Giữ gìn sức khỏe cho “cú đêm”

ANTĐ - Nhiều khi do yêu cầu công việc hay thói quen sinh hoạt, có người thường xuyên dậy sớm – ngủ sớm, trong khi người khác hay thức khuya. Dù hài lòng hay không, điều chúng ta cần nhớ là phải hiểu rõ đồng hồ sinh học của bản thân, đồng thời biết cách thay đổi để thích ứng với nhu cầu của cuộc sống.

Trong mỗi người chúng ta đều có một chiếc đồng hồ sinh học do gene xác lập, bạn có thể không lên giây cót, không nghe được tiếng phát ra nhưng có thể nhận thấy ảnh hưởng của nó mỗi ngày. Đồng hồ đặc biệt đó được gọi là nhịp sinh học với chu kỳ 24 tiếng, khi hầu hết mọi người thức dậy theo ánh sáng ban ngày và đi ngủ khi trời tối, trong đó diễn ra các quá trình sinh lý học như ăn, ngủ, làm việc… 

Theo tuổi tác, nhịp sinh học của chúng ta có xê dịch chút ít. Người già, giấc ngủ càng ngắn đi nên dậy sớm hơn, còn thanh thiếu niên nhiều khả năng là “cú đêm” hơn do một phần lượng hormone trong cơ thể tăng lên cũng như các thói quen sinh hoạt, như thức khuya ôn bài. 

 Chỉ nói riêng về “dạng người buổi tối”, đây là nhóm người bị thiếu ngủ nghiêm trọng nhất so với các nhóm đối tượng khác. Như chúng ta đã biết, thiếu ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trước hết là các hoạt động hàng ngày, dẫn đến sơ suất, sai lầm hoặc tồi tệ hơn, ví dụ ngủ gật khi đang lái xe. Những “cú đêm” vì cả tuần làm việc thiếu ngủ nên cuối tuần họ cố gắng ngủ bù, thậm chỉ cả nửa ngày nếu rỗi nên họ cũng mất đi thời gian nghỉ ngơi quý giá. 

Trong một nghiên cứu năm 2012, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Wurzburg (Đức) phát hiện ra rằng, những người làm việc chủ yếu vào buổi tối có chỉ số kém hơn khi kiểm tra hoạt động của tim (như huyết áp, nhịp tim). Họ cũng có chất lượng giấc ngủ kém hơn, hút thuốc nhiều hơn, và ít hoạt động thể chất hơn những người ưa dậy sớm. Tuy nhiên, khi bị căng thẳng vào những thời điểm khác nhau trong ngày, cả 2 nhóm buổi sáng và buổi tối lại có phản ứng tương tự. Bởi thế, với những “cú đêm”, quan trọng nhất là bảo vệ giấc ngủ để không phải trả giá đắt cho việc thiếu ngủ triền miên. Ngoài ra, nên tham khảo những bước sau để thiết lập lại đồng hồ sinh học trong mỗi người:

Thoát khỏi tiếng ồn của “cú đêm”. Nhiều sinh viên phàn nàn rằng dù họ rất thích đi ngủ sớm nhưng tiếng ồn ở khu ký túc xá hay nhà trọ làm cho họ mắc kẹt trong một môi trường ồn ào mà không thể kiểm soát. Thực ra, không cần phải chịu áp lực để giống những người khác, vì nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy đi ngủ theo nhu cầu bản năng của mình. Với cha mẹ có con hay thức khuya, cố gắng nhắc nhở, thậm chí cương quyết lập môi trường yên tĩnh để con đi ngủ sớm hơn.

Sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Nhiều người thường tranh thủ buổi tối hoặc đêm để hoàn thành nốt công việc trong ngày còn dang dở. Nhưng nếu thức khuya một vài lần, bất cứ ai cũng có thể nhiễm thói quen đó. Có lẽ nhiều người cảm thấy thức khuya không ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội hay lịch trình làm việc nhưng không hẳn thế, nó sẽ khắc sâu trong bộ não của họ. Vì thế, tốt hơn hãy tổ chức, quản lý thời gian làm việc một cách hiệu quả sẽ giúp giảm áp lực làm việc về đêm.

Đừng nghĩ rằng không thể điều chỉnh được “gene” thức khuya. Muốn từ bỏ thói quen không tốt này, nên bắt đầu ngủ sớm hơn 10 phút, 20 phút, sau đó là 30-45 phút so với trước. Không nên vội vàng mà cần có đủ thời gian để giấc ngủ đến dễ dàng hơn. Theo thời gian, việc thiếu ngủ sẽ được cải thiện.