Giữ an toàn khi ra đường trong mùa mưa bão

ANTD.VN - Thời gian qua, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Hà Nội đã phải chứng kiến không ít trận mưa lớn, gây ngập cục bộ, cây đổ, chập điện... ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt của người dân.

Sáng 4-8-, Báo ANTĐ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến, với chủ đề “An toàn mùa mưa bão”, có sự góp mặt của đại diện cơ quan chức năng và các chuyên gia, để tư vấn, hỗ trợ thông tin cho người dân. Buổi giao lưu được các khách mời và độc giả đánh giá là hiệu quả và chất lượng.

Giữ an toàn khi ra đường trong mùa mưa bão ảnh 1Lái xe cần nắm rõ các điểm ngập úng để tránh mỗi khi mưa lớn

Nên đi đều chân ga để xe không bị chết máy

Trực tiếp tham dự sự kiện và trả lời các câu hỏi của độc giả có các khách mời: ông Nguyễn Đăng Thiện - Phó Trưởng ban An toàn, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội; ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; ông Nguyễn Xuân Hanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội; Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội.

Trong số những câu hỏi độc giả gửi tới buổi giao lưu, có nhiều câu hỏi thú vị, khiến các vị khách mời tham gia trả lời có những giây phút chia sẻ thoải mái, ấn tượng.

Đối với lĩnh vực giao thông trên địa bàn thành phố, do Phòng CSGT Hà Nội trực tiếp quản lý, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng cho biết, hiện nay Hà Nội có 33 điểm ngập úng, gây ảnh hưởng đến tình hình TTATGT. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm có 4 điểm; quận Ba Đình có 3 điểm; quận Đống Đa có 3 điểm; quận Hai Bà Trưng có 3 điểm; quận Long Biên, Gia Lâm có 5 điểm; quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm có 2 điểm; quận Thanh Xuân, Hà Đông có 2 điểm; huyện Thường Tín, Phú Xuyên có 4 điểm; huyện Đan Phượng, Hoài Đức có 2 điểm; Hoàng Mai, Thanh Trì có 4 điểm; huyện Đông Anh có 1 điểm.

Trong hoàn cảnh mưa ngập, ảnh hưởng lớn tới quá trình tham gia giao thông, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng chia sẻ về kinh nghiệm lái xe an toàn: “Trong thời tiết mưa bão, lái xe cần thường xuyên theo dõi qua báo đài, ti vi, dự báo thời tiết để nắm chắc khi nào thì có mưa, đoạn đường nào thường xuyên ngập lụt, từ đó chủ động lên lịch trình cụ thể cho mình trong trường hợp bất đắc dĩ phải ra ngoài đường. Khi lái xe trong lúc mưa bão, người điều khiển phương tiện nên đi chậm hơn so với tốc độ bình thường và tăng khoảng cách với xe phía trước, chú ý quan sát. Không nên tăng tốc hay điều khiển xe đột ngột chuyển hướng vì đường trơn trượt có thể làm trượt bánh dẫn đến mất lái”.

“Trong quá trình đi, người điều khiển phương tiện nên bật đèn pha để quan sát tốt hơn và để cho các xe khác cũng dễ dàng nhận ra xe  của mình, tránh va chạm không đáng có khi tầm nhìn bị hạn chế. Tuyệt đối tránh đi sát xe tải, xe container hoặc xe buýt để tránh bị tạt nước vào kính chắn gió, thậm chí tốc độ gió, cộng hưởng với sóng, nước trên đường sẽ khiến người điều khiển phương tiện bị mất lái, hạn chế tầm nhìn, không chủ động về tốc độ. Đi đúng phần đường của mình để đề phòng va chạm với xe khác. Không nên phanh gấp, nên đi đều chân ga. Đây cũng là cách để tránh cho xe khỏi bị ngập nước và chết máy. Nếu ở những đoạn đường có vũng nước lớn, hãy quan sát những phương tiện phía trước làm chuẩn để bám, nhưng nhớ luôn giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe tốt nhất có thể”, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng cho biết thêm.

Giữ an toàn khi ra đường trong mùa mưa bão ảnh 3Buổi giao lưu trực tuyến được đánh giá là hiệu quả và chất lượng

Phát hiện vấn đề bất thường báo ngay cho cơ quan chức năng

Trong khi đó, ở lĩnh vực thoát nước, vấn đề được quan tâm nhất là khả năng kết nối, cung cấp thông tin cho người dân về các điểm ngập úng nặng, bất ngờ, khi xuất hiện mưa lớn.

Về vấn đề này, ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho hay: “Thực hiện chủ trương tin học hóa của thành phố, hiện Công ty đã chủ động số hóa GIS hệ thống thoát nước khu vực nội thành; hoàn thành việc đo đạc, khảo sát, khôi phục hồ sơ hệ thống thoát nước các thị trấn, quốc lộ, tỉnh lộ do thành phố quản lý. Công ty cũng đã lắp đặt các trạm đo mưa, đo mực nước tự động trên địa bàn toàn thành phố để theo dõi, điều hành theo thời gian thực tại Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước (với 41 trạm đo mưa, 29 điểm đo mực nước…). Được phép của UBND thành phố, Công ty đã cấp các thông tin trực tuyến về lượng mưa, điểm úng ngập ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông trên địa bàn các quận tại cổng thông tin điện tử của thành phố. Mọi người dân đều có thể dễ dàng cập nhật tra cứu và sử dụng khi di chuyển khi mưa, bão”. 

Bên cạnh đó, ông Lê Vũ Quảng  Sương cũng lưu ý, Công ty Thoát nước Hà Nội có trách nhiệm duy tu, duy trì đảm bảo hệ thống thoát nước TP, khi có sự cố về thoát nước, người dân có thể liên hệ trực tiếp qua đường dây nóng theo số điện thoại 024.39746225 hoặc 024.39742245. “Công ty sẽ cử nhân viên kiểm tra và hỗ trợ người dân giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, đề nghị người dân lưu ý, Công ty chỉ xử lý sự cố bên ngoài công trình, không thông tắc bồn cầu, hệ thống thoát nước bên trong nhà... Ngoài số điện thoại nêu trên, Công ty không dán quảng cáo, cũng không đăng báo... về các dịch vụ thông tắc cống, bồn cầu... Tất cả thông tin đó đều là giả mạo, mạo danh công ty”, ông Lê Vũ Quảng Sương khẳng định.

Đối với lĩnh vực cây xanh, vấn đề được quan tâm nhất là khi người dân phát hiện các cây có khả năng gãy, đổ, thì có thể liên hệ như thế nào để xử lý, ông Nguyễn Xuân Hanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, cho biết: “Trong trường hợp người dân phát hiện cây xanh sâu mục có nguy cơ gãy đổ khi gặp mưa lớn thì liên hệ trực tiếp với Công ty Cây xanh theo số điện thoại đường dây nóng 024.39764540. Công ty sẽ cho người xuống kiểm tra, khảo sát và có biện pháp xử lý phù hợp. Người dân không được tự ý xâm hại, chặt hạ cây xanh dưới bất kỳ hình thức nào. Việc chặt hạ, xử lý cây xanh thuộc cơ quan chuyên môn, có đầy đủ năng lực như có công nhân chuyên môn có kỹ thuật, kinh nghiệm và được trang bị thiết bị đầy đủ”.

Đối với lĩnh vực điện lực, người dân tỏ ra quan tâm tới vấn đề rò điện trong gia đình hoặc ở nơi công cộng, khi xảy ra tình trạng mưa ngập, ông Nguyễn Đăng Thiện - Phó Trưởng ban An toàn, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, cho hay: “Đối với những trường hợp rò rỉ điện là rất nguy hiểm, khách hàng không có chuyên môn thì không nên tự ý sửa chữa, hãy gọi cho chúng tôi theo đường dây nóng của Tổng công ty điện lực Hà Nội là 19001288, hoặc có thể gọi điện trực tiếp cho công ty điện lực quản lý trên địa bàn, chúng tôi sẽ cử nhân viên đến hỗ trợ xử lý trong thời gian nhanh nhất. Ở nơi công cộng, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội hàng năm đều ra thông báo chỉ đạo các công ty điện lực rà soát kiểm tra nối đất, nối không, biển báo, nâng cao trình các tủ piner… lên phương án cắt điện các khu vực trũng thấp khi xảy ra ngập úng, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra thực địa tại hiện trường, đặc biệt quan tâm tại các điểm đen úng ngập khi có mưa lớn”.

Kết thúc buổi giao lưu, thay mặt các khách mời tham gia sự kiện, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng bày tỏ lời cảm ơn đối với Báo ANTĐ cùng các độc giả quan tâm. Thượng tá Nguyễn Văn Tòng chia sẻ: “Tôi đánh giá cao Báo ANTĐ đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến này. Đây là sự kiện rất ý nghĩa, cung cấp đến bạn đọc những thông tin hữu ích. Tôi cũng mong Báo ANTĐ thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu trực tuyến, không chỉ riêng mảng ATGT mà còn trên nhiều lĩnh vực khác như đảm bảo ANTT, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, y tế… để người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung có thêm những thông tin quan trọng, cần thiết phục vụ cho công việc, cuộc sống của mình”.