Giữ giá xăng, tăng giá điện, Tổng cục Thống kê nêu lý do

ANTD.VN - Ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng cục Thống kê chính là đơn vị khuyến nghị Liên bộ Công Thương- Tài chính không điều chỉnh giá xăng dầu trong kỳ vừa qua, để "dành cơ hội" tăng điện. 

Điều hành "giữ giá xăng, tăng giá điện" là hợp lý, tránh lạm phát kỳ vọng

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo tình hình kinh tế- xã hội quý I-2019 của Tổng cục thống kê sáng nay (29-3), bà Đỗ Thị Ngọc- Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê cho hay, ngày 20-3, giá điện tăng 8,36%, tương đương tăng 144 đồng/kWh.

Đây là mặt hàng do Nhà nước quản lý nên trước khi tăng giá, các bộ ngành đều liên hệ với Tổng cục Thống kê để đánh giá tác động.

Theo tính toán của cơ quan thống kê, việc tăng giá điện sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 tăng 0,29%. Số liệu này đã bao gồm cả tác động trực tiếp và gián tiếp.

Về giá xăng dầu, ở kỳ điều hành ngày 18-3 vừa qua, Liên bộ Công Thương - Tài chính tăng chi sử dụng quỹ bình ổn giá để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng: "Điều hành giá xăng dầu như kỳ vừa rồi là linh hoạt, không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp".

Trước nhiều thông tin trái chiều về việc giữ giá xăng dầu và tăng giá điện vừa qua, có thể dẫn đến ảnh hưởng lớn hơn lên CPI tháng 4-2019 và gây xáo trộn nhất định trên thị trường xăng dầu (như thiếu xăng RON95), ông Nguyễn Bích Lâm lý giải: "Tất cả kịch bản điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đều có sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Chúng tôi đã tính toán và nắm được lịch ghi chỉ số công tơ điện nên việc tăng giá điện vào tháng 3 sẽ không ảnh hưởng đến tháng 3".

"Nếu điều hành giá điện vào ngày 15 đến cuối tháng thì giá điện vào chỉ số giá rất ít. Ngay từ đầu năm chúng tôi đã tính tháng nào nên tăng giá dịch vụ gì, tăng bao nhiêu? Ở kỳ điều hành này, Tổng cục Thống kê đã khuyến nghị không tăng giá xăng dầu vì nếu giá xăng tăng ngày 18-3, tăng giá điện ngày 20-3 sẽ gây lạm phát kỳ vọng và tâm lý hoang mang cho người dân. Việc điều hành như vậy là tránh lạm phát kỳ vọng, tránh chi tiêu và ổn định tâm lý người dân. Kể cả nếu tăng giá xăng dầu thì CPI tháng 3 vẫn "âm" từ 0,1 đến 0,2%", ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, từ nay đến cuối năm, giá một số nhóm hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ tăng theo lộ trình. Cụ thể, giá dịch vụ y tế mới tăng được 2/4 bước; Giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa, tiền lương cơ sở... sẽ tăng.

Bên cạnh đó, do tác động của thị trường, một số mặt hàng như: lương thực, thực phẩm, du lịch, và thời tiết tiêu cực (El Nino) sẽ khiến giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng tăng, đặc biệt dịp lễ, Tết và cuối năm.

Vì vậy, cơ quan này đã khuyến nghị các Bộ, ngành về thời điểm, mức tăng của từng nhóm hàng hóa, dịch vụ, nhằm giảm tác động của giá cả. 

Dự báo từ khoảng tháng 6-2019, giá thịt lợn sẽ tăng trở lại khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế. Tổng cục Thống kê khuyến cáo không nên tăng giá hàng hóa, dịch vụ vào quý II-2019 với những mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm đạt mục tiêu kiềm chế CPI dưới 4% năm 2019 như Quốc hội giao.

Tổng cục Thống kê cho biết, so với tháng trước, CPI tháng 3-2019 giảm 0,21%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng có chỉ số giá giảm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,42%; May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; Bưu chính viễn thông giảm 0,07%; Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%; Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%.

Có 4 nhóm tăng: Giao thông tăng 2,22%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; Giáo dục tăng 0,01%.

CPI quý I-2019 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,56% so với tháng 12 năm trước.