Giữ đầu không bị “độc”

ANTĐ - Mỗi khi đọc báo, ngó ti vi thấy những tin “sốc” lại giật mình, ghê sợ. Nghe tin đũa dùng một lần, phổ biến ở Trung Quốc có nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại, tôi bỗng thấy nơm nớp lo không biết mình đã dùng bao lần ở ngoài quán ăn.

- Yên tâm đi, nếu có ngâm tẩm, ướp đẫm hoặc pha chế loại hóa chất độc hại như gà loại thải, lục phủ ngũ tạng động vật… thì nó cũng ngấm từng ngày, từng giờ. Nói dại có “toi” thì cũng coi như hết đời.

- Nói như ông cũng chẳng khác gì nhắm mắt, bịt mũi mà ăn. Rất nhiều thứ còn độc hại hơn cả đồ ăn, đồ dùng, người ta thừa biết là “không rõ xuất xứ” mà vẫn cứ vô tư bày bán.

- Không rõ xuất xứ nhưng thừa biết nó chỉ đổ vào từ trên đầu nguồn phía Bắc với biết bao thứ độc hại, ấy vậy mà vẫn tiếp tay, nối giáo.

- Cũng chẳng nên đổ tội cho một thiểu số dân trí thấp hám lợi cao. Ngay những người đầy một bụng chữ mà vẫn “nhắm mắt” cho ra sách giáo khoa, vở tập viết cho trẻ in rành rành cờ Trung Quốc, bản đồ “thè” cả lưỡi bò 9 đoạn.

- Bây giờ ngồi ngẫm ra mới thấy cái sự đầu độc qua miếng ăn, đồ chơi, đồ dùng không đáng sợ bằng đầu độc qua đầu óc trẻ thơ.

- Bởi thế, người lớn, nhất là những người đứng đầu ngành phải tỉnh táo, luôn luôn “nâng cao cảnh giác”.

- Không thể lường hết còn bao chiêu tẩm độc khác, song quan trọng là ta phải giữ cho đầu óc không bị đầu độc.