Giữ lại dòng chảy lịch sử văn hóa các con sông định danh cho Hà Nội (2): Quá khứ huy hoàng và hiện thực phũ phàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các quốc gia trên thế giới hầu hết đều đặt các con sông ở một vị trí vô cùng quan trọng. Thậm chí, sông chảy qua thành phố đều được coi là báu vật, là di sản của quốc gia. Sông tạo ra môi trường, thiên nhiên, khác biệt với những nơi không có sông. Sông làm nên sự trù phú, có những thời điểm những con sông là huyết mạch, vừa để phòng thủ, vừa để giao thương. Còn Hà Nội hiện tại thì sao? Trong quá khứ, những con sông trong nội đô đã từng là nơi bắt đầu của mọi bắt đầu. Sông là nguồn nước. Sông là nguồn sống. Nay, sông Hồng ngày một vơi cạn; sông Kim Ngưu “chết”; sông Tô Lịch đang “chết”; sông Đáy đang “chết”; sông Nhuệ đang “chết”...

Từ lúc ra đời, nét đặc trưng của Thăng Long là không gian mặt nước của hồ và các con sông. Sông, hồ đã kết tỏa và bồi đắp nên văn hóa và cảnh quan của Kinh đô. Năm 1915, khi người Pháp đã chia Hà Nội làm 8 tiểu khu và vùng nông thôn là bắt đầu hình thành rõ ràng nội đô và ngoại thành. Các phố phường Hà Nội cũng dựa trên lợi thế các con sông để giao thương, phát triển. Lúc này sông Tô Lịch là trục giao lưu văn hóa, buôn bán sản vật làng nghề ven sông vì nó là trung tâm tỏa đi các nơi như ra sông Hồng, qua sông Đáy, sông Nhuệ, Kim Ngưu.

Sông và phố nương tựa nhau để tồn tại, phát triển. Vậy mà, nay…

Toàn bộ sông Tô đoạn chảy qua trước mặt đền Đồng Cổ ngày nay đã được cống hóa

Toàn bộ sông Tô đoạn chảy qua trước mặt đền Đồng Cổ ngày nay đã được cống hóa

Các dòng sông dần “chết” thế nào (?!)

Theo sách “Việt Điện U Linh”, sông Tô Lịch mang tên một vị thủ lĩnh làng ở Hà Nội. Ông là người có nhiều công với nhân dân quanh vùng, nên khi ông mất được phong là “Long Đỗ thần” hay “Tô Lịch giang thần”. Ông được thờ ở đền Bạch Mã - một trong Tứ trấn linh thiêng của đất Thăng Long.

Tô Lịch là dòng “nghịch thủy”. Nhiều người vẫn gọi vậy bởi lẽ, thông thường nước chảy xuôi từ sông Hồng về đến sông Nhuệ, nhưng mùa lũ, nước trong đồng đổ dồn vào sông Tô Lịch, mực nước Tô Lịch cao hơn mực nước sông Hồng, nên nước sông Tô lúc này lại chảy ngược ra sông Hồng.

Hà Nội - ngay như cái tên của nó đã mang một khái niệm về các dòng sông. Từ khi rời Hoa Lư về đây, Vua Lý Công Uẩn đã xây dựng vùng đất châu thổ sông Hồng thành một kinh đô văn hiến bằng cách tận dụng địa thế của những con sông huyết mạch vừa để phòng thủ, vừa để giao thương. Ngoài sông Hồng là sông lớn thứ 2 ở Việt Nam chảy qua thành phố, Hà Nội còn có hệ thống sông hồ chằng chịt và là điểm khởi đầu của 5 con sông Nhuệ, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét. Đây là nơi bắt đầu của mọi bắt đầu...

Trước đây, sông Tô là một chi lưu của sông Hồng với hai cửa nước. Một ở phía Bắc hồ Tây và một bắt nguồn từ đoạn Chợ Gạo, chảy qua các phố Hàng Chiếu, Hàng Lược, vòng qua Phan Đình Phùng, Thụy Khuê, Bưởi rồi đổ ra sông Nhuệ...

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, người đã có nhiều công trình khảo cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội cho biết, khi Vua Minh Mạng chia lại địa giới hành chính Việt Nam năm 1831 đã lập tỉnh Hà Nội với 4 phủ. Trong đó có một phần đất Hà Nam, nhưng vùng lõi vẫn là hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận vốn là đất của Kinh thành Thăng Long xưa. Bao quanh Hà Nội là sông Hồng và sông Đáy, đến cuối thế kỷ XIX vùng lõi của tỉnh Hà Nội dù đã mất sông Thiên Phù, Kim Ngưu vì sự biến đổi của tự nhiên nhưng vẫn còn gần 400 hồ, ao lớn nhỏ, vẫn còn các con sông góp phần làm nên văn hóa của đất kinh kỳ.

Thời điểm Pháp chiếm tỉnh Hà Nội và lập thành phố Hà Nội nhượng địa, họ đã làm thay đổi tự nhiên vùng đất này. Đoạn đầu của sông Tô bị lấp để xây phố và chợ Đồng Xuân, các hồ từ Hàng Than đến Cầu Gỗ ngày nay bị lấp. Đoạn sông Tô chạy sát chân thành thời Nguyễn qua Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Võng Thị, Yên Thái bị cống hóa, bị lấp đến chợ Bưởi.

Ở phía Tây và Nam của Hà Nội cơ bản hồ, ao vẫn còn nhưng sông Lừ, sông Sét cũng bị thu hẹp. Hồ, ao Hà Nội là hồ điều hòa tự nhiên vào mùa mưa nhưng nay bị lấp mới sinh úng ngập. Trong nửa đầu thế kỷ XX, nguồn cung cấp nước cho Tô Lịch là hồ Tây. Thời điểm đó, sông Tô vẫn xanh - trong - mát - lành. Còn giờ đây, con sông thơ mộng xưa đã thành cống thoát nước thải lộ thiên quanh năm ô nhiễm trầm trọng.

Nếu như sông Hồng bồi đắp và mang lại sự sống cho mảnh đất Thăng Long và làm nên cái tên Hà Nội, thì sông Tô Lịch mang lại sự trù phú cho các làng mạc ven kinh thành, nơi có con sông chảy qua. Đặc biệt hơn nữa, trong tín ngưỡng tâm linh của người dân đất Thăng Long, thần Tô Lịch là biểu trưng của bản sắc văn hóa, chấn hưng đất nước, phục hưng văn hóa Việt...

Hà Nội vốn có hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng phần lớn đều bị ô nhiễm nặng

Hà Nội vốn có hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng phần lớn đều bị ô nhiễm nặng

Sông Tô Lịch bây giờ ra sao (?!)

Ngay từ khoảng cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước, nước sông Tô đã bắt đầu trở nên bốc mùi khó chịu, nước thải khắp nơi mặc nhiên trút - đổ - xả ra sông.

Khoảng những năm 2000, khi dòng sông cứ ngày nối ngày bị “bức tử” bởi nước thải và tù đọng, bắt đầu mới có những tiếng nói mạnh mẽ để bảo tồn “LONG - MẠCH - ĐẤT - THĂNG LONG”. Năm 2021. Tức là phải hơn 20 năm sau, nhiều dự án làm sạch nước sông mới rậm rịch được triển khai, chủ yếu ở quy mô nhỏ hoặc thí điểm. Nhưng rồi, số phận dòng sông vẫn thăng trầm và vất vả như cũ.

Năm 2008, Hà Nội phải hứng chịu một trận lũ lụt lịch sử. Cơn lũ khiến phố phường khổ sở vì ngập lụt nhiều ngày nhưng lại là cơ hội để Tô Lịch xả đi bao nhiêu tù đọng bấy lâu “giam hãm”. Nước từ hồ Tây qua cống Đõ, đổ về khiến cả dòng sông cuộn chảy, hệt như được “hồi sinh”. Người dân hai bên bờ sông hồ hởi, đổ ra câu cá, cất vó... Hình ảnh quá khứ được tái hiện. Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Lũ rút. Mưa tạnh. Tô Lịch lại trở về cảnh buồn bã cũ. Nước đen ngòm. Lờ đờ chảy. Mùi ô nhiễm bốc lên kinh khủng.

Năm 2011. Chúng tôi có dịp ghé thăm Đồng Cổ - ngôi đền có dòng sông Tô chảy qua trước mặt. Người tôi gặp là ông Hàn Tiến Nhâm, Ban Quản lý di tích đền Đồng Cổ (Thụy Khuê, Tây Hồ). Ông Nhâm lúc đó kể lại, khoảng 30 năm trước đoạn sông chảy qua đền còn trong mát lắm! Người dân vẫn còn ra bến sông giặt giũ sinh hoạt. Mỗi chiều mùa hè, trẻ con bơi lội vẫy vùng thỏa thuê. Ông Nhâm nói, rồi thở dài...

Năm 2021. Tức là 10 năm sau, vào một ngày tháng 7, chúng tôi trở lại đền Đồng Cổ. Không còn nhận ra những gì xưa cũ bởi khung cảnh thay đổi quá nhiều. Toàn bộ sông Tô đoạn chảy qua đền Đồng Cổ đã được cống hóa. 10 năm trước, hầu hết các ngôi nhà ở đây đều quay lưng vào sông thì nay, khi sông đã bị biến thành cống ngầm, thì nhà cửa lại “vui vẻ” quay mặt ra đường.

Hôm chúng tôi đến, đúng ngày rằm, nhưng đền đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Có mỗi bà Nhung - người trông nom đền từ khoảng những năm 2013 - 2014 kể lại, đoạn sông qua đền đã được cống hóa từ năm 2016. Chỉ tay ra con đường phía trước cổng đền, bà Nhung bảo, đấy chính là lòng sông xưa, giờ bên dưới là cống. Trước kia, vào được đền phải qua một cái cầu nhỏ. Nay vào đền vẫn qua cầu, nhưng là cầu bắc qua một hồ cá nhỏ. Bà Nhung giải thích, làm cái hồ bê tông nhỏ thả cá là để lấy phong thủy. Dưới hồ, dăm bảy con cá chép vàng đang bơi. Vài máy lọc nước được đặt phía dưới, chắc là để lấy oxy cho cá.

Ngược từ đền, chúng tôi quay ra cống Đõ, nơi thông thủy duy nhất giữa hồ Tây và Tô Lịch. Cửa đóng then cài, chẳng có ai. Một vài người vớt cá chết ở hồ Tây khẩu trang bịt kín mít, trèo qua rào vào bên trong cửa cống để vớt cá. Thấy chúng tôi gọi với từ ngoài để hỏi han chuyện cống, chuyện sông bèn vội vàng trèo ra, cắm cảu nói: “Không biết!”.

Những gì còn lại của sông Tô Lịch chạy dọc phố Thụy Khuê nay chỉ là một kênh nước thải ô nhiễm

Những gì còn lại của sông Tô Lịch chạy dọc phố Thụy Khuê nay chỉ là một kênh nước thải ô nhiễm

Lý do sông nối sông đồng loạt ô nhiễm (?!)

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, người luôn đau đáu với vấn đề ô nhiễm môi trường của các con sông trong nội đô cho biết, nhiều năm trước, Hà Nội đã đưa ra và thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm và làm sạch hệ thống sông hồ nội đô. Nhiều dự án, trạm xử lý nước thải đã được xây dựng, nhưng các hệ thống sông nội đô vẫn chưa được cải thiện. Bên cạnh đó, ý tưởng cống hóa các con sông nội đô còn gây nên mối lo ngại về tương lai của cảnh quan, môi trường đô thị của Thủ đô.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, để giải quyết được các vấn đề ô nhiễm, Hà Nội đã có một số giải pháp phi công trình. Đó là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật đặc thù của Thủ đô. Bên cạnh đó là công tác hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh được tăng cường, từ đó đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua kết quả thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường cũng cho thấy vẫn còn một số tồn tại. Số cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn thấp, công tác chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường chưa được thường xuyên, nghiêm túc dẫn đến nhiều hành vi vi phạm còn bị phát hiện và xử lý…

Nước thải làng nghề, nước thải phát sinh từ các bệnh viện, cơ sở y tế cũng là một trong những thách thức đối với Hà Nội khi có khoảng 7.343m3/ngày đêm. Trong khi đó mới có 18/22 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, 7/14 bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành, 37/41 bệnh viện thuộc Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, Hà Nội cũng thực hiên các giải pháp tăng cường hệ thống quan trắc tài nguyên nước. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành xây dựng Đề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó đề xuất các trạm xử lý nước thải đô thị có công suất xử lý từ 10.000m3/ngày đêm và khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp có lưu lượng nước thải phát sinh từ 1.000m3/ngày đêm phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.

Năm 2015, Hà Nội phối hợp chính quyền thành phố Amsterdam (Hà Lan) triển khai dự án cải tạo sông Tô Lịch. Tuy nhiên, do sông Tô Lịch chưa có hệ thống thu gom nước thải nên mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng chất lượng nước vẫn chưa được cải thiện. Cũng giống như số phận sông Tô Lịch, các con sông khác trong nội đô cũng theo đó mà ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Tại sao không tìm cách cứu mà lại tính đến việc xóa sổ (?!)

Trên thực tế, các giải pháp đã và đang thực hiện nhằm cải thiện ô nhiễm hệ thống sông, hồ Hà Nội vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Trong đó, việc áp dụng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Ngoài ra, hiện nay Luật Thủ đô và Luật Bảo vệ môi trường nói chung cũng chưa quy định cụ thể việc thực hiện cưỡng chế thi hành trong lĩnh vực môi trường, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo... dẫn đến quyết định xử phạt không đảm bảo tính nghiêm minh. Việc chậm ban hành và thể chế hóa các văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch từ Trung ương xuống địa phương cho phù hợp với đặc thù của Thủ đô còn chậm, dẫn tới nhiều chính sách đặc thù cho địa phương còn thiếu.

Đó là chưa nói đến những hạn chế về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật môi trường. Nhiều cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa có ý thức đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, tình trạng đổ rác thải phế thải không đúng nơi quy định làm ảnh hưởng tới nguồn nước mặt vẫn còn, nhất là phế liệu xây dựng. Thêm vào đó, nhiều dự án, chương trình, đề án được xây dựng, triển khai nhưng thiếu sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, thiếu đầu mối quản lý đủ thẩm quyền để điều phối dự án dẫn tới kết quả thực hiện không được giám sát và đánh giá đầy đủ. Việc lồng ghép vấn đề môi trường trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển, đánh giá môi trường chiến lược trong công tác quy hoạch không được chú trọng thường xuyên. Công tác bảo vệ môi trường tại nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn vướng mắc, khó khăn. Một số cụm công nghiệp hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Việc xử lý nước thải tại khu vực làng nghề rất khó khăn do các hộ sản xuất phân tán trong làng nghề, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ xen lẫn khu dân cư, hầu hết các chất thải sản xuất đều được thải chung với đường cống thoát nước sinh hoạt không qua xử lý.

Có thể nói, các giải pháp mới chỉ dừng ở mức độ làm giảm thiểu ô nhiễm chứ chưa thể đi đến việc chấm dứt ô nhiễm. Đã có ý kiến cho rằng, để chấm dứt ô nhiễm sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét… có thể kè bờ và cống hóa nhiều đoạn. Tuy nhiên, những giải pháp này cho đến nay vẫn không giải quyết được tình trạng ô nhiễm mà chỉ biến chúng thành những mương thoát nước. GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, việc cống hóa “không đơn giản là đổ bê tông, đậy nắp như bể phốt”. Việc này chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt về đường giao thông, bãi đỗ xe, nhưng không xử lý được vấn đề chính là ô nhiễm nước thải và sẽ để lại nhiều hệ lụy cho thành phố. Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội cho rằng: “Vấn đề cống hóa đã được đưa ra bàn thảo từ nhiều năm trước đây. Bốn dòng sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét chảy uốn lượn quanh thành phố là cảnh quan hiếm có, thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội. Dòng sông ô nhiễm, tại sao chúng ta không tìm cách cứu mà lại tính đến việc xóa sổ nó?”.

Nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, đô thị, các nhà văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc sư khác cũng không đồng tình việc cống hóa các dòng sông nội đô vì sự bất hợp lý và đi ngược lại quy luật của tự nhiên. Đối với Hà Nội, việc phát triển đô thị không chỉ chú trọng yếu tố cây xanh mà còn phải đặc biệt quan tâm đến cả yếu tố mặt nước. Không phải cứ quy hoạch, cứ cống hóa là xong. Cần phải trả lại vẻ tự nhiên của các dòng sông để giúp điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan môi trường và cơ hội phát triển du lịch thủy nội địa trong tương lai. Cống hóa sẽ dẫn đến triệt tiêu đi các di sản văn hóa, lịch sử của các dòng sông, diện mạo của Thủ đô. Mặc dù dự án như bê tông hóa, kè và làm đường giao thông, đường dạo, trồng cây xanh 2 bên bờ các sông đã hoàn thành, cải tạo lại hệ thống thoát nước…, tuy nhiên, các giải pháp vẫn chưa thực sự hiệu quả do chưa kết hợp đồng bộ được với công tác quản lý khác như quy hoạch đô thị, ý thức cộng đồng, các chính sách kinh tế của Nhà nước về môi trường còn hạn hẹp… Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải tạo ô nhiễm các dòng sông!

Hệ thống sông nội đô đang biến thành những “dòng sông chết”

“Tôi cùng các đồng sự đã bỏ công sức suốt năm 2020 để nghiên cứu và đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nước, đồng thời kiến nghị các giải pháp góp phần phục hồi các sông nội đô Hà Nội. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự đô thị hóa mạnh mẽ của Thủ đô dù có tác động tích cực, nhưng do bất cập trong quy hoạch, sự không đồng bộ và quan điểm phát triển thiếu bền vững, coi nhẹ bảo vệ cảnh quan môi trường nên gần như toàn bộ hệ thống sông nội đô đang biến thành những “dòng sông chết”. Chúng tôi nghiên cứu và kiến nghị các giải pháp là muốn góp thêm tiếng nói phản biện nhằm giữ gìn cho Thủ đô luôn là “Thành phố trong sông” xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ (Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam))

“Việc cống hóa “không đơn giản là đổ bê tông, đậy nắp như bể phốt”. Việc này chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt về đường giao thông, bãi đỗ xe, nhưng không xử lý được vấn đề chính là ô nhiễm nước thải và sẽ để lại nhiều hệ lụy cho thành phố”.

GS.TS Vũ Trọng Hồng (Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

“Vấn đề cống hóa đã được đưa ra bàn thảo từ nhiều năm trước đây. Bốn dòng sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét chảy uốn lượn quanh thành phố là cảnh quan hiếm có, thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội. Dòng sông ô nhiễm, tại sao chúng ta không tìm cách cứu mà lại tính đến việc xóa sổ nó?”.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội

(Còn nữa)