Giữ chữ tín hàng nội

ANTĐ - Tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng hàng nội ngày càng tăng, niềm tin với hàng Việt được cải thiện trông thấy. Cách nghĩ của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ cũng thay đổi rõ rệt. Hệ thống phân phối hàng hóa ở hầu hết các địa phương hàng Việt chiếm tới 60-70%. 

Đó là những đánh giá tổng kết thành quả 5 năm cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, để giữ vững và củng cố niềm tin với người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần phải đổi mới chiến lược kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường trước khi quá muộn bởi sự “xâm lấn” ngày càng mạnh mẽ của hàng hóa nước ngoài.

Từ thực tiễn triển khai cuộc vận động trong 5 năm qua, các chuyên gia xúc tiến thương mại cũng như giới doanh nghiệp cùng nhất trí đưa ra một nguyên tắc sống còn là phải đặt người tiêu dùng ở vị trí trung tâm của mọi hoạt động kinh doanh. Việc củng cố niềm tin tiêu dùng chắc chắn giúp đem lại lợi nhuận bền vững.

Song không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng làm được điều tưởng chừng quá đơn giản này. Ngay cả những doanh nghiệp, công ty Việt Nam có uy tín, thương hiệu lớn cũng thừa nhận có được thành công là nhờ những điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại rất khó, đó là thuyết phục khách hàng tin tưởng và hài lòng với sản phẩm, dịch vụ của mình. Khách hàng trả tiền không chỉ vì giá thành sản phẩm mà còn trả cho dịch vụ mà họ đáng được hưởng.

Với người bán hàng, các chương trình khuyến mãi, đại hạ giá chỉ là một yếu tố để hấp dẫn khách hàng, điều quan trọng là “bán” cả thương hiệu và chất lượng dịch vụ. Về phía doanh nghiệp nội địa, trước hết phải giữ được chữ tín, tức là tôn trọng các quyền của người tiêu dùng và đặt quyền lợi người tiêu dùng làm mục tiêu. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số lĩnh vực dịch vụ chưa được quan tâm đúng mức như dịch vụ ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục... Cần phải có một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối bán lẻ, nhà nước và người tiêu dùng.

Thị trường nội địa đã có mặt các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia, tới đây sẽ xuất hiện thêm một loạt nhà bán lẻ tầm cỡ từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, không chỉ kêu gọi lòng yêu nước, mà phải lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Đây không chỉ là khẩu hiệu, bởi niềm tin tiêu dùng thực sự mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.