Giữ được thăng bằng

ANTĐ - Số liệu thống kê tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm về chỉ số giá tiêu dùng, tổng mức hàng hóa bán lẻ, đang dấy lên mối lo nguy cơ giảm phát. Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, có nhiều nỗ lực, song kinh tế đang đứng trước thách thức. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hầu như đang cạn dần.

Mặc dù mức giảm CPI không lớn, chỉ có 0,06% trong tháng 5, nhưng tính chung từ đầu năm tới nay, CPI chỉ tăng 6,72% so với bình quân cùng kỳ năm 2012. Trong 5 tháng đầu năm, sức cầu vẫn yếu ớt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá cả chỉ tăng 4,8%, một mức tăng rất thấp, chưa bằng một nửa so với bình quân nhiều năm trước.

Nguyên nhân khiến CPI giảm chủ yếu do nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Đánh giá về nguy cơ giảm phát có chuyên gia kinh tế cho rằng “chưa có vấn đề gì đáng lo ngại”, bởi vì CPI giảm liền trong một quý mới được coi là “triệu chứng” giảm phát. Thế nhưng nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo đừng vì CPI thấp mà vội mừng. Các doanh nghiệp trong suốt thời gian dài vừa qua phải tăng mạnh chi phí đầu vào, nhưng do sức mua yếu nên hầu hết không tăng giá, thậm chí còn giảm giá, chấp nhận hòa vốn, thua lỗ. Khi cung cầu thị trường dần cân bằng trở lại, họ sẽ phải tìm cách đẩy giá lên. Một loạt các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu… buộc phải neo giá thời gian qua, song vẫn nằm trong lộ trình rập rình điều chỉnh dần theo giá thị trường.

Đặc biệt, từ tháng 6 thị trường  sẽ đón một lượng tiền “bơm” ra khá mạnh từ hai nguồn: gói hỗ trợ cho vay 30.000 tỷ đồng dùng để mua nhà ở xã hội và gói xử lý nợ xấu. Đó là chưa kể kế hoạch tăng trái phiếu phát hành. Chuyên gia hàng đầu của Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam nhận xét rằng, ai cũng dễ dàng nhìn thấy, tổng cầu suy giảm, nhưng chưa quan tâm đầy đủ tới tổng cung cũng sụt giảm. Thảo luận ở tổ hay trên hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra sốt ruột về sự trì trệ của nền kinh tế và cho rằng đã đến lúc không quá lo cho lạm phát để tập trung cho tăng trưởng. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, việc điều hành kinh tế lúc này như đang “trên dây”. Làm sao giữ được sự thăng bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, không nghiêng về một phía nào thì mới có thể đi hết chặng đường năm 2013. Ông chủ nhiệm cho rằng, nếu chúng ta sốt ruột mà nghiêng về tăng trưởng kinh tế, không “để mắt” tới lạm phát hoặc ngược lại, chỉ tập trung vào kiềm chế lạm phát mà không nghĩ đến tăng trưởng thì đều không ổn. Quan trọng là phải giữ được sự thăng bằng. Trong bối cảnh hiện nay phải chấp nhận một mức lạm phát có thể tương đương năm 2012 để đạt được mức tăng trưởng cao hơn 2012.

Giữ được sự thăng bằng trong điều hành kinh tế luôn là thách thức lớn với mọi quốc gia, nhất là trong bối cảnh rất khó khăn như nước ta hiện nay. Chính phủ đang hết sức nỗ lực và tích cực thúc đẩy tăng trưởng thông qua hàng loạt các giải pháp.