoặc không hiểu hết giá trị của những con sông lịch sử, văn hóa để câu thúc phải làm và làm bằng được. Đừng nói là không có kinh phí để thực hiện. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cay đắng, Hà Nội đã từng mất nhiều sông hồ, nếu mất đi thêm một vài con sông nữa thì cũng như biển có thêm một cơn mưa. Không còn các con sông thì Hà Nội vẫn tồn tại chỉ có điều, đô thị này sẽ mất đi vẻ duyên dáng, mềm mại và văn hóa truyền thống gắn liền với sông nước chỉ còn là những ghi chép ngắn ngủi trong một vài cuốn sách nào đó.

Phải biết, cần hiểu và nhớ rõ sông hồ là môi trường sống

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành nhìn nhận, Hà Nội đang thực sự phải sống chung với ngập úng vào mỗi mùa mưa. Thành phố mất bao nhiêu là tiền của, người dân thì phải chứng kiến biết bao chuyện hài hước về xử lý ô nhiễm và làm sạch sông Tô Lịch trong suốt nhiều năm qua. Việc ở đây đặt ra là mọi ứng xử đều mang tính cưỡng bức, không trả lại tự nhiên và không tôn trọng quy luật, cho nên, mới có quá nhiều thách thức như vậy. Đó còn là ứng xử của người cư trú xung quanh với dòng chảy. Sông Tô Lịch, sông Nhuệ và kể cả sông Hồng... đâu phải nơi trút rác, xả nước thải (?!). Phải biết, cần hiểu và nhớ rõ, sông hồ là môi trường sống, là “lá phổi xanh” của Hà Nội giúp cân bằng sinh thái trên mọi phương diện.

PGS.TS Bùi Minh Trí cũng cho biết thêm, đã có nhiều kinh nghiệm về bảo tồn dòng chảy của các nước trên thế giới, nhưng kỳ lạ, chúng ta không chịu học, hoặc có học cũng chỉ học vài phần - thế vẫn là chưa đủ. Ví dụ, Nhật Bản, họ luôn tôn trọng các dòng chảy cổ, đặc biệt là sông. Người ta ít có khái niệm làm biến đổi dòng sông tự nhiên, bởi lẽ, các dòng sông mang trong mình nhiều yếu tố, nếu là cư trú thì nó liên quan đến tâm linh, đời sống, nguồn nước, thiên tai, ngập úng và xử lý dòng chảy... Chúng ta kêu gọi bảo tồn văn hóa, nhưng rồi lại chỉ nhìn thấy văn hóa là đình, là chùa, là nghệ thuật truyền thống mà cao hơn văn hóa là cảnh quan môi trường - yếu tố quan trọng quyết định đến cấu trúc văn hóa, nơi khởi sinh bản sắc văn hóa thì chúng ta lại không để ý đến, thậm chí lãng quên.

Mặt sông Tô Lịch giờ phẳng lặng, có vài chỗ chảy ở cửa cống chứ không phải dòng chảy

Mặt sông Tô Lịch giờ phẳng lặng, có vài chỗ chảy ở cửa cống chứ không phải dòng chảy

Cống hóa thực sự đã “giết” các dòng sông

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành nêu ví dụ, hãy nhìn sông Hồng đi để thấy thái độ ứng xử với sông như thế nào. Đã bao lâu nay không nạo vét khơi thông dòng chảy để rồi những bãi bồi khổng lồ giữa sông ngày một phình to ra, bên lở còn mạnh hơn cả bên bồi. Sao cứ tính phương án kè sông mà không tìm cách khơi thông dòng chảy? Chuyện khơi thông dòng chảy sông Hồng trong lịch sử, ở các triều đại phong kiến từ Lý, Trần, Lê... hàng năm đều được quan tâm một cách đặc biệt - điều này còn được ghi vào chính sử hẳn hoi. Tức là, hàng năm vào trước mùa bão lũ, triều đình đều chỉ đạo các địa phương cho khơi thông dòng chảy, xử lý, gia cố đê điều. Đoạn đê chảy qua huyện nào, Quan huyện huyện đó phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm. “Chúng ta nhận ra nguy cơ của việc khai thác cát vô tội vạ nhưng hoàn toàn không tính chuyện khơi thông dòng sông. Chúng ta bàn chuyện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nhưng chưa thấy ai nói phải nạo vét. Bờ sông Hồng phía bên Bát Tràng đang sạt lở quá mạnh. Bãi bồi của sông Hồng ngày một to ra thì phải làm thế nào? Nếu nó cứ to mãi theo năm tháng thì trăm năm nữa, sông Hồng đoạn chảy qua nội thành Hà Nội có còn không? Hà Nội sẽ “chết” nếu không còn các dòng sông” - PGS.TS Bùi Minh Trí phân tích.

Ở cố đô Nara của Nhật Bản, mọi dòng chảy cổ dù to hay nhỏ đều được tôn trọng. Có lẽ một phần vì đất nước này quá nhiều thiên tai khắc nghiệt, nên họ phải gìn giữ tất thảy những gì tươi đẹp mà lịch sử, thiên nhiên ban tặng. So sánh có vẻ không được thoải mái lắm, nhưng đối với Thăng Long, Tô Lịch đặc biệt quan trọng. Trước đây, nhiều người đề xuất cống hóa sông Tô Lịch và bằng chứng là nhiều đoạn của sông Tô đã bị bê tông hàng chục năm nay rồi; đoạn chảy qua đền Đồng Cổ - Thụy Khuê cũng đã chính thức được cống hóa và hoàn thành vào những năm khoảng 2015-2016; đoạn nổi duy nhất hiện tại còn chạy dọc từ Cầu Giấy theo đường Láng ra đến Ngã Tư Sở và xuôi về phía Nam. Chuyện cống hóa thực sự đã “giết chết” các dòng sông, đơn thuần biến sông thành cống đơn giản chỉ là để thoát nuớc - đó thực sự là sai lầm trong phát triển “nóng”!

PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng, Tô Lịch thực sự phải được hồi sinh - đó là long mạch của Thăng Long - đó là dòng sông mang trong mình lịch sử văn hóa - đó là dòng chảy thời gian chứa đựng quá khứ, đời sống và trong lòng sông ấy còn có bao nhiêu bí mật lịch sử, bao nhiêu ân oán của các triều đại còn ẩn chứa.

Một con sông “chết” kéo theo một phần “cơ thể” trái đất sẽ “chết”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại rằng, trước thời điểm Hà Tây sáp nhập về Hà Nội năm 2008, ông từng nghe nói, sẽ phục hồi lại sông Đáy quê ông bằng sự đầu tư đến từ Nhật Bản. Lúc đó, ông đã tơ tưởng thật nhiều, đã mơ ước con sông thực sự sống lại cùng hình ảnh những con tàu trắng, hai tầng chở khách vào chùa Hương. Thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại đã sang thế kỷ XXI rồi, nhưng dòng sông ngày một cạn khô, tăng độ ô nhiễm và môi trường bị hủy hoại. Bao nhiêu những nhà môi trường đã lên tiếng, báo chí cũng róng riết kêu cứu, nhưng cảm giác có rất ít động thái tích cực và hiệu quả. Các dự án chỉ như “thò tay” vào Tô Lịch một vài lần như là trò chơi xong rồi… bỏ đi.

Không hết hy vọng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định, vẫn có thể cứu sống các dòng sông, vẫn có thể xử lý được tình trạng ô nhiễm hay khơi thông các đoạn sông đã từng bị lấp trước đây bởi lẽ: “Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, họ còn đào cả những con sông mới cơ mà. Tất cả phụ thuộc vào tư duy và buộc phải có cái nhìn chiến lược lâu dài. Hãy nhìn những dòng sông ở Pháp, Thụy Sĩ hay Hàn Quốc, người ta coi sông là báu vật thực sự. Bởi họ hiểu một điều, một con sông “chết” kéo theo một phần cơ thể trái đất sẽ “chết”.

* * *

Hà Nội quay lưng vào các dòng sông, ngay cả hồ Tây, một vùng văn hóa - làng nghề - cảnh quan và huyền thoại giờ cũng bị phá vỡ bởi tốc độ đô thị hóa, xây dựng nhà cửa mất kiểm soát trong suốt mấy chục năm qua. Sau khi trút tất cả những ô tạp xuống sông, vào hồ, để mặc cho sông “chết”, hồ cạn, khi có điều kiện, người Hà Nội lại nhao ra khỏi thành phố để đi tìm kiếm những dòng sông khác, vòm cây khác và không gian thở khác... Lý do đưa ra của những chuyến đi để tìm kiếm “năng lượng tích cực, để trở về thành phố ô tạp tiếp tục nhọc nhằn mưu sinh”. Đó là lỗi của ai (?!) Hà Nội đâu có lỗi gì (?!) Cay đắng (!)…

Người Hà Nội bây giờ có “mốt”, chăm sóc từng cái cây nhỏ trên “balcony” (ban công) nhà, chăm sóc hệt như những đứa con của mình vậy. Nhưng những không gian chung, những cây, những sông, những hồ, hệ thống sinh thái tự nhiên thì lại không quan tâm. Dường như người ở Hà Nội bây giờ chỉ quan đến chỉ số tăng trưởng kinh tế không nghĩ đến việc, chỉ vài chục năm nữa thôi, cái chỉ số tăng trưởng kinh tế kia sẽ dìm chỉ số tăng trưởng hạnh phúc xuống đến tận cùng. Bao nhiêu những vấn đề về xuống cấp văn hóa, môi trường ô nhiễm, ung thư, dịch bệnh… đều khởi sự từ lúc chính con người chúng ta thờ ơ với tự nhiên và làm mất cân bằng sinh thái.

Tài nguyên sông đang bị bỏ phí

“Nếu hiểu đúng về chức năng của các dòng sông, có chiến lược phát triển và gìn giữ lâu dài thì chúng ta đã có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho Hà Nội. Thế nhưng hiện tại, tài nguyên sông đang bị bỏ phí. Những dòng sông đang “chết” dần theo thời gian. Tôi cam đoan, nếu mà cho lấp sông Hồng để xây nhà người ta cũng lấp để xây, nếu cho cống hóa hết sông Tô Lịch để làm bãi đỗ xe hay đường xá đi lại thì người ta cũng làm. Tất cả chỉ vì lợi ích 10-50 năm mà phá đi những lợi ích lâu dài khác”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

Hà Nội có thể chẳng còn nguồn cội nữa

“Nếu cống hóa sông Tô Lịch, mọi thứ ở Hà Nội này có thể sẽ chẳng còn nguồn cội nữa. Vậy ai đã giết sông Tô Lịch (?) Cái này người Hà Nội phải biết rõ hơn ai hết! Một dòng sông sống tốt suốt 2.000 năm, rồi bị làm cho teo tóp cỡ 100 năm, và chết lâm sàng mới vài chục năm. Vậy chúng ta có thể cứu chữa nó được không (?) Chỉ người Hà Nội mới có thể trả lời được bằng chính nhu cầu được sống, tồn tại và phát triển một cách có ý nghĩa của chính mình. Bao nhiêu biện pháp, bao nhiêu đề án, dự án làm trong sạch rồi làm sống lại sông Tô Lịch hiện nay, đều chỉ là chữa ngọn mà thôi. Người ta đang chữa mà không quan tâm đến tiền sử bệnh lý của bản thân dòng sông Tô, tiền sử của bản thân đời sống xã hội Hà Nội, tiền sử của ngọn nguồn hệ thống thủy văn, thủy lợi cả khu vực đồng bằng sông Hồng này”.

Nhà sử học Lê Văn Lan

Đừng lãng quên các dòng sông

“Chúng ta nhận ra nguy cơ của việc khai thác cát vô tội vạ nhưng hoàn toàn không tính chuyện khơi thông dòng sông. Chúng ta bàn chuyện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng nhưng chưa thấy ai nói phải nạo vét. Bờ sông Hồng phía bên Bát Tràng đang sạt lở quá mạnh. Bãi bồi của sông Hồng ngày một to ra thì phải làm thế nào. Nếu nó cứ to mãi theo năm tháng thì 100 năm nữa, sông Hồng đoạn chảy qua nội thành Hà Nội có còn không? Hà Nội sẽ “chết” nếu không còn các dòng sông”.

PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Không có sông hồ thì Hà Nội không còn là chính mình

“Nếu không còn sông hồ thì Hà Nội không còn là chính mình. Cứ thử đọc lại “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ 1010 năm trước mà xem: “Được thế Rồng cuộn - Hổ ngồi, chính giữa Nam - Bắc - Tây - Đông, tiện nghi núi sông sau trước... Chuyện làm sạch các dòng sông Hà Nội lẽ ra không phải chuyện mơ ước mà là bổn phận và nghĩa vụ. Sông hồ là phần hồn của mảnh đất nghìn năm văn vật này, một khi nó đã không trong là do lòng người vẩn đục”.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

Văn hóa truyền thống sẽ mất

“Để những dòng sông làm nên Hà Nội “sống dở chết dở” như hiện trạng là do người ta không muốn hoặc không hiểu hết giá trị của những con sông lịch sử, văn hóa để câu thúc phải làm và làm bằng được. Đừng nói là không có kinh phí để thực hiện. Hà Nội đã từng mất nhiều sông hồ, nếu mất đi thêm một vài con sông nữa thì cũng như biển có thêm một cơn mưa. Không còn các con sông thì Hà Nội vẫn tồn tại, chỉ có điều, đô thị này sẽ mất đi vẻ duyên dáng, mềm mại và văn hóa truyền thống gắn liền với sông nước chỉ còn là những ghi chép ngắn ngủi trong một vài cuốn sách nào đó”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến