Giữ chữ tín ngay cả với người đã mất

ANTD.VN - Là một con người ngay thẳng và chân chính thì luôn phải lấy chữ tín làm đầu.

Trung Hoa thời trước công nguyên, một chính khách tài đức của nước Ngô là Quý Trát được giao trọng trách đi viếng thăm nước Lỗ. Trên đường đi, khi đi qua nước Từ, Quý Trát thấy cuộc sống an bình thịnh vượng của dân chúng ở đây thì rất ngưỡng mộ vua nước Từ, ông bèn muốn ghé thăm để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình. Vua nước Từ cũng từ lâu đã nghe danh Quý Trát nên thấy ông ghé thăm thì rất vui mừng mở tiệc tiếp đón, hai người nói chuyện rất tâm đắc, hợp ý. Vua Từ rất thích thanh bảo kiếm mà Quý Trát mang theo bên người, mấy lần định nói mà cứ lừng khừng ngại rồi thôi.

Quý Trát là người tinh tế, chỉ nhìn ánh mắt vua Từ là hiểu, ông cũng muốn tặng thanh bảo kiếm cho vua Từ để bày tỏ lòng mến mộ nhưng chợt nghĩ rằng nhiệm vụ của ông là tới thăm vua Lỗ, mang theo bảo kiếm là một sự tôn trọng lễ tiết mà lại đem tặng vua Từ thì rất là thất lễ và bất kính với vua Lỗ. Vì vậy, Quý Trát ngồi im và trong lòng thì tự nhủ: lúc quay về nhất định ông sẽ tặng thanh bảo kiếm này cho vua Từ.

Từ biệt vua Từ, Quý Trát đến nước Lỗ, vua Lỗ cũng rất kính phục tài đức của ông nên tiếp đón chu đáo. Ở nước Lỗ hơn một năm thì Quý Trát trở về nước, trên đường trở về, ông ghé thăm vua Từ để thực hiện lời hứa với lòng mình lúc trước là tặng thanh bảo kiếm cho vua Từ nhưng thật bất ngờ, vua Từ đã tạ thế vì cơn bạo bệnh khiến cho Quý Trát vô cùng hối hận và đau khổ. Quý Trát quyết định tặng thanh bảo kiếm của mình cho người nối dõi vua Từ. Cận thần của ông can ngăn, nói vua Từ đã qua đời rồi thì thôi không phải tặng nữa bởi thanh bảo kiếm này vô cùng quý báu, không nên tặng một cách tùy tiện.

Quý Trát trả lời: “Lần trước, khi gặp vua Từ, vì phải tới nước Lỗ nên ta không tặng bảo kiếm được nhưng ta đã hứa với lòng mình rằng lúc quay về sẽ tặng ông ấy bảo kiếm. Đã hứa rồi sao có thể vì ông ấy đã mất mà lừa gạt lương tâm của mình? Hơn nữa ta là sứ giả của nước Ngô mà lại không coi trọng chữ tín, như thế thì ta còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ nữa đây?”. Quý Trát đem thanh bảo kiếm đến cho người nối dõi của vua Từ nhưng người này không nhận bởi: Không có di mệnh của vua Từ nên không dám nhận. Quý Trát liền đem thanh bảo kiếm treo lên cây liễu trước mộ của vua Từ.

Gương sống đạo đức của Quý Trát đến ngàn đời sau vẫn luôn được nhắc tới và ca ngợi, ông đã giữ chữ tín ngay cả với người đã mất, cho dù lời hứa chỉ ở trong lòng ông, người được hứa cũng không hề hay biết. Ông đã để cho hậu thế bài học lớn rằng: Là một con người ngay thẳng và chân chính thì luôn phải lấy chữ tín làm đầu.